NATO tuyên bố đã sẵn sàng cho cuộc đối đầu trực tiếp với Nga

GD&TĐ - Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Rob Bauer cho biết khối này sẵn sàng chiến đấu với Nga nếu một cuộc xung đột trực tiếp nổ ra giữa 2 bên.

Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Rob Bauer.
Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Rob Bauer.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình RTP của Bồ Đào Nha, khi được hỏi liệu khối quân sự do Mỹ dẫn đầu đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga hay chưa, ông Bauer khẳng định một cách dứt khoát: “Chúng tôi đã sẵn sàng”.

Quan chức này lưu ý rằng khi chiến sự nổ ra ở Ukraine vào tháng 2/2022, NATO đã có sẵn một số nhóm chiến đấu dọc theo sườn phía đông của mình.

Theo ông Bauer, trong hội nghị thượng đỉnh ở Madrid diễn ra vào tháng 6/2022, các nhà lãnh đạo NATO đã quyết định thành lập thêm 4 nhóm chiến đấu ở Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria.

“Tôi nghĩ đó là một thông điệp quan trọng đối với người Nga, rằng lập trường của chúng tôi đã thay đổi, để cho họ thấy rằng chúng tôi sẵn sàng nếu họ có ý tưởng tới NATO”.

Ông nói thêm rằng nếu có bất kỳ lằn ranh đỏ nào liên quan đến quan hệ giữa Moscow và NATO, thì “đó là việc người Nga vượt qua ranh giới lãnh thổ của chúng tôi trong NATO”.

Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO tiếp tục nói rằng trong nhiều thập kỷ, nhiều quốc gia NATO nghĩ rằng họ là người quyết định thời gian và địa điểm triển khai lực lượng của mình, nhưng cuộc xung đột ở Ukraine là một yếu tố thay đổi cuộc chơi.

Quan chức này cho biết Nga đã phát động chiến dịch quân sự “vào thời điểm họ lựa chọn, vì vậy chúng tôi phải sẵn sàng hơn rất nhiều, chúng tôi không có thời gian để chuẩn bị, bởi vì điều đó tùy thuộc vào thời điểm họ tới”.

Ông cũng mô tả việc phương Tây vận chuyển vũ khí hiện đại tới Ukraine là “không leo thang”.

“Thực tế là kẻ thù của bạn có vũ khí tốt hơn, đó không phải là vấn đề của kẻ thù, đó là vấn đề của bạn” - ông nói và cho biết thêm rằng cả phương Tây và Nga đều phải đối mặt với nhu cầu tăng cường nỗ lực sản xuất vũ khí và thiết bị. Trong khi đó, các nước NATO cần có một cuộc bàn luận về các ưu tiên trong sản xuất quân sự.

Nga coi lực lượng NATO triển khai gần biên giới của mình là một mối đe dọa. Tháng 12/2021, Moscow đệ trình các tài liệu dự thảo về đảm bảo an ninh cho NATO và Washington, yêu cầu cấm Ukraine gia nhập liên minh này. Họ nhấn mạnh rằng NATO nên rút lui về biên giới vào năm 1997. Tuy nhiên, lời đề nghị của Moscow đã bị từ chối.

Hôm 25/1, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói rằng đến nay, Washington “hoàn toàn không thấy dấu hiệu nào” cho thấy Moscow có kế hoạch tấn công lãnh thổ của NATO.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ