Xúc cảm ngày khai trường

GD&TĐ - Khai trường – hai tiếng tưởng chừng như quen thuộc nhưng sao với tôi mỗi mùa thu đến cái cảm giác nôn nao xen lẫn tự hào vẫn mới nguyễn như ngày nào.

Xúc cảm ngày khai trường

Nhớ mùa khai giảng đầu tiên, khi tôi chính thức là Thầy, cả đêm chẳng thể nào ngủ được. Cứ nghĩ đến ngày mai mình sẽ được bao nhiêu tâm hồn nhỏ bé, ngây thơ gọi bằng hai tiếng thân thương “Thầy ơi!” tôi lại dâng tràn xúc cảm: hồi hộp và vui sướng.

Tôi lại lẩm nhẩm đọc bài tập đọc “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh mà tôi đã từng học và bây giờ là giảng dạy lại cho các em: "Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học." Tôi lại bật cười: “Mình đã là thầy chứ đâu còn là học trò nữa đâu nhỉ!”. Sau một đêm trằn trọc, tôi cũng được tận hưởng cái giây phút mong đợi ấy. Không gì có thể diễn tả được buổi sáng tuy ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa ấy.

Từ đây, tôi biết rằng, mình đang, sẽ mang trên vai một trọng trách, cũng là niềm tự hào: sứ mạng đào tạo con người – những chủ nhân tương lai của đất nước. Nhìn từng khuôn mặt háo hức, từng nụ cười vui sướng của các em, tôi như vui lây. Yêu lắm cái khoảnh khắc tuyệt vời ấy!

Thời gian cứ trôi, tính đến nay, tôi đã trải qua 12 mùa khai giảng. Mỗi mùa đi qua, tôi lại đón chào một thế hệ học trò mới, lại chan hòa niềm vui sướng, hạnh phúc nhưng cũng xen lẫn bao lo lắng cho những bộn bề của một năm học mới sắp đến. Cũng đôi lần vì mệt mỏi, tôi đã chọn hướng rẽ khác cho cuộc đời mình. Nhưng có lẽ với tôi, nghề giáo không còn là nghề nữa mà nó thành cái “nghiệp” tự lúc nào không rõ. Xa trường không bao lâu, nỗi nhớ trong tôi lại quay quắt không yên. Tôi nhớ bục giảng, nhớ từng nụ cười của các em. Và tôi quyết định quay lại trường, lòng tự nhủ không một lần nào bỏ trường nữa”.

Hôm nay, thêm một mùa khai giảng lại đến. Vẫn không khí của một buổi lễ như năm nào nhưng lòng tôi vẫn không tránh khỏi sự bồi hồi. Nhìn những khuôn mặt ngơ ngác đến đáng yêu của các em học sinh lớp 1, niềm tự hào của các em lớp 5, tôi lại yêu nghề hơn bao giờ hết.

Cảm ơn số phận đã đưa tôi đến với nghề giáo, cám ơn những ngôi trường tôi đã có duyên may được đi qua sau nhiều năm với biết bao thăng trầm nhưng vẫn giữ được bầu nhiệt huyết tươi mới, cám ơn anh chị đồng nghiệp đã cùng tôi vững bước trong công việc thầm lặng nhưng cũng không kém phần vinh quang và xin cảm ơn những học trò nhỏ đã cho tôi cơ hội được làm thầy, làm bạn của các em.

Cảm xúc khi nghe bài hát “Lời con hứa” vào buổi khai trường hôm nào trong tôi vẫn mãnh liệt:

“…Từng giọng nói mãi ấm áp,

Bao ngày qua còn ngọt ngào,

Thầm mong thời gian đừng trôi nhanh,

Rồi tự hứa sẽ cố gắng không phụ công lòng đợi chờ.

Để niềm vui còn mãi trên nụ cười …”

Vâng! Các em hãy chăm ngoan, yêu thầy, mến bạn. Thầy cũng luôn tâm niệm: “Sẽ ghi những khoảnh khắc đẹp trong lòng mỗi học trò nhỏ, luôn là người truyền lửa để các em tiến xa hơn.” Lời dặn của Thầy Cô khi ở trường sư phạm như in mãi trong tâm trí tôi: “Nếu người thợ kim hoàn làm hỏng một đồ vàng bạc thì anh ta có thể đem ra nấu lại. Nếu một viên ngọc quý bị hư thì có thể phá bỏ…Làm hư một con người là tội lớn, một lỗi lầm không thể nào chuộc được.” Tôi nguyện chắt chiu từng kỷ niệm đẹp để mỗi mùa khai giảng, cảm xúc trong tôi lại đong đầy như thế! Nghề giáo – niềm tự hào trong tôi.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...