Chưa thể khẳng định độ vững chắc
Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường là một chủ trương lớn của Đảng, được thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Chủ trương này đã được Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ tư.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận. |
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, qua nghiên cứu báo cáo của các địa phương thực hiện thí điểm và từ thực tiễn tham gia các đoàn kiểm tra công tác thí điểm thời gian qua, Ủy ban pháp luật nhận thấy, việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại một số địa phương chính là bước thử nghiệm cần thiết, một bước đi thích hợp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; để từ đó tìm ra những nét đặc thù của chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn làm cơ sở cho việc tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan nhà nước ở địa phương.
Vì vậy, việc đánh giá đúng đắn về kết quả cũng như những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm sẽ giúp cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định phương hướng tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong thời gian tới.
Uỷ ban pháp luật thấy rằng, do xác định được tầm quan trọng của chủ trương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường nên ngay từ đầu, việc chuẩn bị các nghị quyết của Quốc hội, các văn bản quy định và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng. Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH đã được các địa phương thực hiện việc thí điểm và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai nghiêm túc và kịp thời.
Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu tại phiên họp Uỷ ban pháp luật đều cho rằng, việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tuy đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết. Hơn nữa, với thời gian thực hiện thí điểm là từ tháng 4/2009 đến nay (tháng 9/2010) thì việc thí điểm gần như mới chỉ bắt đầu; thời gian thực tế triển khai quá ngắn, tính đến thời điểm các địa phương báo cáo sơ kết (quý I năm 2010) là chưa đầy một năm (chưa triển khai trọn vẹn được một năm ngân sách). Với thời gian triển khai hạn chế như vậy nên việc đánh giá kết quả thí điểm chưa thể đạt được yêu cầu toàn diện, khách quan, chưa lường hết được những vấn đề phức tạp, vướng mắc có thể phát sinh sau này. Mặt khác, khi lựa chọn thí điểm, chúng ta đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở tất cả các huyện, quận, phường trong một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nên thiếu mô hình đối chứng trong cùng điều kiện ở một địa phương để có thể so sánh, tổng kết, xác định chính xác ưu, nhược điểm của từng mô hình. Theo báo cáo của Chính phủ thì 10 tỉnh, thành phố được chọn thí điểm đều là những địa phương thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, có quyết tâm tham gia thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.
Do đó, kết quả thí điểm tại các địa phương này khó có thể phản ánh đúng tình hình ở các địa phương khác. Vì thế, chưa thể có căn cứ vững chắc cho bất kỳ quyết định nào, tiếp tục tổ chức hay không tổ chức Hội đồng nhân dân ở huyện, quận, phường.
Nên tiếp tục thí điểm
Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường là vấn đề có liên quan trực tiếp đến mô hình tổ chức các thiết chế trong hệ thống chính trị ở một địa phương nên càng cần phải được tiến hành thận trọng với những căn cứ vững chắc, có tính thuyết phục. Việc thí điểm là để thử nghiệm mô hình tổ chức mới nhằm có thêm cơ sở thực tiễn cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương. Do vậy, trước hết, để có cơ sở đánh giá, tổng kết một cách chính xác thì cũng cần phải có thời gian thí điểm thích hợp và được tiến hành liên tục ở một số địa phương. Đồng thời, cần phải tính đến sự đồng bộ, toàn diện ở một cấp chính quyền. Theo đó, cần phải làm rõ là vị trí, vai trò của Hội đồng nhân dân đặt trong mối quan hệ với các thiết chế khác trong cả hệ thống chính trị ở cấp chính quyền đó. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc giải đáp câu hỏi vì sao chỉ không tổ chức Hội đồng nhân dân còn các thiết chế khác vẫn giữ nguyên, thậm chí còn được đề nghị tăng cường. Vấn đề cần làm rõ là cơ quan nào chịu trách nhiệm thể chế hóa những quyết định của cấp ủy cấp mình để Ủy ban nhân dân tổ chức thực hiện. Chắc chắn không thể là Hội đồng nhân dân cấp trên được. Và như vậy, khi không có Hội đồng nhân dân thì cấp chính quyền đó có được coi là một cấp chính quyền hoàn chỉnh, một cấp ngân sách hay không? Cấp ủy Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội tại nơi đó được tổ chức thế nào? Đặc biệt, cấp ủy Đảng nơi đó có còn là cấp chỉ đạo toàn diện hay không? Bởi lẽ, khi không còn Hội đồng nhân dân ở cấp huyện thì những vấn đề liên quan đến nhân sự, ngân sách, các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội đều do cấp tỉnh quyết định. Mặt khác, ở những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân thì Ủy ban nhân dân chỉ là cơ quan hành chính đơn thuần; không còn là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân cùng cấp nữa. Do vậy, nếu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường ở các đơn vị thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân mà vẫn đầy đủ như Ủy ban nhân dân ở những nơi có tổ chức Hội đồng nhân dân là chưa hợp lý.
Từ đó, Uỷ ban pháp luật tán thành với phương án tiếp tục thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị vẫn chỉ tiếp tục thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố, không cần mở rộng thêm như đề xuất của Chính phủ. Đồng thời, trong quá trình thực hiện thí điểm cần chú ý đến những vấn đề sau:
Thứ nhất, trên cơ sở kết quả tổng kết bước 1, cần kịp thời khắc phục những vướng mắc, hạn chế để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp. Theo đó, cần tiếp tục ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn những vấn đề có liên quan đến việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Đồng thời, cần tăng cường các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện thí điểm.
Thứ hai, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết về vai trò và tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan, tổ chức khác ở huyện, quận, phường để cải tiến, sắp xếp, tổ chức lại cơ quan chính quyền địa phương và các cấp hành chính ở nước ta.
Một trong những hạn chế của Hội đồng nhân dân thường được nhắc đến hiện nay là tính hình thức trong hoạt động của cơ quan này. Tuy nhiên, để có thể đưa ra biện pháp khắc phục phù hợp thì cần tiếp tục nghiên cứu để khẳng định rõ tính hình thức của Hội đồng nhân dân là do bản chất của cơ quan này hay do những khiếm khuyết của cơ chế khiến cho cơ quan này chưa thể phát huy hết vai trò đích thực của nó. Hơn nữa, cũng phải thấy rằng, những hạn chế của Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường cũng là các vấn đề tồn tại chung đối với bộ máy nhà nước nước ta hiện nay ở tất cả các cấp. Do đó, nếu chỉ khẳng định Hội đồng nhân dân ở những cấp này là hình thức, không hiệu quả và đề nghị loại bỏ thì có thể sẽ dẫn đến những kết luận phiến diện, chưa thật phù hợp với thực tế.
Thứ ba, việc thí điểm cần được thực hiện trên cả hai mặt: một là không tổ chức Hội đồng nhân dân; hai là, đồng thời, phải có cơ chế để Hội đồng nhân dân ở các cấp nơi không thực hiện thí điểm thực sự phát huy vai trò đích thực của mình như quy định của pháp luật. Có như vậy mới có thể đánh giá được một cách khách quan, khoa học về cơ quan này và từ đó, có giải pháp thích hợp.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị hoặc là sửa Hiến pháp để bỏ Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường hoặc giữ nguyên chưa sửa Hiến pháp và không tiếp tục tổ chức thí điểm nữa; trong trường hợp không tổ chức thí điểm thì phải có cơ chế để Hội đồng nhân dân hoạt động như quy định của pháp luật. Có ý kiến đề nghị bỏ toàn bộ cấp huyện, không chỉ Hội đồng nhân dân mà cả Uỷ ban nhân dân và các thiết chế khác của cấp huyện.
Quang Anh