Đầu bếp Jamie Oliver và vợ con - Ảnh: Daily Mail |
Anh kể lại: “Poppy đã không tôn trọng và khá thô lỗ với tôi. Khi tôi còn bé, nếu làm vậy thì đã bị đánh đòn rồi, nhưng bây giờ chúng ta không được phép đánh trẻ con.
Năm phút sau, bé tưởng tôi đã quên và đến xin tôi một quả táo. Tôi cắt táo và trét ớt vào. Tôi nấp ở cầu thang và nhịn cười khi thấy bé chạy vào khóc trong lòng mẹ”.
Câu chuyện Oliver chia sẻ trở thành đề tài bàn tán, thậm chí trở thành tiêu đề cho nhiều tờ báo. Nhiều người gọi Jamie là “kẻ tàn bạo” và còn đe dọa kêu gọi bắt anh vì đã độc ác với trẻ con.
Tiến sĩ John Coleman, nhà tâm lý trẻ em và là tác giả cuốn Vì sao con trẻ vị thành niên không nói chuyện với tôi nữa? (Why won’t my teenager talk to me?) chia sẻ:
“Một trong những cảm xúc của trẻ con mà ai trong chúng ta cũng biết là chúng không thích bị hạ thấp, chọc quê hoặc cười cợt chúng. Người lớn sử dụng quyền của mình để làm những điều này là không nên. Nếu người lớn phạt trẻ bằng cách cười nhạo, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy bị sỉ nhục”.
Coleman nhấn mạnh, mối quan hệ của cha mẹ và trẻ em cần dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau:
“Nếu có vấn đề gì, người lớn phải giải thích cho trẻ tại sao bạn cảm thấy không được tôn trọng và cùng nhau giải quyết để điều này không xảy ra nữa. Cho ớt vào thức ăn không giải quyết được điều gì, trẻ không học được gì ngoài việc cảm thấy bị xúc phạm”.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, phạt trẻ kiểu này là cách ít hiệu quả nhất và sẽ mang lại hệ quả tệ nhất trong quan hệ giữa bố mẹ và con cái.
“Khoảng thời gian giữa hành vi không tốt của trẻ và sự trừng phạt càng lâu, trẻ càng khó liên hệ hệ quả của hai hành động. Thay vào đó, bố mẹ cần làm gương, và lờ đi những hành vi xấu, nếu như chúng không gây nguy hiểm.
Bố mẹ chỉ nên biểu dương những hành vi tốt. Những gì bố mẹ làm, quan trọng hơn những gì họ nói”, Linda Blair - một nhà tâm lý trẻ em phân tích.
Trong khi đó, Janey Downshire, đồng tác giả cuốn Giải mã tuổi vị thành niên (Teenagers translated) nói: “Chơi khăm trẻ như Oliver là điều không nên trong việc xây dựng sự tin tưởng giữa bố mẹ và con cái. Điều quan trọng là trẻ em cần được thấy cha mẹ như những hình tượng uy tín.
Cũng không nên trừng phạt bé khi sự việc đã qua rồi. Điều này chỉ làm bé thêm bối rối khó hiểu về hành vi của bố, mà không nghĩ rằng đó là hệ quả của việc mình thiếu tôn trọng bố.
Thay vào đó, Oliver có thể báo trước với bé, ví dụ như nếu con còn thiếu tôn trọng bố lần nữa, thì bố sẽ trét ớt vào quả táo của con. Như vậy, ít nhất trẻ sẽ có sự chọn lựa hành động của mình”.
“Cách xây dựng mang nhiều hiệu quả trong việc kỷ luật trẻ là cho chúng những lời giải thích rõ ràng về hệ lụy sau những hành động của chúng, và cho chúng biết điểm dừng là ở đâu; dĩ nhiên định nghĩa của điểm dừng đối với một trẻ 9 tuổi và trẻ 15 tuổi sẽ khác nhau”.
Tác giả Janey Downshire nói thêm, “mỗi gia đình sẽ có cách khác nhau để trẻ biết những hệ quả sau mỗi hành vi xấu của mình, tuy nhiên, điều quan trọng là hãy tự hỏi: “mục tiêu của sự trừng phạt là gì?”.
Bố mẹ cũng nên hiểu việc tìm đến sự trừng phạt tức là mình đã thua cuộc. Tốt nhất là hãy có một cuộc nói chuyện điềm tĩnh sau khi mọi việc đã lắng xuống”.
Nhà báo Andrew Brown, dù rất mến tài nấu bếp của Oliver, cũng không thể bênh vực cho hành động của anh. Andrew cho rằng, cách bôi ớt vào táo của Oliver có thể có hiệu quả ở chừng mực nào đó, nhưng trẻ con có rất nhiều cảm xúc phức tạp.
Bạn có thể nhận được sự thông cảm như phát vào mông của trẻ khi chúng nhào ra đường giữa dòng xe cộ đông đúc, vì đây là hành vi nguy hiểm, hay bột phát khi chính bản thân bạn cũng phát hoảng. Ngược lại, nếu anh đã chuẩn bị lên kế hoạch để cười nhạo con gái thì khó chấp nhận.
Những người yêu mến Oliver chỉ có thể biện hộ rằng, anh không thể có được thành công của ngày hôm nay nếu không có một ý chí sắt đá và sự nghiêm khắc của bản thân.
Có lẽ vì thế mà anh cũng rất nghiêm khắc với con cái chăng? Trong khi đó, các bậc phụ huynh khác lại dọa đùa với con cái, nếu các con hư, bố mẹ sẽ dẫn con đến ăn ở nhà hàng của chú Oliver.