Các máy bay không người lái cảm tử Ukraine hôm 9/3 đã tấn công nhà máy Antk Beriev ở thành phố Taganrog, nơi sản xuất máy bay tìm kiếm và cứu hộ lưỡng cư Be-200.
Trong bối cảnh đó, điều đặc biệt là theo số liệu của Military Balance 2023, Nga hiện chỉ có duy nhất 1 chiếc Be-200, phục vụ trong lực lượng hàng không của Hải quân Nga.
Mặc dù chưa rõ thiệt hại nhưng với diễn biến mới nhất, khó có khả năng Moskva sẽ bổ sung được cho phi đội Be-200 của mình thêm máy bay mới trong tương lai gần.
Nhưng việc thủy phi cơ Be-200 được tạo ra trên cơ sở dự án máy bay tìm kiếm cứu nạn chống tàu ngầm A-40 Albatross của Liên Xô còn thú vị hơn nhiều.
Thủy phi cơ chống ngầm A-40 Albatross - nguyên mẫu thiết kế của chiếc Beriev Be-200. |
Công việc chế tạo A-40 Albatross bắt đầu từ năm 1983, tại thời điểm đó có thông tin cho rằng loại máy bay lưỡng cư này sẽ thay thế chiếc Be-12 đã bị coi là lỗi thời ngay tại thời điểm đó.
Các nhà thiết kế A-40 dự đoán Albatross của họ sẽ trở thành thủy phi cơ chuyên dụng lớn nhất thế giới và có thể tiêu diệt tàu ngầm của đối phương ở bất kỳ khu vực nào trên khắp các đại dương.
Theo thiết kế, A-40 Albatross phải có những đặc điểm vượt trội như thời gian tuần tra lên tới 12 giờ, tầm hoạt động thực tế 4.000 km, tải trọng chiến đấu 6.500 kg (gấp hơn 2 lần so với Be-12).
Chiều dài thân của A-40 Albatross là 45,7 mét, sải cánh 42,5 mét, trọng lượng cất cánh tối đa 90 tấn, phi hành đoàn 4 - 8 người. Tổng cộng có 3 nguyên mẫu của loại máy bay này đã được sản xuất, các cuộc thử nghiệm diễn ra ngay trước khi Liên Xô sụp đổ.
Sau năm 1991, dự án A-40 của Nga ở trạng thái "đình chỉ", do vậy công việc và quá trình thử nghiệm tiếp theo không diễn ra. Tới năm 2012, Bộ Quốc phòng Nga chính thức tuyên bố "đóng cửa" tổ hợp hàng không chống tàu ngầm Albatross.
Năm 2016, giới chức quân sự Nga tuyên bố ý định tiếp tục hoạt động sản xuất máy bay chống ngầm A-40 Albatros, tuy nhiên hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều này.
Thủy phi cơ Be-200 tham gia chữa cháy rừng tại Thổ Nhĩ Kỳ. |