Gia đình cô Khoàng Hà Pơ ở xã Mù Cả, huyện Mường Tè, cách Nậm Chà gần 300km. Để lại con thơ khi còn rất nhỏ, vượt qua quãng đường vài trăm cây số để đến được điểm trường mầm non xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu chỉ là một vài những khó khăn của cô giáo Khoàng Hà Pơ tại điểm trường Huổi Lính.
Cứ mỗi tuần vài lần, cô giáo Khoàng Hà Pơ lại vào rừng hái nấm, tìm măng. Măng này không phải để mình cô dùng cũng không phải để bán mà để làm thức ăn cho các học trò của cô ở điểm trường Huổi Lính A, trường mầm non xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
Sinh con được tròn 6 tháng, cô phải nén lòng cai sữa rồi gửi lại con thơ còn chưa biết bò cho bố mẹ và chồng chăm sóc, để quay về với lớp, với các học trò nhỏ thân thương. Đến nay, con gái đã gần 2 tuổi nhưng cô mới chỉ về với con được vài lần vào kỳ nghỉ hè và dịp Tết.
Đây đã là năm thứ 3 cô Khoàng Hà Pơ cắm bản ở Huổi Lính. Huổi Lính là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao. Người dân nơi đây đã trở nên gắn bó, tin cậy, coi cô như thành viên trong nhà, và các cháu học sinh cũng quấn quýt với cô như người mẹ thứ hai của mình.
Vì thế, mỗi lúc định buông tay tất cả để về quê, cô lại nhớ đến lá đơn nghuệch ngoạc mà người dân bản Huổi Lính gửi Ban giám hiệu xin cô ở lại, nhớ ánh mắt thơ ngây của bọn trẻ và nghĩ đến tương lai các em cô lại chẳng đành lòng.
Cô Khoàng Hà Pơ bộc bạch: Tình cảm của bà con dân bản rất quý, học sinh yêu quý cô giáo. Món quà ấn tượng nhất mà cô nhận được từ phụ huynh là dưa mèo, để cải thiện bữa ăn.
Xúc động nhất là khi biết phụ huynh có viết những lá đơn gửi Ban giám hiệu nhà trường để xin cô ở lại. Chính những tình cảm thân thương của học sinh, phụ huynh chính là động lực để cô tiếp tục bám trường, bám lớp.
Khi được hỏi, cô có thể gắn bó với vùng khó được bao nhiêu năm nữa, cô Hà Pơ thật thà nói: Cô có thể gắn bó thêm 4-5 năm nữa nếu dân bản yêu quý. Giả sử con có trách mẹ không thường xuyên với con, cô sẽ nói rằng, mẹ còn bận dạy chữ cho các anh các chị; con đã có bố và ông bà chăm sóc.
|