Nét đẹp văn hoá tâm linh trong lễ hội đền Đức Thánh Cả

GD&TĐ - Hàng năm vào tháng 2 Âm lịch, người dân biển Đa Lộc lại gác công việc để tham gia lễ hội đền Đức Thánh Cả, cầu mưa thuận gió hoà, cuộc sống ấm no.

Lễ hội đền Đức Thánh Cả diễn ra vào trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm. (Ảnh: NT).
Lễ hội đền Đức Thánh Cả diễn ra vào trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm. (Ảnh: NT).

Sự tích ngôi đền thiêng

Đền Đức Thánh Cả tọa lạc ở làng Hanh Cù, Hanh Cát - quê mẹ Tơm xưa, nay là thôn Vạn Thắng, xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc), được xây dựng vào thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX. Trước đây, ngôi đền bao gồm Tiền đường, Trung đường và Hậu cung thờ Đức Thánh Cả, Tứ vị Thánh Nương là những vị phúc thần tiêu biểu trong tín ngưỡng thờ mẫu có công bảo vệ cuộc sống cho người dân xứ biển.

Sách xưa kể lại nhân vật trung tâm của Tứ vị Thánh Nương là Dương Thái Hậu - vị mẫu nghi của nhà Nam Tống Trung Quốc. Năm 1276, kinh đô Lâm An của nhà Nam Tống rơi vào tay Mông Cổ, Vua tôi nhà Tống đứng lên chống giặc nhưng đều thất bại. Nghe tin vua bị bắt, tôn thất đều qua đời, Dương Thái Hậu buồn rầu nhảy xuống biển tự tử. Ngày hôm sau, biển nổi lên muôn vàn thi thể, nhà Nam Tống từ đây cũng bị diệt vong.

Nghinh môn thời Nguyễn trường tồn hàng trăm năm. (Ảnh: NT).

Nghinh môn thời Nguyễn trường tồn hàng trăm năm. (Ảnh: NT).

Thi thể bà Thái Hậu trôi dạt vào cửa Cờn (Quỳnh Lưu, Nghệ An), sắc mặt vẫn hồng hào như người sống. Dân chài thương xót đã lập am thờ.

Sau này, khi vua Trần Anh Tông mang quân đi đánh Chiêm Thành đã chiêm bao thấy vị nữ thần đến giúp sức nên thắng trận. Khi trở về vua đã cho lập đền thờ để nhân dân thờ cúng.

Từ đó tục thờ Tứ vị Thánh Nương xuất phát từ đền Cờn Nghệ An lan ra khắp các tỉnh Bắc Trung Bộ. Dọc miền duyên hải có 81 nơi thờ tự và Đền Đức Thanh Cả ở Đa Lộc là một trong nơi tụ khí của 4 vị Thánh Nương.

17 năm qua, chủ nhang Vũ Ngọc Chinh đã gây dựng ngôi đền trở nên khang trang, bề thế, là điểm tựa tâm linh của người dân xứ biển. (Ảnh: NT).
17 năm qua, chủ nhang Vũ Ngọc Chinh đã gây dựng ngôi đền trở nên khang trang, bề thế, là điểm tựa tâm linh của người dân xứ biển. (Ảnh: NT).

Đền Đức Thánh Cả từng là công trình bề thế, tuy nhiên, trải qua bao biến cố lịch sử, chỉ còn lại nghinh môn là nguyên vẹn. Nghinh môn hướng ra biển được xây dựng theo lối tam quan, tầng mái vút cong, phía trên cùng là tháp chuông với nhiều nét hoa văn hoạ tiết độc đáo, tường hai bên đắp voi, ngựa đối xứng. Các cột nanh có câu đối chữ Nho, là một hệ thống văn tự còn lưu lại. Trên tầng 3 của Nghinh Môn mặt ngoài có 3 từ: “Thượng đẳng từ”, mặt trong có 2 từ: “Linh từ”, vì vậy Đền Thánh Cả còn được gọi là Thượng đẳng linh từ.

Về chứng tích lịch sử, nơi đây còn là nơi ẩn nấp của Nghĩa quân Ba Đình, nơi tạm trú của các nhà hoạt động cách mạng trên đường từ Phú Lương về nhà Mẹ Tơm, nơi tụ họp của tổ Đảng làng Khang Cù trong thời kỳ bí mật.

Với giá trị lịch sử đó, nhằm giữ lại cho hậu thế mai sau, 2005, cấp ủy, chính quyền xã Đa Lộc kêu gọi nhân dân, tổ chức, cá nhân quyên góp, trùng tu tôn tạo ngôi đền 5 gian làm nơi thờ tự và mời thanh đồng Vũ Ngọc Chinh làm chủ nhang.

Mỗi năm vào trung tuần tháng 2, người dân và du khách lại nô nức về đền Đức Thánh Cả để tham dự lễ hội, cầu một năm ấm no. (Ảnh: NT).
Mỗi năm vào trung tuần tháng 2, người dân và du khách lại nô nức về đền Đức Thánh Cả để tham dự lễ hội, cầu một năm ấm no. (Ảnh: NT).

Thời điểm đó, diện tích của đền còn lại rất ít, hầu hết đất xung quanh đã được người dân địa phương làm nhà ở. Sau khi tiếp quản ngôi đền, cậu Chinh thành tâm, mong muốn gây dựng lại đền Đức Thánh Cả khang trang, thanh tịnh, là nơi yên bình giúp người dân trong vùng, du khách thập phương lui tới cầu may mắn, sức khỏe, mong quốc thái dân an.

Cuối năm 2005, cậu Chinh cho xây dựng nhà tiền đường ba gian thờ Tứ Vị Thánh Nương. Từ đó, cứ mỗi năm lại thêm một công trình mới như: Điện thờ mẫu, Điện ngọc, Chùa Trùng Khánh, Đức Thánh Trần lần lượt được xây dựng.

Suốt 17 năm qua, ngoài nghinh môn thì từ một bãi đất trống, nhờ sự tận tâm, tận tụy trùng tu tôn tạo của chủ nhang, ngôi đền khang trang, bề thế, sạch đẹp, phát huy được giá trị văn hoá vốn có.

Hiện nay, ngoài thờ Tứ Vị Thánh Nương, đền còn thờ thần Độc Cước, Bà Chúa Kho, ông Hoàng Mười, các danh nhân văn hoá, anh hùng dân tộc - những người có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điểm nhấn của lễ hội là nghi thức rước kiệu. (Ảnh: NT).
Điểm nhấn của lễ hội là nghi thức rước kiệu. (Ảnh: NT).

Trải qua thăng trầm lịch sử, đền Đức Thánh Cả vẫn đứng đó uy nghiêm, sừng sững như một phần hồn cốt không thể tách rời của người dân xứ biển, là biểu tượng văn hoá tốt đẹp của đất và người Đa Lộc, là điểm tựa tinh thần, điểm đến tâm linh mang lại sự thanh thản cho người dân cũng như du khách thập phương. Năm 2010, đền Đức Thánh Cả được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Khôi phục lễ hội truyền thống - nét văn hoá tâm linh

Không chỉ có công lớn trong gìn giữ, tôn tạo ngôi đền, cậu đồng Vũ Ngọc Chinh còn là nhân tố quan trọng trong việc khôi phục lại lễ hội truyền thống của địa phương, thu hút đông đảo nhân dân vùng biển Hậu Lộc tham gia.

Trong các ngày 4,5,6 tháng 3 (tức ngày 13,14,15 tháng 2 âm lịch), nhân dân 9 làng của xã Đa Lộc lại neo tàu về bến, tạm gác công việc thường ngày để tham gia lễ hội, bày tỏ lòng thành kính với các vị thần có công bảo vệ dân làng. Lễ hội thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương nô nức đổ về đền dâng hương, chiêm bái.

Đoàn rước kiệu dài hàng km, gồm hàng trăm người dân, dòng họ của 9 thôn xã Đa Lộc. (Ảnh: NT).
Đoàn rước kiệu dài hàng km, gồm hàng trăm người dân, dòng họ của 9 thôn xã Đa Lộc. (Ảnh: NT).

Điểm nhấn của lễ hội là nghi thức rước kiệu du xuân. Ban tổ chức sẽ mở cung cấm rước linh vị Tứ Vị Thánh Nương lên kiệu 6 người khiêng, theo sau linh vị là các bản hội mang theo cờ, chiêng trống dài hàng km, tạo không khí tưng bừng, náo nhiệt. Đoàn rước sẽ đi qua các làng và dừng lại ở trung tâm văn hoá xã để làm nghi lễ rồi tiếp tục được rước trở về.

Sau nghi thức dâng hương là nghi thức đánh trống khai mạc. Chủ nhang Vũ Ngọc Chinh đọc bài chúc văn được sửa soạn công phu ca ngợi công đức của Tứ Vị Thánh Nương cùng các vị thánh thần có công hộ Quốc an dân. Buổi chiều sẽ là nghi lễ tế thần truyền thống với nghi thức trang trọng của các cụ cao niên trong làng.

Chủ nhang Vũ Ngọc Chinh sẽ đánh chuông trong quá trình thực hiện nghi lễ. (Ảnh: NT).
Chủ nhang Vũ Ngọc Chinh sẽ đánh chuông trong quá trình thực hiện nghi lễ. (Ảnh: NT).

Cũng trong chiều ngày 5/3, sẽ thực hiện nghi lễ hầu đồng. Qua 36 giá đồng, các vị thánh thay nhau hiển hiện. Mỗi một vị thần thánh, qua thanh đồng Vũ Ngọc Chinh đều trở nên gần gũi với đời thường giúp cho người xem hiểu thêm về bản sắc văn hoá của dân tộc, góp phần gìn giữ nghi lễ hầu đồng - một nét đặc sắc trong văn hoá tâm linh của người Việt, đồng thời đưa tín ngưỡng thờ mẫu, tín ngưỡng văn hoá tốt lành ngày càng ăn sâu bám rễ trong đời sống tinh thần của người dân. Phần Lễ kết thúc cũng là lúc nhân dân tưng bừng bước vào phần hội như thi cắm hoa, trang trí mâm lễ, văn nghệ…

Sau khi kiệu được rước ra trung tâm xã sẽ thực hiện nghi lễ. (Ảnh: NT).
Sau khi kiệu được rước ra trung tâm xã sẽ thực hiện nghi lễ. (Ảnh: NT).

Ngày cuối cùng sẽ là lễ tạ trang trọng cũng được tổ chức nhằm cảm ơn công đức thánh thần và tri ân tới du khách khắp nơi về tham gia lễ hội.

Diễn ra trong 3 ngày, lễ hội Đức Thánh Cả đã tạo nên không gian rực rỡ sắc màu, tô điểm thêm vẻ đẹp văn hoá, khẳng định giá trị tâm linh trường tồn của ngôi đền trong đời sống tinh thần của người dân dọc miền duyên hải xứ Thanh.

Chủ nhang Vũ Ngọc Chinh đọc bài chúc văn được sửa soạn công phu ca ngợi công đức của Tứ Vị Thánh Nương cùng các vị thánh thần có công hộ Quốc an dân. (Ảnh: NT).

Chủ nhang Vũ Ngọc Chinh đọc bài chúc văn được sửa soạn công phu ca ngợi công đức của Tứ Vị Thánh Nương cùng các vị thánh thần có công hộ Quốc an dân. (Ảnh: NT).

Ông Vũ Ngọc Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: “Thông qua hoạt động lễ hội đã tạo nên không khí vui tươi phấn khởi, tạo cho người dân một năm mới hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế và phấn đấu hoàn thành chương trình nông thôn mới”.

Thanh đồng Vũ Ngọc Chinh vinh dự được Hội di sản Việt Nam tặng Bằng khen về những đóng góp tích cực trong liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt lần thứ nhất năm 2017, Giấy khen của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người về thành tích 30 năm thực hành tín ngưỡng thờ mẫu phục vụ cộng đồng và nhiều phần thưởng khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.