Lên Mường Tè ăn Tết Ngô

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hiện chỉ có hơn 2.000 người Cống sống ở 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Trong đó, người Cống ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè (Lai Châu) chiếm 50%.

Nghi thức Cúng gọi hồn trong Tết Ngô được phục dựng.
Nghi thức Cúng gọi hồn trong Tết Ngô được phục dựng.

Đồng bào Cống ở Mường Tè có đời sống văn hóa phong phú với nhiều nét đẹp truyền thống, trong đó đáng phải kể đến là Tết Ngô.

Niềm vui trên thượng nguồn

Huyện Mường Tè có 14 xã, thị trấn, gồm 10 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, người Cống là 1 trong 5 dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trên cả nước, cư trú tập trung ở xã Nậm Khao với 220 hộ, trên 1.000 nhân khẩu.

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 1/6 (âm lịch) người Cống lại phấn khởi đón Tết Ngô. Tục này còn có tên gọi khác là Tết “Mùa mưa”. Đây được xem như Tết cổ truyền lớn nhất trong năm của đồng bào Cống ở Lai Châu.

Những ngày cuối tháng 6, cơn mưa rừng ở huyện vùng biên Mường Tè bắt đầu hối hả đổ về, những bông hoa ngô đã ngả vàng chờ ngày thu hoạch, đó cũng là lúc người Cống ở đây nhộn nhịp chờ đón Tết.

Trên con “ngựa sắt” long sòng sọc, chúng tôi vượt qua gần 30km đường rừng từ thị trấn Mường Tè lên xã Nậm Khao để hòa mình vào không gian Tết của bà con. Đến nhà ông Lò Văn Xá (bản Láng Phiếu) là có thể cảm nhận rõ nét rộn ràng nơi đây.

Nhà ông Xá đang chuẩn bị thịt lợn để ngày hôm sau làm mâm cỗ cúng. Ông Xá bắt chuyện: “Tết Ngô được tổ chức sau khi bà con thu hoạch xong mùa màng. Theo cách tính của người Cống, thì Tết vào ngày 1/6 (âm lịch), khi vụ ngô đã bắt đầu vào kỳ thu hoạch”.

Ông Xá kể tiếp: Người Cống tổ chức Tết Ngô với ước mong một năm mới mưa thuận gió hoà, gia đình, làng trên xóm dưới ấm no hạnh phúc. Để đón Tết, người dân thường phải chuẩn bị trước đó nửa năm. Mọi nhà sẽ nuôi con lợn cho thật béo, con gà thật săn thịt và trồng cây ngô bắp to để cuối năm dâng lên tổ tiên.

Trước chính lễ vài hôm, các hộ sẽ dành một buổi họp để phân công nhiệm vụ cho mỗi thành viên. Người đi chọn ngô, kẻ thì chọn lợn, gà và đồ lễ. Bởi thế, nhà nào cũng nhộn nhịp chuẩn bị. Nhà nhà đều tự ý thức rằng phải chuẩn bị cho mình mọi lễ vật thật chu đáo để báo ơn với tổ tiên và các vị thần linh.

“Mâm lễ không thể thiếu cua đá và các món được chế biến từ ngô như: Bánh, cơm, ngô luộc. Ngoài ra còn có những sản vật của núi rừng. Lễ vật dâng lên thần linh và tổ tiên để cầu mong cho con cháu năm tới có mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào, bản làng yên vui”, ông Xá chia sẻ.

Ngày Tết chính, mọi người trong gia đình đều dậy sớm, ra sông suối tắm gội sạch sẽ. Người Cống quan niệm điều đó như để rửa trôi đi những điều đen đủi đã qua và cầu mong cho năm mới may mắn phát tài, có nhiều sức khoẻ. Sau đó, mọi người cùng nhau chuẩn bị các món ăn để tiếp đãi người thân, láng giềng.

Đã hơn chục năm được đón Tết cùng cộng đồng người Cống, anh Lò Văn Thành (người Thái) ở bản Láng Phiếu, xã Nậm Khao chia sẻ: “Ở đây mọi người ăn Tết vui lắm. Vào ngày Tết, dân bản thường tổ chức ăn uống rồi chúc mừng nhau. Sau đó, già trẻ gái trai trong bản cùng nhau chơi các hoạt động thể thao, hát, múa. Ai nấy đều vui mừng, phấn khởi”.

Phụ nữ dân tộc Cống Khao bắt cua đá, chuẩn bị cho Tết Ngô.

Phụ nữ dân tộc Cống Khao bắt cua đá, chuẩn bị cho Tết Ngô.

Gìn giữ giá trị truyền thống

Ông Trần Đức Hiển - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè thông tin: Hiện nay, dân tộc Cống chỉ có hơn 2.000 người, cư trú tập trung ở tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Tại Lai Châu, người Cống định cư ở 4 bản là: Pô Lếch, Nậm Luồng, Nậm Khao và Nậm Pục (xã Nậm Khao, huyện Mường Tè) với số dân trên 1.000 người, chiếm 50% cả nước. Đồng bào Cống ở Mường Tè có đời sống văn hóa khá phong phú với nhiều nét đẹp truyền thống. Đáng phải kể đến, đó là Tết Ngô của cộng đồng người Cống nơi đây.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong những năm qua, chính quyền các cấp huyện Mường Tè đã đặc biệt chú trọng lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Huyện tích cực triển khai Đề án: “Phát triển kinh tế, xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống” trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 - 2020 và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung nguồn lực bảo tồn nét văn hóa của bà con…”.

Năm 2014, Lễ hội Tết Ngô đã được phục dựng. Qua hoạt động du lịch, nhiều du khách đến trải nghiệm đều bày tỏ niềm vui thích. Họ vui mừng bởi được hòa cùng các điệu múa uyển chuyển, rộn ràng, được say sưa trong men rượu ngô nồng nàn và thưởng thức những món ăn đậm chất dân tộc.

Trong khuôn khổ Lễ hội, nhiều hoạt cảnh đã được tái hiện các nghi thức tế lễ như: Công tác chuẩn bị: Bắt cua đá, làm bánh, nấu cơm ngô; làm lễ gọi hồn (Ăng Lá Xá) và cúng gia tiên. Phần hội sẽ được tổ chức với các tiết mục văn nghệ dân gian, trò chơi dân tộc. Điều này đã tái hiện được nét đặc sắc vốn có trong Tết Ngô của người Cống.

Ông Khoàng Văn Khừ, bản Láng Phiếu, xã Nậm Khao cho biết: Lễ vật được dâng lên bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết đều do các thành viên trong gia đình tự tay chuẩn bị. Tất cả phải được nấu chín, tuyệt đối không cúng bằng đồ tươi sống. Ngoài các món ăn từ ngô, mâm lễ còn phải có thịt lợn. Đầu, đuôi và chân con lợn được dâng lên bàn thờ tổ với ước mong “đầu xuôi, đuôi lọt”. Riêng phần nội tạng của lợn sẽ luộc khoanh tròn, thể hiện lòng thành của con cháu với tổ tiên”.

Người Cống làm bánh từ ngô nếp non xay mịn, rồi trộn đều với mật ong. Sau đó lấy lá dong gói lại, đem đồ chín. Bánh chín sẽ được chọn lấy 4 chiếc tròn, đẹp nhất dâng lên lễ cúng như gửi gắm ước mong cho 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông đều mưa thuận, gió hòa. Còn cơm thì nấu từ ngô non nạo nhỏ, trộn với gạo nếp, được gói trong lá dong. Khi cơm chín, mùi thơm của gạo hòa quện với ngô nếp non tỏa ra một mùi hương hấp dẫn lạ thường.

Đồng bào Cống ở Nậm Khao quan niệm rằng: Cua đá là con vật bảo vệ mùa màng. Khi hạt ngô được trồng xuống đất, mọc mầm, chuột và chim muông đến phá hoại thì cua sẽ dùng càng đuổi những con vật đó đi. Vì thế, trong mâm cỗ cúng, con cua đá được bà con làm sạch, tách đôi, moi hết thịt. Sau đó, nhồi bột ngô vào mình cua rồi lắp lại thành hình như cũ. Cua nhồi ngô được đem nấu chín rồi bày lên bàn thờ cùng các lễ vật khác.

“12 con cua đá trên mâm lễ cúng thể hiện 12 tháng trong năm. Chúng tôi mong muốn cả năm được mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu”, ông Khừ chia sẻ.

Trong cuộc sống mới hiện đại, lễ vật dâng cúng trong Tết Ngô không bắt buộc phải đủ đầy. Mâm lễ cúng tổ tiên có thể nhiều hay ít món, tuỳ vào điều kiện của mỗi gia đình. Nhưng những giá trị văn hóa truyền thống của người Cống vốn đã mai một nay được gìn giữ và bảo tồn. Điều này sẽ góp phần tô thêm vẻ đẹp cho bức tranh đa sắc màu của 18 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ