(GD&TĐ) - Năm học mới 2011 - 2012 đã chính thức bắt đầu. Bên cạnh những quan tâm về chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất nơi gửi gắm con em mình theo học, các bậc phụ huynh còn phải suy ngẫm về những khoản đóng góp mang tên "tự nguyện", thường tập trung vào dịp đầu năm học.
Họp phụ huynh (ảnh chỉ mang tính minh họa/Internet) |
Về vấn đề này, trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý thu chi, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức.
Trong đó nêu rõ, tất cả các cơ sở giáo dục phải thực hiện công khai mức học phí được quy định tại Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 7-5-2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để giúp các đơn vị, phụ huynh thực hiện, giám sát, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu cụ thể quy trình thực hiện đối với từng khoản thu.
Đối với những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh để thực hiện một số nhiệm vụ thay phụ huynh trong công tác nuôi, dạy học sinh như tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống... thì các trường phải thỏa thuận với phụ huynh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi bảo đảm nguyên tắc thu đủ bù chi.
Đối với những khoản thu để mua sắm phục vụ trực tiếp cho học sinh như đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu... các đơn vị cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh và để phụ huynh tự lựa chọn, quyết định hình thức thực hiện thích hợp.
Với các khoản đóng góp tự nguyện, các cơ sở giáo dục được yêu cầu tổ chức thu, quản lý và thông báo dự toán sử dụng, công khai quyết toán theo đúng quy định của pháp luật; không tùy tiện lập các quỹ để ép buộc học sinh đóng góp.
Tại Hà Nội, ngày 23-8, Đoàn giám sát của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện thu chi học phí, lệ phí và các khoản đóng góp khác của phụ huynh học sinh tại các cơ sở giáo dục.
Nội dung cuộc làm việc cho thấy, trên thực tế những khoản thu ngoài học phí là cần thiết, nhưng thu như thế nào, với mức bao nhiêu là phù hợp thì chưa có sự thống nhất, chưa có quy định cụ thể.
Hiện số lượng trường học của Hà Nội lên tới 2.509, Sở chỉ kiểm tra được khoảng 25% số này. Vì vậy, không thể chắc chắn tất cả các cơ sở giáo dục đều thực hiện đúng các hướng dẫn của Sở GD-ĐT về thu chi.
"Đóng góp tự nguyện", nên hiểu thế nào?
Chia sẻ về vấn đề này, chị Thu Hương có con học THCS tại quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, có một số khoản nhà trường thu đầu năm học có tên chung là khoản đóng góp tự nguyện. Tuy nhiên phụ huynh phải đóng góp theo mức định sẵn và thường là khoản cộng gộp của nhiều khoản nhỏ lẻ khác nhau, trong đó có đóng góp xây dựng trường lớp.
Một loại quỹ mà hiện nay hầu như bất cứ cơ sở giáo dục nào từ bậc mầm non đến phổ thông đều có là Quỹ Hội CMHS. Khoản thu này xét về cơ bản thì hợp lý vì chi cho các hoạt động phục vụ lợi ích chung của con em. Tuy nhiên cũng là đóng góp cố định đối với mọi hoàn cảnh, là khoản thu mang tính bắt buộc giống như học phí.
Trao đổi với một số phụ huynh tại một trường Mầm non mới khánh thành ở huyện Đông Anh, Hà Nội, được biết, cách thời điểm khai giảng năm học mới 2 tuần, giáo viên phát cho phụ huynh học sinh bảng trưng cầu ý kiến về một số khoản đóng góp tự nguyện. Ở đó phụ huynh đọc thấy phí gửi xe đưa đón con, thấy tiền đồng phục học sinh,... đó là chưa kể đến những khoản nghiễm nhiên phải đóng ngoài học phí đã thành lệ hàng năm, không cần bàn bạc lại như tiền bán trú, tiền vệ sinh, tiền mua nước tinh khiết có thể tăng theo thời giá,...Tất cả đều là tự nguyện.
Khi được hỏi cụ thể về các khoản phí và thắc mắc về sự bất cập khi trẻ Mầm non mặc đồng phục thì được biết, đây chỉ mới là lấy ý kiến phụ huynh, nhà trường muốn phụ huynh ủng hộ để các con có đồng phục mặc trong ngày trường đón nhận danh hiệu trường Chuẩn Quốc gia...
Có nhiều trường học, ra thông báo, lên danh sách thu tiền trước khi có ý kiến của phụ huynh. Việc làm này trái với quy định của ngành giáo dục về thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh đối với các khoản thu tự nguyện, ngoài học phí. Nhiều lý do được đưa ra, song lý do gây bức xúc cho phần lớn phụ huynh là nhiều khoản thu tự nguyện lại chỉ được thỏa thuận giữa nhà trường với đại diện Hội CMHS.
Nhiều phụ huynh chia sẻ, họ hoàn toàn ủng hộ một số khoản thu ngoài học phí như ủng hộ đồng bào lũ lụt, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, hay ủng hộ cho các chương trình từ thiện. Những khoản đóng góp này có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với con trẻ về tinh thần tương thân tương ái và có ý nghĩa xã hội sâu rộng.
Ông Trần Thế Vượng, trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để khắc phục tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, việc quy định, hướng dẫn cụ thể kết hợp với kiểm tra, giám sát chặt chẽ của địa phương là hết sức cần thiết.
Hiện nay, do còn nhiều ý kiến khác nhau về các khoản thu ngoài học phí của các cơ sở giáo dục nên đòi hỏi các cấp, các ngành phải rà soát, kiểm tra lại các nội dung liên quan để đề ra các giải pháp khắc phục, chấm dứt tình trạng lạm thu, định hướng các khoản thu khác sao cho phù hợp.
Ông Vượng khẳng định, phải nghiêm túc rà soát, thanh tra thật kỹ lưỡng các khoản thu, đồng thời phải tìm hiểu thật kỹ nhu cầu của người dân trong lĩnh vực giáo dục, từ đó có điều chỉnh chính sách hợp lý, phù hợp với thực tế.
Thiết nghĩ, dựa trên nguyên tắc thỏa thuận và thống nhất giữa phụ huynh và nhà trường song các khoản thu mang tính tự nguyện nên được đưa ra trên cơ sở có lý, có tình và có tính ứng dụng thực tế cao để phụ huynh bớt đi phần nào mối bận tâm mang tên "đóng góp tự nguyện".
Bảo Minh