Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin cho biết, các nghị sĩ của Duma Quốc gia đã bỏ phiếu quyết định chấm dứt thỏa thuận giữa Moscow với London về việc đánh cá của ngư dân Anh gần Bán đảo Kola, trong vùng biển Barents thuộc sở hữu của Nga.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp Nga Maksim Uvaidov, về bản chất, đây không phải là thỏa thuận song phương giữa Moscow với London, mà là do Nga đã “thừa kế” nó sau khi Liên Xô tan rã.
Hiệp định song phương được ký kết tại Moscow vào ngày 25 tháng 5 năm 1956 và có hiệu lực vào ngày 12 tháng 3 năm 1957, sau khi trao đổi giấy ủy nhiệm.
Ban đầu, thỏa thuận có thời hạn 5 năm và tự động gia hạn mỗi lần thêm 5 năm nếu không có bên nào rút.
Gần 70 năm qua, kể cả ở thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, các tàu của Anh đã đánh cá dọc theo bờ biển Bán đảo Kola của Nga ở Biển Barents và phía đông Mũi Kanin Nos.
Các đại biểu Quốc hội Nga lưu ý rằng, thỏa thuận Nghề cá năm 1956 mang tính phiến diện khi chỉ trao thẩm quyền và quyền đánh bắt cá cho Anh và hầu như không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho Nga
Ông Vyacheslav Volodin tuyên bố rằng, sau khi Nga mở Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine, London đã công bố các lệnh trừng phạt chống lại Moscow, đồng thời cũng chấm dứt chế độ tối huệ quốc trong thương mại với Nga vào tháng 3/2022, dẫn đến việc tăng thuế 35% đối với hàng hóa của Nga.
Thế nhưng, điều trớ trêu là trong thực đơn cá của người dân Anh lại có tới 40% khối lượng là cá tuyết được đánh bắt từ vùng biển của Nga, điều mà họ đã quen thuộc trong suốt 68 năm qua.
Tờ Daily Mail dẫn dữ liệu của Cơ quan Thủy sản Vương quốc Anh cho biết, chỉ riêng năm ngoái đã có 566.784 tấn cá tuyết và cá tuyết chấm đen khổng lồ được đánh bắt ở Biển Barents.
Bình luận về luật này, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin nói rằng với việc hủy bỏ thỏa thuận, Nga đang lấy lại quyền sở hữu của mình đối với loài cá mà Anh đã tiêu thụ trong nhiều thập niên.
Ngoài ra, sau khi Anh chấm dứt chế độ tối huệ quốc trong thương mại với Liên bang Nga vào tháng 3 năm 2022, sự hủy bỏ thỏa thuận của Moscow sẽ không gây ra bất kỳ hậu quả nào về bản chất chính trị và kinh tế.