Theo tuyên bố của ông Nikolai Korchunov - đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Nga, Tuyến đường biển phương Bắc (NSR) có thể trở thành một giải pháp thay thế tương đương cho các tàu muốn thay đổi lộ trình trước nguy cơ bị nhóm vũ trang tấn công khi băng qua Biển Đỏ.
Ông Korchunov chỉ ra rằng việc sử dụng NSR có thể phải tuân thủ các quy định của luật pháp Bắc Cực cũng như các tài liệu liên quan quy định việc Nga quản lý toàn bộ tuyến đường này.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ quan điểm NSR ngày nay tỏ ra hiệu quả hơn kênh đào Suez, nhấn mạnh sự gia tăng đáng kể về lợi ích kinh tế của việc vận chuyển hàng hóa dọc tuyến đường này.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi tiếp tục tấn công các tàu thương mại, bao gồm cả những tàu mà họ tin rằng có liên quan đến Israel, điều này được cho là tạo cơ hội cho NSR, nhưng thực tế có dễ dàng như những gì phía Nga nói?
Các tàu vận tải liệu có sử dụng NSR thay vì băng qua Biển Đỏ? |
Hiện tại giá dầu thấp đã làm giảm chi phí nhiên liệu hàng hải, do vậy bất kỳ khoản lợi nhuận nào từ việc sử dụng NSR trở nên ít hơn đáng kể, ngoài ra việc di chuyển giữa vùng biển đóng băng làm tăng vọt mức tiêu thụ nhiên liệu.
Không chỉ có vậy, tính kinh tế của vận tải hàng hóa phụ thuộc nhiều vào các điều kiện bảo hiểm hay đánh giá rủi ro.
Việc đi qua Bắc Cực mang theo nhiều "cạm bẫy", đặc biệt là cung cấp các dịch vụ cần thiết cho hàng hải, và đây không chỉ là thiệt hại nếu va chạm với băng.
Một tàu hàng sẽ yêu cầu tàu phá băng hỗ trợ liên tục, điều hướng, thủy văn, khí tượng và hải quan hộ tống. NSR phải gắn chặt với số lượng và hoạt động của các tàu phá băng, điều này mang lại rủi ro rất lớn.
Giả sử trường hợp nếu tàu phá băng đến không đúng lúc và đúng chỗ thì các tàu chở hàng khô sẽ buộc phải dừng hoạt động.
Yếu tố quan trọng không kém tạo nên sức hấp dẫn của tuyến đường là cơ sở hạ tầng cảng biển phát triển tốt. Đối với vận tải container hiện đại, tốc độ và khoảng cách không quá quan trọng mà còn phải tuân thủ lịch trình.
Tốc độ của tàu hàng phụ thuộc vào khả năng tiếp cận của phương tiện hỗ trợ, cơ sở hạ tầng cảng, hoa tiêu, neo đậu... tất nhiên điều đó không chỉ là xếp dỡ mà còn khả năng bổ sung nguồn cung cấp, thực hiện việc sửa chữa và thuê thêm thuyền viên.
Chính vì vậy hậu cần hàng hải cần phải gắn chặt với cơ sở hạ tầng cảng, có khả năng cung cấp toàn bộ dịch vụ cần thiết, giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự chậm trễ của tàu.
NSR cũng không nổi tiếng vì sự đơn giản của điều kiện hàng hải, hệ thống luồng lạch và eo biển phức tạp với băng giá gây ảnh hưởng lớn, làm hạn chế mớn nước và trọng tải của tàu có thể đi qua.
Hiện tại khi cơ sở hạ tầng cảng biển của Nga dọc theo NSR chưa phát triển, đội tàu phá băng chưa đủ số lượng yêu cầu (tối thiểu 2 tàu phá băng kèm 1 tàu hàng) thì quá khó để các hãng vận tải lựa chọn tuyến đường này như mong muốn của Moskva.
So sánh lợi thế của Tuyến đường biển phương Bắc với Kênh đào Suez. |