Hãng TASS dẫn tuyên bố của tướng Vladimir Popov, hôm 14 tháng 4 khi đề cập vụ tiêm kích F-16 Ukraine bị bắn rơi trước đó hai ngày:
"Tổn thất này sẽ làm suy yếu hình ảnh của tiêm kích F-16, dù danh tiếng của nó dường như đã bị tổn hại từ trước, chỉ là chưa ở trên diện rộng".
Máy bay chiến đấu F-16 được đánh giá là có năng lực vượt trội so với các dòng chiến đấu cơ thời Liên Xô trong biên chế không quân Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov gọi đây là "sự bổ sung được chờ đợi từ lâu", trong khi hầu hết phi công Ukraine tuyên bố tiêm kích Nga "sợ phải chạm mặt F-16" và có xu hướng rút lui trước các cuộc không chiến tầm gần.
Ông Popov cho rằng Kiev và các đồng minh phương Tây đã tìm cách phóng đại sức mạnh của F-16 trước khi dòng phi cơ này tham chiến tại Ukraine.
"Họ đưa ra nhiều lý do khác nhau, như các vụ bắn rơi không phản ánh tình hình thực tế hoặc Nga tung tin giả. Tuy nhiên, thiệt hại này đã để lại ấn tượng tiêu cực đối với tiêm kích hàng đầu của thế hệ 4 như F-16", tướng Popov nhấn mạnh.
Cũng theo tướng Nga, phi công Ukraine vẫn gặp khó khăn trong vận hành dòng F-16 do thiết kế buồng lái khác với những chiến đấu cơ hệ Liên Xô.
"Họ có thể tìm cách thích nghi, song sẽ cần thời gian dài hơn 3-5 tháng để làm quen", tướng Nga nói và cho biết thêm rằng phi công thường mất 18-24 tháng để có thể làm chủ mẫu tiêm kích này.
Số lượng phi cơ F-16 mà Ukraine đã nhận là không đủ để bao quát toàn bộ tiền tuyến dài khoảng 2.000 km, cũng như bảo đảm nhiệm vụ phòng không. Ông Popov nhận định F-16 chỉ có thể trở thành mối đe dọa thật sự với lực lượng Nga nếu "30-50 chiếc xuất hiện cùng lúc tại một mặt trận".
Để tránh nguy cơ bị trúng đòn tập kích, không quân Ukraine đang liên tục thay đổi vị trí triển khai của F-16, thêm rằng chúng được sử dụng chủ yếu cho nhiệm vụ phòng thủ ở các thành phố lớn, tạo điều kiện cho phi công Ukraine trui rèn kỹ năng vận hành.
Cùng với tuyên bố của ông Popov, chuyên trang quân sự Military Watch Magazine (MWM) của Mỹ cũng cho rằng, phi đội chiến đấu cơ của Nga vượt trội so với tiêm kích phương Tây tại Ukraine.
"Các máy bay chiến đấu được phương Tây cung cấp cho Ukraine kém hơn đáng kể so với những chiếc mà Không quân Nga đang sở hữu, cụ thể là Su-30SM, Su-35 và MiG-31", báo Mỹ viết.
"F-16, Mirage 2000 có một số vấn đề về tầm hoạt động và khả năng bị tấn công và ngay cả những vũ khí, thiết bị tốt nhất mà chúng ta có thể lắp đặt trên những máy bay này vẫn không thể giúp chúng vượt trội hơn một số máy bay tốt của Nga", bài báo viết.
MWM nhớ lại rằng Nga có "vài trăm máy bay chiến đấu khá tiên tiến", bao gồm máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không siêu cơ động Su-35S, máy bay phản lực đa năng Su-30SM và máy bay đánh chặn siêu thanh MiG-31.
"Mấu chốt của vấn đề là bạn có thể cung cấp cho chiến đấu cơ được chuyển giao khả năng tối đa về đạn dược và khả năng tác chiến điện tử, chúng vẫn sẽ dễ bị tổn thương trước hệ thống phòng thủ trên mặt đất và một số máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Nga. Đó là một vấn đề, và sẽ luôn là vấn đề lớn", bài viết chỉ ra.
Đánh giá về khả năng cả F-16 và Mirage 2000 bị đánh bại bởi Su-35S, ấn phẩm Bulgarian Military viết rằng khi những chiến đấu cơ này tham chiến, chúng có thể bị tiêu diệt bởi tên lửa R-37M do Su-35S phóng từ khoảng cách không ngờ.
Thông số kỹ thuật cho thấy, R-37M di chuyển với tốc độ Mach 6 và tầm bắn lên tới 400 km. Vũ khí tương đương, gần nhất với R-37M là AIM-120 AMRAAM của Mỹ, được cung cấp cùng với F-16 có tầm bắn tối đa chỉ là 160 km ở phiên bản mới AIM-120D.
Tên lửa R-37M ban đầu được phát triển cho tiêm kích đánh chặn siêu thanh MiG-31BM. Nhưng tại chiến trường Ukraine, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga tích cực sử dụng R-37M trên tiêm kích Su-35S được trang bị radar N035 Irbis.
Điều này cho phép họ bắn hạ nhiều chiếc MiG-29 và Su-27 của Ukraine. Với công suất cực đại 400 kW, Zaslon mạnh hơn nhiều so với Irbis (20 kW) nguyên bản trên Su-35. Zaslon là radar mảng pha cho phép nó quét một khu vực rộng lớn và theo dõi nhiều mục tiêu cùng một lúc.
Điều này tạo ra lợi thế đáng kể so với Ibris - loại có ăng ten mảng pha quét điện tử thụ động. Một radar như vậy chỉ có thể tập trung vào một mục tiêu.
"Radar Zaslon-M cho phép phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa và tăng độ chính xác. Điều này cũng cho phép radar vượt qua tác chiến điện tử hiệu quả hơn, giúp nó ổn định hơn trong điều kiện chiến đấu", ấn phẩm Bulgarian Military kết luận.