Ném đi cơ hội khi kén việc?

GD&TĐ - Trong khi các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao thì một bộ phận lao động dù thất nghiệp nhưng vẫn không mấy “mặn mà” đi tìm việc.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Ảnh minh họa: ITN
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Ảnh minh họa: ITN

Thu nhập không đủ hấp dẫn

6 tháng đầu năm 2024, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 940.500 người (tăng 27.300 người so cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2024 là 2,29% (tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,01 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước), trong đó khu vực thành thị là 2,71%; khu vực nông thôn là 2,01%. Tuy thất nghiệp, nhưng nhiều người lao động không vội vàng đi tìm kiếm công việc mới bởi nhiều lý do khác nhau.

Tốt nghiệp đại học được 2 năm, Nguyễn Thị Hà Phương (25 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn chưa tìm được việc làm như các bạn bè đồng trang lứa. Hà Phương chia sẻ, trước đây có đi làm tại một số doanh nghiệp, song thời gian làm việc chỉ kéo dài từ 1 - 2 tháng.

“Hiện nay các doanh nghiệp đều tìm lao động làm toàn thời gian. Bản thân tôi đang học Thạc sĩ, không quá áp lực kinh tế vì có gia đình hỗ trợ. Vì vậy đối với những công việc toàn thời gian, khối lượng công việc nhiều mà mức lương nhà tuyển dụng đề xuất khoảng 6 - 7 triệu đồng không đủ sức hấp dẫn với tôi”, Hà Phương cho biết lý do không mặn mà đi tìm việc.

Vừa trở về Việt Nam sau 2 năm đi du học tại Pháp, Trần Hạnh Nguyên (26 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) chưa vội đi làm ngay. Dù được khá nhiều doanh nghiệp gọi tới phỏng vấn, song Hạnh Nguyên vẫn chưa tìm được công việc ưng ý.

“Khi học đại học đã được thực tập, làm việc tại nhiều tập đoàn lớn tại Pháp với mức thu nhập khá tốt. Vì vậy, khi về nước tôi cũng mong muốn tìm được vị trí công việc tại các doanh nghiệp lớn để học hỏi, nâng cao chuyên môn của bản thân. Khi chưa tìm được công việc ưng ý, tôi vẫn nhận các dự án ngoài và hoạt động với tư cách lao động tự do để có tài chính đảm bảo cuộc sống”, Hạnh Nguyên chia sẻ.

nem di co hoi khi ken viec2.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Tự đánh mất nhiều cơ hội

Tốt nghiệp bằng giỏi tại một trường đại học, chị Vũ Thuý Nga (26 tuổi, quê Thái Nguyên) trải qua 7 lần xin việc mà vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. Theo chị Thuý Nga, năm cuối đại học thực tập và cộng tác tại một doanh nghiệp lớn trên thành phố Hà Nội. Bởi vậy, chị Nga tự tin sẽ tìm được công việc với mức lương cao sau khi ra trường. Thế nhưng thực tế không phải vậy. Khi đi xin việc, chị Nga ngỡ ngàng với việc các công ty chỉ đề xuất mức lương khởi điểm cho tân sinh viên, khoảng 5 triệu đồng/tháng.

“Dù nhà tuyển dụng có thỏa thuận sẽ nâng mức lương nếu tôi phát huy được khả năng trong công việc và có cống hiến, thế nhưng lúc đó tôi nghĩ lương 5 triệu đồng thì ‘bèo bọt’ quá”, chị Thuý Nga than thở.

Cứ như vậy, hơn 1 năm trôi qua, cầm trên tay tấm bằng đỏ, ngành “hot”, song đã trải qua 7 lần phỏng vấn, chị Nga vẫn không tìm được công việc ổn định. Trong khi đó, bạn bè đồng trang lứa của chị Nga đã tìm được “bến đỗ” trong công việc và dần dần có sự thăng tiến trong công việc.

Nhận định về tình trạng “kén việc” của một bộ phận người lao động, ông Trần Văn Long (36 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) - Giám đốc điều hành tại Công ty ThinkPro cho biết: “Mong muốn có môi trường làm việc tốt, mức lương cao để nâng cấp đời sống là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người. Tuy nhiên, người lao động cũng nên có cái nhìn thực tế về tình hình kinh tế cũng như đánh giá thật sự khách quan về thị trường lao động hiện nay. Doanh nghiệp cũng cần tính toán chặt chẽ để đảm bảo lợi nhuận. Dù ứng viên có bằng cấp, thậm chí có kinh nghiệm nhiều năm song nhà tuyển dụng vẫn cần có thời gian để đánh giá năng lực thực tế cũng như thái độ làm việc”.

Có cái nhìn cảm thông hơn, ông Ngô Xuân Trưởng - Phó phòng Điều phối tại Công ty thiết bị Sunrise đánh giá, ở một khía cạnh khác các doanh nghiệp cũng nên có cái nhìn đa chiều hơn. Với mức sống đắt đỏ tại các thành phố lớn, nếu mức lương quá thấp, người lao động sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo đời sống sinh hoạt. Vì vậy, thay vì tuyển dụng “ồ ạt”, các nhà tuyển dụng có thể cân nhắc tập trung chiêu mộ nhân sự chất lượng cao và trả cho họ mức lương tương xứng với năng lực.

Thực tế cho thấy, phúc lợi tốt, mức lương hấp dẫn thì người lao động càng có xu hướng gắn bó lâu dài với công ty. Mặt khác, ông Trưởng cho rằng, từ phía các doanh nghiệp việc xây dựng và gìn giữ một môi trường làm việc chuyên nghiệp, bền vững là điều rất cần thiết để thu hút được nhiều ứng viên tài năng về cống hiến. Đối với những lao động chưa có việc làm cũng không nên quá nôn nóng mà cần tìm hiểu kỹ thông tin, văn hoá của doanh nghiệp đồng thời luôn có ý thức nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân.

Ông Trần Văn Long cho rằng, “dục tốc bất đạt”, người lao động nên có sự kiên nhẫn, thái độ làm việc nghiệm túc, cầu tiến trong công việc. Bởi lẽ, các doanh nghiệp đều mong muốn chiêu mộ người tài. Nếu có năng lực, việc được trả mức lương xứng đáng là điều hiển nhiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ