Tuyển sinh ĐH 2023:

Nên bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả

GD&TĐ - Từ thành công trong công tác tuyển sinh năm 2022, đại diện các cơ sở GD đại học đề xuất, năm 2023 không nên thay đổi Quy chế tuyển sinh ĐH.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, nên loại bỏ các phương thức xét tuyển không phù hợp và rút ngắn thời gian thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng.

Hoàn thiện quy trình tuyển sinh

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác tuyển sinh đại học năm 2022, TS Dương Tôn Thái Dương - Phó ban Đào tạo, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh - nhìn nhận, điểm nhấn trong công tác này là ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện; trong đó có lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển và thí sinh chỉ đỗ 1 nguyện vọng duy nhất. Quy định này đã khắc phục tình trạng thí sinh cùng trúng tuyển nhiều trường như những năm trước.

Có thể nói, công tác tuyển sinh năm 2022 đã thành công trên các phương diện với nhiều điểm sáng. Từ thành công này, TS Dương Tôn Thái Dương đề xuất, Quy chế tuyển sinh năm 2023 nên kế thừa, phát huy và giữ ổn định như năm nay. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện phần mềm theo hướng thân thiện hơn, tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường trong quá trình tuyển sinh.

Đồng quan điểm, TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) - trao đổi: Hiện, chúng ta chỉ dừng lại lọc ảo với thí sinh trúng tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển được các trường công bố từ trước đó, dẫn đến tỷ lệ ảo ở phương thức này cao hơn. Do đó, năm 2023 cần tính toán để giảm tỷ lệ thí sinh ở phương thức xét tuyển sớm.

Nhấn mạnh, năm 2023 Bộ GD&ĐT giữ ổn định công tác tuyển sinh, TS Võ Thanh Hải cho rằng, trong phần mềm cần đồng nhất cơ sở dữ liệu để hội đồng tuyển sinh của các trường cập nhật thuận tiện hơn. Ngoài ra, đẩy tiến độ xét tuyển lên sớm hơn, nên trở lại lịch tuyển sinh của những năm trước khi có dịch Covid-19. Việc này nhằm giúp nhà trường kịp tổ chức khai giảng năm học mới vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 và không ảnh hưởng đến cấu trúc đào tạo tín chỉ của năm kế tiếp.

Nhắc lại năm 2022 có khoảng 20 phương thức xét tuyển, lãnh đạo Trường ĐH Duy Tân cho hay, nhiều phương thức không phát huy hiệu quả. Thực tế, thí sinh vẫn chủ yếu nhập học bằng kết quả tuyển sinh theo phương thức xét học bạ THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT. “Tỷ lệ thí sinh nhập học bằng phương thức này hơn 88%” - TS Võ Thanh Hải thông tin và cho rằng, việc có quá nhiều phương thức xét tuyển cũng khiến thí sinh bị rối và các trường gặp một số khó khăn nhất định trong quá trình xét tuyển.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: TG

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: TG

Nâng cấp phần mềm

Từ thực trạng trên, TS Võ Thanh Hải đề xuất, nên chăng giới hạn lại một số phương thức xét tuyển không hiệu quả, tạo thuận lợi cho thí sinh khi lựa chọn đăng ký phương thức xét tuyển. Mặt khác, tránh những nhầm lẫn, sai sót không đáng có khi các em đăng ký xét tuyển.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính - bày tỏ, Quy chế tuyển sinh đại học năm 2023 cần được giữ ổn định trong thời gian trung hạn nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở đào tạo. Nếu có điều chỉnh kỹ thuật cũng cần công bố sớm để các trường và thí sinh chủ động.

Theo TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, cần xem xét lại những gì Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung làm được theo nguyên tắc chuyển đổi số thì chúng ta làm. Thí sinh đăng ký cung cấp những thông tin cần thiết. Hệ thống tự động chọn phương thức nào có lợi nhất cho thí sinh. Trên cơ sở đó, cơ sở đào tạo cũng chọn được thí sinh theo chỉ tiêu và chất lượng đặt ra.

Tại cuộc họp giao ban quý IV/2022 về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và CĐ sư phạm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, sẽ lưu ý để làm sao dữ liệu phần mềm trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung kết nối với hệ thống xét tuyển của các trường bảo đảm tính liên thông. Dự kiến năm 2023 tổ chức đăng ký xét tuyển nguyện vọng sớm hơn; cố gắng hoàn thành trong tháng 8 để các trường có thể khai giảng vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9.

Theo Thứ trưởng, năm 2023 Bộ GD&ĐT dự kiến không ban hành Quy chế tuyển sinh mới. Về cơ bản, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo và thí sinh trong quá tình xét tuyển. Do đó, các đơn vị cần chủ động, khẩn trương xây dựng Quy chế tuyển sinh của mình.

Trao đổi về dự kiến phương hướng công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - cho hay, Bộ tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp, bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm; nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) phương thức không phù hợp, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Bộ cũng rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh; trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), mà tất cả phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT – tuyển sinh đợt 1 và rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Theo PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nên rút ngắn thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển của thí sinh để các trường có thể tổ chức nhập học và kịp khai giảng vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9. Bởi việc xét tuyển muộn quá có thể cơ hội sẽ “hẹp” đi với thí sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.