Theo đuổi đề tài và hướng nghiên cứu trong suốt 3 năm, công trình nghiên cứu xây dựng bộ công cụ đánh giá học sinh của 2 sinh viên ngành Sư phạm Vật lý, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã đoạt giải Nhất Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên 2022 của Bộ GD&ĐT.
Đo lường năng lực người học
Khi còn là sinh viên năm nhất (năm 2019), hai sinh viên Trần Thị Xuân Quỳnh và Nguyễn Phương Uyên đã mong muốn tìm kiếm và xây dựng bộ công cụ đánh giá chuẩn năng lực STEM cho học sinh THPT, nhằm đáp ứng tốt nhất việc áp dụng và triển khai Chương trình GDPT 2018. Được TS Nguyễn Thanh Nga hướng dẫn, hai bạn trẻ bắt tay vào nghiên cứu về STEM, các tiêu chí và công cụ đánh giá, đo lường hoạt động giáo dục liên quan.
Thời điểm đôi bạn bắt đầu nghiên cứu thì STEM cũng được nhiều trường học ở Việt Nam ứng dụng nhằm hướng đến mục đích phát triển đạo đức, trí tuệ, hạnh phúc và tiềm năng toàn diện cho người học. “Giáo dục STEM được các nhà giáo dục tập trung nghiên cứu, thúc đẩy phát triển và đạt những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về năng lực STEM của học sinh ở nước ta còn rất ít, một số tác giả có đề cập nhưng chưa khảo cứu sâu về định nghĩa, cấu trúc năng lực STEM.
Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu về giáo dục STEM không đề cập trực tiếp năng lực STEM, mà đi sâu phân tích năng lực chung và đặc thù thông qua bài học STEM, dẫn đến bất cập khi kiểm tra, đánh giá năng lực của người học. Trước thực tế này, chúng em nghĩ đến việc xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá”, Xuân Quỳnh nói.
TS Nguyễn Thanh Nga, giảng viên hướng dẫn, cho biết, đề tài nghiên cứu của hai em hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Ngành Giáo dục đang triển khai mạnh mẽ giáo dục STEM. Để hỗ trợ giáo viên đánh giá và học sinh tự đánh giá trong các hoạt động giáo dục STEM, việc xây dựng công cụ đánh giá năng lực STEM và chuẩn hóa công cụ này cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết.
Theo TS Nga, đánh giá năng lực người học không chỉ đưa ra những nhận xét, kết luận có tính khách quan về quá trình và kết quả học tập, rèn luyện, mà phải chú trọng xác định được điểm mạnh, điểm yếu trong năng lực. Qua đó, tìm ra phương hướng điều chỉnh hợp lý để nâng cao chất lượng học tập; có biện pháp giúp học sinh không ngừng tiến bộ, phát triển các năng lực và phẩm chất cần thiết góp phần đảm bảo mục tiêu giáo dục đã đề ra.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga, giảng viên hướng dẫn, có mặt chung vui với 2 nữ sinh trong ngày nhận giải thưởng. |
Thúc đẩy động cơ học tập
Xuân Quỳnh cho biết trong quá trình nghiên cứu, đôi bạn gặp nhiều khó khăn. Quá trình thực hiện khảo sát học sinh các trường trên địa bàn TPHCM vừa lúc dịch Covid-19 mới lắng xuống. Vì vậy, nhóm vừa khảo sát trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo số lượng mẫu dự kiến.
Ngoài ra, năng lực STEM và việc chuẩn hóa khung cấu trúc năng lực STEM là vấn đề mới nên trong quá trình tiếp cận, cả hai không tránh khỏi những mệt mỏi, ức chế, thậm chí bất đồng quan điểm khi có người nghi ngờ về chỉ số, thông tin từ dữ liệu khảo sát. Do đó, cả hai phải thực hiện nhiều lần, nhằm đảm bảo tính chính xác nhất của nguồn thông tin thu nhập.
Để có các chỉ số tin cậy nhất nhằm đánh giá, khái quát và xây dựng một thang đo chuẩn cho bộ công cụ, Xuân Quỳnh và Phương Uyên đã tiến hành thử nghiệm đối với quy mô lớp học trên địa bàn TPHCM khi học sinh học tập bài học STEM, chủ đề STEM cụ thể.
Theo đó, đối tượng thử nghiệm là 29 học sinh lớp 11A1 Trường THCS - THPT Hoa Sen, năm học 2021 - 2022 và thực nghiệm trên 2 chủ đề STEM liên tiếp. Ở diện rộng, 2 nữ sinh cũng tiến hành khảo sát trên quy mô 9 trường THPT công lập, chuyên, dân lập, quốc tế với quy mô gần 900 học sinh.
“Kết quả khảo sát, đánh giá cho thấy, giáo viên có thể xác định những điểm nổi bật và hạn chế trong năng lực của học sinh, từ đó có định hướng hỗ trợ các em trong việc học tập và bồi dưỡng năng lực, thúc đẩy động cơ học tập… Sau khi có kết quả, chúng em rất vui bởi đã tạo tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo. Trong tương lai, nhóm tiếp tục nghiên cứu, giải quyết hạn chế của đề tài để có thể áp dụng, triển khai rộng rãi công cụ đánh giá này tại các trường trên địa bàn”, Phương Uyên nói.
Chia sẻ thêm về quá trình tìm tòi và triển khai đề tài của học trò, TS Nguyễn Thanh Nga cho hay, trong 2 năm đầu, các em phải nghiên cứu làm quen về lý luận giáo dục STEM, cách xây dựng các chủ đề STEM gắn với Chương trình GDPT 2018; tổ chức dạy học ở trường THPT, sau đó mới nghiên cứu sâu về công cụ đánh giá.
“Để nghiên cứu về năng lực STEM và xây dựng công cụ đánh giá năng lực cho học sinh đòi hỏi kiến thức, kỹ năng và cả sự thấu hiểu về thiết kế và dạy học theo giáo dục STEM nơi các em là rất lớn”, TS Nga nói.
Theo TS Nguyễn Thanh Nga, năng lực STEM của học sinh là năng lực phức hợp. Các chỉ số hành vi phù hợp với năng lực cốt lõi của học sinh được quy định trong Chương trình GDPT 2018, được hình thành và phát triển trong quá trình học sinh thực hiện hoạt động giáo dục STEM theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong Công văn 3089 ngày 14/8/2020.
Tuy nhiên, để phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh toàn diện vẫn cần bộ công cụ đánh giá nhằm chỉ rõ những ưu và nhược điểm của phương pháp giáo dục STEM. Qua đó, giáo viên định hướng tốt hơn trong phương pháp dạy học của mình. Vì vậy, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM xây dựng được bộ công cụ đánh giá năng lực STEM của học sinh THPT bước đầu sẽ đặt nền móng cho một bộ công cụ đánh giá toàn diện ở tương lai.
“Với khảo sát chi tiết, có điều chỉnh và chuẩn hóa qua từng giai đoạn, xây dựng được bộ công cụ đánh giá chi tiết hiệu quả quá trình kiểm tra, đánh giá của hai sinh viên phù hợp thực tiễn. Đặc biệt, bộ công cụ còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai giáo dục STEM đạt hiệu quả”, TS Thanh Nga cho biết.