Nga - Ấn thúc đẩy hành lang vận tải dầu thô

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Hành lang vận tải phía Đông giúp Nga và Ấn Độ tránh rủi ro khó đoán ở Biển Đỏ, thúc đẩy vận tải dầu thô của Nga ở mức kỷ lục.

Vận tải hàng hải từ Nga qua Ấn Độ có thể sẽ thay đổi cuộc chơi trên thị trường thế giới.
Vận tải hàng hải từ Nga qua Ấn Độ có thể sẽ thay đổi cuộc chơi trên thị trường thế giới.

Hai nước Nga và Ấn Độ đang thúc đẩy khôi phục Hành lang Hàng hải phía Đông - tuyến đường vận tải biển đã tồn tại từ thời Liên Xô nhằm né tránh các khả năng căng thẳng ở Biển Đỏ. Đặc biệt, hai quốc gia đã có sự gia tăng thương mại mạnh mẽ trong lĩnh vực nhiên liệu.

Ngày 25/1, Moscow và New Delhi đã tổ chức các cuộc đàm phán chi tiết về việc khôi phục Hành lang Hàng hải phía Đông (EMC) nối Vladivostok ở Viễn Đông Nga và Chennai trên bờ biển phía đông Ấn Độ, theo RT.

Tuyến đường này hoạt động từ thời Liên Xô và là đối tượng thu hút sự quan tâm mới của các doanh nghiệp ở cả hai nước trong bối cảnh xuất khẩu dầu, than và phân bón từ Nga sang Ấn Độ tăng vọt chưa từng thấy, cũng như căng thẳng ở Biển Đỏ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hiện tại.

Bộ trưởng Cảng, Vận tải và Đường thủy Ấn Độ, Sarbananda Sonowal, đã gọi Hành lang Hàng hải phía Đông là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” giúp tiết kiệm tới 16 ngày đi lại, cắt giảm đáng kể chi phí vận chuyển hàng hóa. Hiện tại, hầu hết thương mại giữa Ấn Độ và Nga được thực hiện thông qua tuyến đường Mumbai-St. Petersburg, đi qua kênh đào Suez và mất 35-40 ngày.

Bộ trưởng cho rằng EMC có thể là giải pháp thay thế cho việc vận chuyển hàng hóa do tình hình an ninh ở Biển Đỏ, nơi các tàu buôn đang bị tấn công trong bối cảnh leo thang ở Trung Đông xung quanh cuộc chiến ở Gaza.

Về phần mình, ông Anatoly Bobrakov - Thứ trưởng Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực, người đứng đầu phái đoàn Nga tới Chennai, việc khôi phục tuyến đường này đã được hai nước thảo luận ở cấp cao nhất, bao gồm cả giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Các cảng Bắc Cực và Viễn Đông của Nga chiếm khoảng 40% vận chuyển hàng hải của đất nước và doanh thu vận chuyển hàng hóa của các cảng này có thể tăng gấp đôi trong thập kỷ tới với than, dầu thô và LNG là các mặt hàng chính được vận chuyển.

Theo một nghiên cứu khả thi do chính phủ Ấn Độ thực hiện, tất cả những mặt hàng đó, cùng với phân bón, có thể được vận chuyển hiệu quả thông qua EMC.

Tài liệu này khẳng định rằng than cốc là mặt hàng hấp dẫn nhất để vận chuyển, có thể được mở rộng quy mô đáng kể thông qua tuyến Vladivostok-Chennai. Nghiên cứu ước tính lượng hàng hóa tiềm năng ở mức 20 triệu tấn mỗi năm (MMTPA) vào năm 2025 và 65 MMTPA vào năm 2042.

Các quan chức Nga lưu ý rằng EMC có thể được liên kết sâu hơn với Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) chạy từ Biển Barents gần biên giới Nga với Na Uy đến Eo biển Bering giữa Siberia và Alaska, cung cấp cho Ấn Độ nhiều tuyến đường thay thế hơn để vận chuyển hàng hóa quan trọng như dầu thô và LNG.

Vạch ra những triển vọng khác nhau nhằm tăng cường hợp tác hàng hải song phương Nga-Ấn Độ, Bộ trưởng Cảng biển Ấn Độ gợi ý rằng các tàu phá băng của Nga có thể được chế tạo tại các nhà máy đóng tàu của Ấn Độ. Về phần mình, Moscow đã đề nghị huấn luyện thủy thủ Ấn Độ di chuyển trong vùng biển Bắc Cực băng giá, khi quốc gia Nam Á này mong muốn tăng cường sự hiện diện ở khu vực cực bắc.

Ấn Độ mua dầu Nga ở mức kỷ lục

Có thể nói, thương mại dầu mỏ của Ấn Độ với Nga đã trải qua một cơn địa chấn trong một năm rưỡi qua, do cuộc xung đột ở Ukraine thúc đẩy. Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ tận dụng nguồn dầu giảm giá của Nga, Moscow nhanh chóng trở thành nguồn cung cấp dầu thô chính của Ấn Độ, chiếm 40% lượng nhập khẩu khi thị phần của OPEC giảm dần.

Kể từ tháng 4 năm 2022, nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ đã tăng hơn 10 lần, tăng đáng kể sau khi G7 áp đặt mức trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.

Với động thái này, Ấn Độ đã tiết kiệm được khoảng 5 tỷ USD - chiếm 20% lượng dầu thô nhập khẩu hàng năm. So với năm 2021, con số tương đương chỉ ở mức 2%. Sự gia tăng này đã thúc đẩy thương mại song phương với Nga lên 50 tỷ USD vào năm 2023, đồng thời củng cố đáng kể an ninh năng lượng của Ấn Độ.

Năm 2023, Nga thống trị thị trường năng lượng Ấn Độ với tư cách là nhà cung cấp dầu thô chính, đóng góp hơn 35% tổng lượng dầu nhập khẩu. Các nhà phân tích cho biết, nhập khẩu dầu của Nga dự kiến sẽ tiếp tục mạnh mẽ, có khả năng chiếm 35-45% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ