Giáo viên đổi mới sẽ giảm thiểu học trò mắc lỗi
Tuần qua, câu chuyện “231 cái tát” tại Quảng Bình đã làm nóng mọi diễn đàn giáo dục. Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì ngay tại Hà Nội, một cô giáo tại ngôi trường nổi tiếng thuộc top đầu Thủ đô lại sử dụng biện pháp tát bạn để xử phạt học sinh.
Mọi tường trình, giải thích chỉ là bao biện khi đối tượng chính của câu chuyện là những đứa trẻ còn rất non nớt trong suy nghĩ, cần được bảo vệ và dễ bị tổn thương.
Tư duy lối mòn “thương cho roi cho vọt” trong hành xử và kỷ luật học trò đã tạo ra tâm lý “bề trên” ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận các giáo viên. Tư tưởng “thương cho roi cho vọt” từ lâu đã không còn phù hợp và gây nhiều phản ứng trái chiều trong quan điểm giáo dục hiện đại.
Nhận thức về vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá giáo viên, trong đó lưu ý đến những tác động nhằm thay đổi phương pháp giáo dục, trao quyền chủ động cho học sinh. Bên cạnh đó, thay đổi cách nhận xét, đánh giá học sinh cũng nhằm góp phần xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện, phát huy tối đa tính sáng tạo của học sinh.
Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chính là cụ thể hóa tham vọng thay đổi từ nhận thức của những người làm giáo dục – những người tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giáo dục thế hệ trẻ, nhằm xây dựng trong tư duy của họ những đổi mới ngay từ mối quan hệ với học trò của mình – chủ thể trực tiếp của quá trình giáo dục đào tạo.
Nếu tôi là giáo viên mắc lỗi…
Là người có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, TS. Vũ Thu Hương chia sẻ: “Khi xem thông tin về các vụ việc này, bản thân tôi cảm thấy vô cùng thất vọng. Chúng ta đã dạy trẻ phải luôn thành thật, đặc biệt với các lỗi sai của mình, sẵn sàng xin lỗi và chấp nhận hình phạt để sửa đổi.
Tuy nhiên, khi xảy ra những vụ việc mà lỗi nằm ở phía người lớn, dường như chúng ta vẫn không biết cách nào để xử lý vấn đề. Phải chăng, việc nhận lỗi trước mặt trẻ, nhận một hình thức phạt và sửa sai là điều quá khó hoặc không thể thực hiện đối với người lớn?”
Thực ra, khi giáo viên hay cha mẹ làm sai mà sẵn sàng nhận lỗi trước mặt trẻ, chấp nhận hình phạt do trẻ đề xuất chính là một phương pháp dạy học đạo đức vô cùng hữu hiệu cho trẻ, chứ không làm cho người lớn “mất mặt” đi chút nào. Điều đó sẽ cho trẻ cảm nhận rằng, thế giới thật công bằng, ai làm sai chắc chắn phải nhận lỗi và chịu phạt.
“Nếu tôi là giáo viên đã để xảy ra vụ việc trên hoặc là hiệu trưởng phụ trách nhân sự, tôi chắc chắn sẽ đến trước mặt cháu bé và gia đình, khoanh tay xin lỗi trẻ thật nghiêm túc và chân thành. Tôi sẽ đề nghị cháu nghĩ ra hình phạt cho tôi vì tôi đã thực sự làm 1 việc sai trái và tôi sẽ thực hiện hình phạt mà cháu bé đã nghĩ ra để thể hiện sự hối lỗi của mình.” – TS. Vũ Thu Hương nói.
Nghịch lý đang tồn tại hiện nay, người lớn luôn nghĩ mình là bề trên, có quyền đưa ra mọi thứ quyết định cho trẻ. Trong trường hợp người lớn sai, thái độ xin lỗi và cầu thị lại không có. Chính điều này sẽ khiến trẻ thêm bức xúc và thiếu đi sự tin tưởng.
Nếu thầy cô hay cha mẹ mắc sai lầm, thay vì tìm cách che giấu hay đổ lỗi, hãy thành tâm nhận lỗi và chịu phạt như trẻ, mọi việc sẽ được giải quyết nhanh chóng và chính đứa trẻ cũng nhận ra được 1 bài học quý từ vụ việc này. Đó là quy tắc và luật pháp luôn công bằng với tất cả mọi người.