Nét rêu phong của ngôi đình cổ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Đình Nhu Thượng, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương (TP Hải Phòng) được xây dựng vào năm Tự Đức 14 (1861). Đình thờ hai chị em Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn, con vua Mai Hắc Đế - thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Đường ở thế kỷ VIII.

Nét rêu phong Đình Nhu Thượng.
Nét rêu phong Đình Nhu Thượng.

Chứng tích lịch sử

Theo sử sách xưa, năm Quý Sửu (713), Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường. Cuộc khởi nghĩa phát triển từ Châu Hoàn - Nghệ An ra miền Bắc, làm cho quân địch khiếp sợ phải rút chạy về nước. Mai Thúc Loan lên làm Vua lấy hiệu là Mai Hắc Đế, lập Vạn An là Quốc đô.

Mai Thị Cầu là con gái Mai Hắc Đế, kết duyên với Phạm Ngọc Quỳnh - con ông Phạm Ngọc Giao ở xã Điều Yêu Thượng (Kiều Thượng và Văn Xá, thuộc xã Quốc Tuấn, huyện An Dương ngày nay).

Về làm dâu ở nơi đất khách quê người, công chúa Mai Thị Cầu được dân làng ca ngợi là hiền lành, đảm đang, tài giỏi, cần cù lao động. Đặc biệt, bà còn có năng khiếu văn nghệ, tạo cuộc sống vui tươi cho dân làng.

Từ mối quan hệ này mà người em trai của công chúa là Hoàng tử Mai Kỳ Sơn đã làm thân và kết duyên với thôn nữ Hoàng Thị Dang Nguyên, người xã Nhu Điều (tức làng Nhu Kiều, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương).

Tương truyền, Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn khi sinh sống tại đây đã chu cấp cho mỗi làng 12 mẫu ruộng, 10 lượng vàng và nhiều của cải khác, đồng thời chiêu mộ dân trong thôn xây dựng đồn trại, tham gia nghĩa binh, góp phần củng cố triều đại của nhà Mai Thúc Loan.

Năm Quý Hợi (723) nhà Đường lại tập trung hàng chục vạn quân do Dương Tự Húc chỉ huy ào ạt đánh chiếm nước ta.

Tại vùng Duyên hải Đông Bắc Bộ, Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn đã tổ chức quân sĩ tiến hành các trận đánh bất ngờ vào căn cứ của quân nhà Đường với chiến thuật “đánh xong căn cứ nào thì triệt phá đồn trại, thu chiến lợi phẩm bổ sung quân lương”.

Lực lượng của nghĩa quân phân tán khắp vùng bảo đảm bí mật, thoắt ẩn, thoắt hiện. Khi tổ chức trận đánh thì tập trung binh lực, hỏa lực đánh xong lại phân tán. Đặt quân địch luôn trong thế bị động.

Suốt 4 năm, sau nhiều lần tấn công và bắt hụt hai chị em Mai Thị Cầu, Mai Kỳ Sơn cuối cùng quân xâm lược nhà Đường phát hiện ra trung tâm điều hành các trận đánh xuất phát ở Điều Yêu (thôn Nhu Kiều, xã Quốc Tuấn ngày nay). Cuối năm Đinh Mão (727) Dương Tự Húc tổ chức bao vây, gom dân trong làng, kêu gọi 2 chị em họ Mai trong 3 ngày phải ra hàng địch.

Biết được ý đồ thâm độc của giặc, hai chị em Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn đã họp nghĩa quân quyết định trá hàng cứu dân.

Hai chị em mặc chiến bào, đeo bảo kiếm hiên ngang tiến vào trại giặc cứu dân. Mai Kỳ Sơn bất chấp sự ngăn cản của địch, phóng ngựa lao thẳng vào đồn giặc và bị trúng tên, tử trận. Chứng kiến sự việc, Mai Thị Cầu đã tự kết liễu đời mình để bảo toàn khí tiết.

Tên tuổi và công trạng của hai chị em họ Mai đã được các triều đại nhà Trần, nhà Lê truy tặng các danh hiệu cao quý. Đặc biệt, nhà Nguyễn có sắc phong Thượng Đẳng Thần cho Hoàng tử Đồng Nhung Đại sứ Mai Kỳ Sơn, sắc phong Trung Đẳng Thần cho Ngọc Trân Kiều Nương Công chúa Mai Thị Cầu.

Hiện nay, trên bờ một con trạch cũ, chảy ra sông Lạch Tray, thuộc địa phận xã Quốc Tuấn, huyện An Dương vẫn còn 2 ngôi miếu nhỏ đặt bài vị, bát hương chị em họ Mai. Tương truyền đây là nơi xưa kia dân làng an táng chị em họ.

Ông Nguyễn Văn Bích kể về lịch sử của ngôi đình.

Ông Nguyễn Văn Bích kể về lịch sử của ngôi đình.

Nét kiến trúc độc đáo

Để tưởng nhớ công ơn của 2 chị em người dân trong vùng đã dựng miếu, xây đình tôn thờ hai vị là Thành hoàng của làng. Hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội dâng hương tưởng niệm công đức của 2 chị em tại Nhu Điều khi xưa, nay chính là Đình Nhu Thượng, xã Quốc Tuấn. Mỗi năm vào tháng 3 âm lịch, dân làng mở lễ hội rước Thành hoàng từ 2 ngôi miếu ven sông Lạch Tray về Đình Nhu Thượng để cúng lễ.

Đình Nhu Thượng hiện nay có khuôn viên trên 5.000m2, từ lâu đã trở nên thân quen với người dân địa phương bởi quy mô kiến trúc bề thế, nghệ thuật chạm, khắc trên gỗ khá tinh tế, mang phong cách thời Nguyễn đầu thế kỷ XIX. Năm 1991 đình được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa.

Đình cấu trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung bề thế được xây dựng theo thức chồng diêm, nóc các, 2 tầng, 8 mái, dựng năm Tự Đức 14 (1861).

Mùa xuân năm Tự Đức 34 (1882), dân làng dựng tiếp 5 gian tiền đường, nối với tòa hậu cung bằng cách tận dụng nguồn vật liệu gỗ, đá của ngôi đình cũ ven sông.

Theo các cụ cao niên tại xã Quốc Tuấn, cột, kèo của Đình Nhu Thượng được dựng lên bởi hàng chục cây gỗ lim to, chắc chắn. Trải qua hàng trăm năm các cột kèo vẫn chắc nịch và giữ nguyên giá trị vật chất, tinh thần.

Phần mái đình được lợp ngói đất nung, phía trong mái đình trang trí rồng, trạm khắc hoa văn tinh xảo, có nhiều bộ phận chạm khắc rồng phượng, hoa lá rất sinh động. Khung sườn làm bằng gỗ lim, kèo kết cấu chữ Đinh.

Kỹ thuật đục, ghép, đấu ở các cấu kiện gỗ thực hiện theo phương pháp sàm, mộng rất tinh xảo của nghề mộc thủ công truyền thống. Nền đình sử dụng gạch đất nung theo phong cách kiến trúc truyền thống cổ xưa.

Ông Nguyễn Văn Bích, người trông coi Đình Nhu Thượng, cho biết: “Phần tường của ngôi đình trước kia được xây dựng 100% bằng gạch đất không nung, không có vôi vữa để chít mạch nhưng không hề bị ăn mòn bởi thời gian, nhất là phần hậu cung”.

Ông Nguyễn Văn Bến, Chủ tịch xã Quốc Tuấn, tự hào cho biết: “Trong kháng chiến, đình được trưng dụng làm nơi trị thương cho chiến sĩ cách mạng và dân quân địa phương, một số chỗ được nhân dân đục ra làm cửa đi lại, sau đó xây vít lại bằng gạch đỏ”.

Qua thời gian, do không được tôn tạo nên Đình Nhu Thượng đã xuống cấp nghiêm trọng, một số phần tường đã bị mục ruỗng, phần mái ngói nhiều chỗ đã bị vỡ, gỗ đã bị mối mọt. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương dự kiến tôn tạo lại trên khuôn viên, nền đất cũ. Kết cấu, kiến trúc của đình vẫn giữ nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.