Nét đẹp trường ca Xa Nhà Ca

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Trường ca Xa Nhà Ca là một pho sử về sự hình thành vạn vật, phong tục, một số bài học xã hội và luân lý của người Hà Nhì ở Mường Tè.

Lễ khai giảng lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể trường ca Xa Nhà Ca.
Lễ khai giảng lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể trường ca Xa Nhà Ca.

Trường ca Xa Nhà Ca dài nhiều đêm kể. Đó là một pho sử về sự hình thành vạn vật, phong tục, một số bài học xã hội và luân lý của người Hà Nhì ở Mường Tè (Lai Châu). Trước sự hòa nhập của nền văn hóa hiện đại, người Hà Nhì nơi đây đang nỗ lực để bản trường ca ấy luôn trường tồn.

Tìm về lịch sử Xa Nhà Ca

“Hướng lên trên mở một lần, vào một buổi sáng

Muôn loài sinh ra, muôn thứ sinh ra

Hướng xuống dưới mở một lần, vào một buổi sáng

Nghìn loài, muôn vật cái gì cũng có...”

Trường ca Xa Nhà Ca mở đầu như thế với chương Tạo trời, tạo đất (Ù pe mí pe), xoay quanh đề tài tạo dựng vũ trụ. Với 11 chương và 3.590 câu, trường ca là pho sử dài được kết cấu logic, chặt chẽ từ đầu đến cuối khiến người nghe như lúc lạc vào chốn hoang sơ của đất trời. Trong trường ca, có lúc người nghe buồn đến rơi nước mắt cho số phận không may nhưng cuối cùng là niềm vui đoàn tụ, niềm vui của hạnh phúc, cuộc sống ấm no, vui vầy.

Theo Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ (bản Mù Cả, xã Mù Cả, huyện Mường Tè), trường ca Xa Nhà Ca ra đời và tồn tại trong lịch sử, môi trường văn hoá dân gian dân tộc Hà Nhì (nhóm Hà Nhì hoa).

Xa Nhà Ca có nghĩa là ở trên xuống. Nội dung phản ánh quan niệm của người Hà Nhì về nguồn gốc vạn vật, cách ứng xử giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Trường ca bắt nguồn từ cuộc sống, lao động thường ngày, quan niệm về giá trị tốt đẹp của con người.

Trải qua quá trình thiên di trong suốt chiều dài lịch sử, người Hà Nhì cùng với di sản Trường ca Xa Nhà Ca đã xuất hiện và tồn tại ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu từ khoảng 300 năm trước.

Các học viên chụp ảnh cùng nghệ nhân Pờ Lóng Tơ (đứng giữa)

Các học viên chụp ảnh cùng nghệ nhân Pờ Lóng Tơ (đứng giữa)

“Xa Nhà Ca được hát bên mâm rượu ngày Tết, do một hay nhiều người thay nhau thực hiện. Trên mâm nhất thiết phải có một con gà và hai chén rượu để dâng cúng tổ tiên cùng các vị thần linh. Nhiều đoạn chính là những bài cúng, làm lý trong các nghi lễ thuộc chu kỳ vòng đời người hoặc các hoạt động mưu sinh” – Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ chia sẻ.

Cũng theo Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ, người Hà Nhì quan niệm: Nếu không làm lý bằng chén rượu và một con gà mà cứ thế hát thì thần linh, tổ tiên sẽ trách phạt rồi giáng họa xuống gia đình. Người sẽ bị đau ốm, gia súc bị dịch bệnh, mùa màng bị thất bát. Điều này khiến cho trường ca mang sắc màu huyền thoại. Tuy vậy, trường ca Xa Nhà Ca không mang tính chất tín ngưỡng tôn giáo, không bị ràng buộc bởi các nghi lễ.

Trường ca Xa Nhà Ca thường được ngâm, kể khi màn đêm buông xuống. Người hát vừa uống rượu vừa hát, nét mặt khi thì vui, lúc lại buồn, cũng có khi lại thong thả, lúc vội vàng theo từng nội dung cốt truyện. Đó là lúc mà tất cả người Hà Nhì có dịp ngược dòng thời gian về với cội nguồn của dân tộc mình.

Họ được tìm hiểu về sự hình thành trời, đất, của vạn vật, muôn loài, về nguồn gốc của sự sống và cuộc đấu tranh sinh tồn. Đồng thời, biết được cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên.

Lớp học trường ca

Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ – người giữ hồn trường ca Xa Nhà Ca của dân tộc Hà Nhì.

Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ – người giữ hồn trường ca Xa Nhà Ca của dân tộc Hà Nhì.

Điều mà Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ mãn nguyện nhất trong cuộc đời của mình là đã lưu giữ một vốn văn hóa cổ, quý báu của cha ông. Theo ông, trường ca Xa Nhà Ca có tác dụng kết nối hiện tại với quá khứ, để cho con cháu Hà Nhì hôm nay hiểu biết sâu sắc về lịch sử dân tộc mình.

Cũng giống như nghệ nhân Pờ Lóng Tơ, lớp trẻ người Hà Nhì đều mong muốn duy trì vốn văn hoá dân gian truyền thống của dân tộc mình. Anh Mạ Lý Phạ, cán bộ văn hóa xã Ka Lăng, huyện Mường Tè chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn được tìm hiểu, học hỏi và nghe kể Trường ca Xa Nhà Ca để có thể gìn giữ nét đẹp của dân tộc mình”.

Trước thực tế đó, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của bản trường ca này. Lớp học truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể trường ca Xa Nhà Ca tại huyện Mường Tè được Bảo tàng tỉnh Lai Châu khai giảng vào ngày 25/7 vừa qua chính là một minh chứng.

Lớp học có sự tham gia của 20 học viên. Họ đều là người Hà Nhì đang sinh sống trên địa bàn các xã Mù Cả, Ka Lăng, Thu Lũm của huyện Mường Tè. Trong 15 ngày, học viên được nghệ nhân Pờ Lóng Tơ truyền dạy, diễn xướng những đặc sắc ở 11 Chương của trường ca Xa Nhà Ca.

Là học viên tham gia, anh Mạ Lý Phạ cho biết: “Sau khi kết thúc lớp truyền dạy, chúng tôi đã hiểu, nắm bắt đầy đủ nội dung cơ bản và có thể diễn xướng lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, có thể lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ sau về nét đẹp của pho sử này”.

Ông Nguyễn Trọng Hiến - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lai Châu cho biết: “Việc truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể trường ca Xa Nhà Ca nhằm bảo tồn, phát huy, nhân rộng di sản văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Hà Nhì. Đồng thời, góp phần vinh danh giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, tạo điều kiện cho việc kế thừa, tái tạo, sản sinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng người Hà Nhì”.

Bản Hà Nhì ở Mường Tè nhìn xa trông như những lô cốt vững chãi. Ở đó có những ngôi nhà nối nhau mọc bên sườn núi cao và cả trong những thung lũng sâu. Âm thanh lúc bổng, lúc trầm, có khi lại như lẫn vào sương sớm, màn đêm của trường ca Xa Nhà Ca càng làm cho bản nhỏ hiện lên đẹp như một bức tranh giữa hoang vu núi rừng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ