Nên thống nhất quản lí giáo dục về một đầu mối

GD&TĐ - Muốn quản lí giáo dục (QLGD) đạt hiệu quả cao thì việc “QLGD một đầu mối tập trung, thống nhất theo ngành dọc” là xu thế cần được nghiên cứu thấu đáo. Phóng viên Báo GD&TĐ đã trao đổi cùng NGƯT-TS Ninh Văn Bình - nguyên Trưởng Phòng GD&ĐT quận Phú Nhuận (TPHCM) xung quanh vấn đề này.

Một cuộc Hội thảo về đổi mới QLGD do Phòng GD&ĐT Phú Nhuận tổ chức tháng 4/2018
Một cuộc Hội thảo về đổi mới QLGD do Phòng GD&ĐT Phú Nhuận tổ chức tháng 4/2018

Phóng viên: Thưa TS, ông có đồng ý rằng: các Sở GD&ĐT, cũng như các Phòng GD&ĐT lâu nay không thực sự nắm toàn quyền về công tác quản lí (QL) nhân sự và QL tài chính đối với các cơ sở GD trực thuộc. Đây phải chăng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa - thiếu GV ở một số địa phương, sai phạm thu - chi tài chính ở không ít trường học mà đã không được kịp thời phát hiện chấn chỉnh?

NGƯT-TS Ninh Văn Bình

NGƯT-TS Ninh Văn Bình: Muốn QLGD đạt hiệu quả cao thì việc “QLGD một đầu mối tập trung, thống nhất theo ngành dọc” là xu thế cần được nghiên cứu thấu đáo. Tình trạng thừa - thiếu GV, tình trạng sai phạm QL tài chính ở một số cơ sở GD có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, rõ ràng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các cơ quan chủ quản của các trường (Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT).

Để “đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế” thành công, theo tôi cần đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các trường. Nói về tự chủ trong trường phổ thông hiện nay, ngoài việc tự chủ thực hiện các chương trình GD, trước hết các trường phải được phân cấp triệt để về công tác tổ chức nhân sự và tài chính. Nếu các trường không được nắm quyền tự chủ thực chất ở hai khâu then chốt này, thì không thể gọi là tự chủ. Việc giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông là điều rất cần thiết, trên thế giới các nước cũng đều làm thế.

Trong bối cảnh môi trường xung quanh thay đổi rất nhanh, nếu các trường không được chủ động quyết định tất cả các công việc được giao, thì không thể nào tiến hành chương trình GD phù hợp với yêu cầu của thực tế công cuộc “đổi mới căn bản, toàn diện” đang rất nóng bỏng hiện nay. Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các trường, sẽ đảm bảo góp phần nâng cao chất lượng GD toàn diện ở tất cả các trường học. Theo tôi cần giao cơ chế tự chủ cho tất cả các trường phổ thông, phải cụ thể hóa vào trong Luật GD đang sửa đổi lần này, để tạo điều kiện thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ về “chất” đối với toàn ngành GD&ĐT.

PV: Hiện đang có chủ trương sắp xếp lại và tinh giản bộ máy các sở - ngành chuyên môn thuộc UBND các tỉnh QL. Vướng mắc lớn nhất lâu nay trong công tác này, phải chăng là do quy định chồng chéo, bất cập của Nghị định số 115/2010/NĐ- CP, mà Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi?

NGƯT-TS Ninh Văn Bình: Việc nhập các sở, ngành; QL đa ngành đang là xu hướng của thế giới. Chủ trương nhập lại một số sở, ngành như Sở GD&ĐT với Sở Khoa học- công nghệ (KH&CN) thành Sở GD&KHCN cũng hợp lý. Bởi nhiệm vụ GD-ĐT nào cũng gắn với KH-CN. Khi thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH), thì hai bộ lại ngồi với nhau để phối hợp, sẽ nâng cao được chất lượng GD và NCKH.

Vừa qua việc thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 và Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT- BGDĐT- BNV quy định về QL cán bộ, công chức, viên chức ngành GD&ĐT chưa được thống nhất và khác với quy định của Luật Cán bộ, Công chức; Luật Viên chức, và khác với Điều lệ trường học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Ngoài ra, công tác phân cấp QLGD của UBND tỉnh cho các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chưa rõ ràng. Điều đó dẫn đến việc ủy quyền của UBND cấp huyện cho Phòng GD&ĐT ở mỗi địa phương có cách làm khác nhau, nhất là việc giao quyền chủ động cho các Phòng GD&ĐT trong công tác tổ chức cán bộ và công tác tài chính còn chồng chéo.

Thông tư liên tịch số 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 29/05/2015 của Bộ Nội vụ - Bộ GD&ĐT về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, và cơ cấu tổ chức của Sở GD&ĐT thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng GD&ĐT thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cơ bản đã giải quyết được một số bất cập như nêu ở trên. Cụ thể trước đây, Phòng GD&ĐT còn nắm việc tuyển dụng GV, điều chuyển GV từ trường này tới trường khác.

Tuy nhiên, hiện nay công việc này thuộc thẩm quyền của UBND huyện. Công việc chính của Phòng GD&ĐT hiện nay là thanh - kiểm tra chuyên môn các trường học, sao lưu các công văn chỉ đạo của Sở GD&ĐT để gửi đến các trường trên địa bàn, kết hợp với Phòng Nội vụ tham mưu về công tác nhân sự cho UBND huyện. Còn Phòng Tài chính trực tiếp chỉ đạo, QL tài chính các trường học trên địa bàn huyện.

PV: Tinh gọn đầu mối các cơ quan tham mưu chuyên ngành thuộc UBND tỉnh là việc cần thiết phải làm. Với riêng Sở GD&ĐT, việc sáp nhập vào một sở - ngành nào đó hoặc vẫn đứng độc lập như lâu nay, theo ông bài toán này cần được xử lý như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo tính khoa học và sự ổn định lâu dài nhất?

NGƯT-TS Ninh Văn Bình: Từ trước tới nay người ta thích tách hơn nhập, vì tách thì thêm bộ máy, thêm biên chế, quy mô hoành tráng, nhập vào thì khó bởi liên quan đến con người, chế độ chính sách, tâm tư nguyện vọng, quy mô bé đi…

Tuy nhiên việc nhập các cơ quan tham mưu chuyên ngành thuộc UBND tỉnh là việc cần thiết phải làm. Nhưng theo tôi việc hợp nhất một số sở như đã có ý kiến đề xuất, không khéo sẽ cào bằng, gây rắc rối cho các địa phương trong tổ chức bộ máy. Để quyết định nhập sở, cần có khảo sát kỹ lưỡng dựa trên số lượng dân cư, số lượng đầu việc QL, hiệu quả công việc của các sở. Sở là cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh trong việc QL chuyên môn theo ngành dọc đã quy định. Về xu hướng là nên tinh gọn các sở có chức năng QL Nhà nước trên các lĩnh vực có liên quan, gắn liền với nhau, giảm bớt các cơ quan không cần thiết đi.

Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế ở địa phương mà cân nhắc việc nhập sở. Như hiện nay TPHCM có khoảng 13 triệu dân, khối lượng công việc phải giải quyết của cơ quan QL Nhà nước là rất lớn. Trong khi các tỉnh, thành khác dân số ít hơn, mức độ phát triển nhỏ hơn nhiều, yêu cầu về nhập các sở có thể thực hiện được dễ dàng hơn. TPHCM là đô thị đặc biệt, phải có cơ chế đặc thù để bảo đảm hiệu lực QL Nhà nước.

PV: Đã có luồng dư luận đề xuất nên giải thể Phòng GD&ĐT các huyện - quận - thị xã - thành phố thuộc tỉnh. Lý do: lâu nay, công tác QL nhân sự và QL tài chính đối với các trường học trên địa bàn do Phòng Nội vụ và Phòng Tài chính quyết định, dẫn đến chức năng QL các trường học, chức năng tham mưu của Phòng GD&ĐT khá mờ nhạt… Có lẽ ông cũng đã “thấy” về vấn đề này?

NGƯT-TS Ninh Văn Bình: Ở cấp quận - huyện - thị xã - thành phố thuộc tỉnh vẫn rất cần có vai trò QL Nhà nước của các Phòng GD&ĐT. Vì hiện nay hệ thống các trường từ mầm non đến THCS là rất lớn. Nếu không có cơ quan QLGD sẽ khó khăn trong việc triển khai các hoạt động GD và kiểm soát chất lượng của các cơ sở GD này.

Hiện tại Sở GD&ĐT QL cấp THPT, còn Phòng GD&ĐT QL cấp mầm non, tiểu học, THCS, do đó không có sự chồng chéo. Ngoài ra, công tác QLGD rất phức tạp, không chỉ lập kế hoạch thực hiện các chủ trương lớn, mà còn có những việc rất cụ thể như QL giờ dạy, chỉ đạo các hoạt động GD và dạy học trong trường, ngoài trường, việc phối kết hợp với xã hội, gia đình... QL trong GD&ĐT cũng phải sâu sát đến cấp huyện, cấp xã, giống như QL ở các cấp chính quyền. Vì thế, không thể giải thể hay cắt giảm cơ quan QLGD ở quận, huyện, thị xã được.

PV: Xin cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ