NATO lên kế hoạch Schengen quân sự

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - NATO do Mỹ dẫn đầu muốn quân đội và thiết bị được di chuyển nhanh và tự do qua châu Âu trong bối cảnh đang xảy ra xung đột Nga-Ukraine .

Binh sĩ NATO
Binh sĩ NATO

Trung tướng Alexander Sollfrank - Giám đốc hậu cần châu Âu của NATO đã kêu gọi các quốc gia trên lục địa này thiết lập khu vực “Schengen quân sự” để cho phép di chuyển nhanh chóng quân đội, thiết bị và đạn dược trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Nga.

Trung tướng Alexander Sollfrank nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hôm 23/11: “Chúng ta sắp hết thời gian. Những gì chúng ta không làm trong thời bình sẽ không sẵn sàng trong trường hợp khủng hoảng hoặc chiến tranh”.

Tướng Sollfrank phụ trách Bộ chỉ huy hỗ trợ và hỗ trợ chung của NATO (JSEC), một cơ sở ở thị trấn Ulm của Đức, nơi điều phối sự di chuyển của quân nhân và trang thiết bị của khối trên toàn lục địa.

Ông Sollfrank giải thích, mặc dù JSEC được thành lập vào năm 2021 để đơn giản hóa việc chuẩn bị cho một cuộc chiến tiềm tàng với Nga, nhưng công việc của nó vẫn bị cản trở bởi các quy định cấp quốc gia.

Ông cho biết thêm, việc vận chuyển đạn dược qua biên giới châu Âu thường cần có giấy phép đặc biệt, trong khi việc vận chuyển số lượng lớn quân đội hoặc thiết bị có thể phải thông báo trước.

Tướng Sollfrank đề nghị các nước châu Âu nên thành lập khu vực “Schengen quân sự” để khắc phục những vấn đề này, đề cập đến thỏa thuận cho phép đi lại tự do giữa hầu hết các nước EU.

Ông Sollfrank không phải là quan chức quân sự đầu tiên nêu bật các vấn đề hậu cần và quan liêu của khối ở châu Âu.

Ben Hodges, người chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu cho đến năm 2017, nói với Reuters vào năm ngoái: “Chúng ta không có đủ năng lực vận tải hoặc cơ sở hạ tầng cho phép lực lượng NATO di chuyển nhanh chóng trên khắp châu Âu”.

Tướng Hodges chỉ ra rằng, các quốc gia khác nhau có khổ đường sắt khác nhau, và nói thêm rằng, nhà điều hành đường sắt Đức Deutsche Bahn chỉ có khả năng di chuyển một lữ đoàn rưỡi thiết giáp - khoảng 4.000 quân, 90 xe tăng và 150 xe bọc thép - cùng một lúc.

Reuters đưa tin, việc di chuyển bằng đường bộ có nhiều trở ngại khác nhau, đồng thời lưu ý rằng, một nhóm xe tăng Pháp đi qua Đức đến Romania để tập trận vào năm ngoái đã bị dừng lại vì trọng lượng của chúng vượt quá quy định giao thông đường bộ của Đức.

Theo một báo cáo riêng của Breaking Defense, ngay cả khi những chiếc xe tăng này được phép đi qua Đức, chúng sẽ không thể đi qua Ba Lan do chất lượng xây dựng cầu ở nước này kém.

Một nhà ngoại giao châu Âu từng thừa nhận rằng, “giờ đây chúng tôi không còn có thể chắc chắn là sẽ không bao giờ nổ ra xung đột ở châu Âu.

Với thủ tục rườm rà, mất thời gian ở biên giới hoặc tình trạng không đồng bộ về cầu đường nên không chịu nổi tải trọng và kích thước của các loại xe tăng, thiết giáp…thì nếu xung đột bất ngờ nổ ra, rõ ràng đây là những trở ngại làm hạn chế nghiêm trọng năng lực điều binh của NATO ”.

Do vậy, cách tiếp cận theo mô hình Schengen được đánh giá là vô cùng quan trọng đối với NATO để vượt qua những trở ngại đó.

NATO hiện có 10.000 quân thuộc 8 nhóm chiến đấu đóng quân trên khắp Đông Âu.

Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã tuyên bố vào năm ngoái rằng, ông đặt mục tiêu hỗ trợ các lực lượng được triển khai ở tiền phương này với 300.000 quân dự bị sẵn sàng cao.

Theo kế hoạch của ông Stoltenberg, 100.000 quân trong số này sẽ có thể đến chiến trường trong vòng một tuần, số còn lại sẽ đến sau đó một tháng.

Mặc dù Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng, NATO trên thực tế đã trở thành một bên tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách cung cấp cho Kiev vũ khí, huấn luyện và thông tin tình báo, nhưng Moscow không đe dọa tổ chức này bằng chiến tranh.

Tuy nhiên, tướng Sollfrank lập luận rằng, NATO phải tự chuẩn bị cho một cuộc xung đột như vậy. Ông nói với Reuters: “Chúng ta cần phải đi trước, chúng ta phải chuẩn bị tốt trước khi Điều 5 được áp dụng”, ông nói với Reuters, đề cập đến điều khoản phòng thủ chung của khối.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.