NASA vừa tổ chức cuộc gặp mặt các chuyên gia để thảo luận về việc chọn lựa các giải pháp phản ứng trong trường hợp một thiên thể nào đó tiến đến gần Trái đất. Tại cuộc gặp, NASA cũng giới thiệu bản báo cáo có tựa đề “Kế hoạch hành động và chiến lược chuẩn bị cấp quốc gia phòng chống thiên thạch đến gần Trái đất”.
Bộ tài liệu gồm 20 trang giới thiệu “các hoạt động chuẩn bị ở mức liên bang và sự hợp tác liên bang trong 10 năm tới, nhằm chống lại các nguy cơ va chạm với thiên thạch gần Trái đất”.
Bản kế hoạch nói trên đưa ra một số hướng hoạt động. Trước hết, cần điều chỉnh cách xác định đặc điểm vật lý của những đối tượng này, để có thể xây dựng mô hình chính xác về quá trình diễn ra sự kiện va chạm. Những thiên thạch ở trên các quỹ đạo gần Trái đất nguy hiểm nhất (đường kính trên 1 km) trong thực tế đã được phát hiện hết.
Số lượng những thiên thạch này không thay đổi trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ngược lại, số lượng những tiểu hành tinh và thiên thạch nhỏ lại tăng cao, từ năm này sang năm khác. Cũng rất cần cảnh giác đối với những tiểu hành tinh và thiên thạch nhỏ này. Báo c áo của NASA nhắc lại, rằng một tiểu hành tinh đường kính 50 mét có thể gây ra thảm họa nghiêm trọng khi phát nổ trên một thành phố nào đó.
Ở thời điểm hiện tại, xác suất để phát hiện một tiểu hành tinh như nói trên trước khi nó bay vào lân cận Trái đất (để có thời gian sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm) là dưới 10%. Chính vì vậy, NASA dự định tăng cường tìm kiếm và phát hiện những thiên thạch có kích thước trong khoảng từ 50 m - 140 m.
Để cải thiện hệ thống phát hiện những thiên thách như vậy, NASA khuyến nghị phát triển nhưng chương trình điện toán đặc biệt, tăng cường sử dụng kính viễn vọng không gian và sử dụng tốt hơn dữ liệu do các kính viễn vọng không gian cung cấp. NASA cũng đề nghị “phát triển công nghệ và phương pháp tái tạo dữ liệu theo hướng liên tục, có hệ thống và tự động hóa”.
NASA cũng khuyến nghị thành lập nhóm nghiên cứu để mô hình hóa điểm rơi của thiên thạch, thời điểm xảy ra va chạm và các thiệt hại tiềm tàng. Bên cạnh đó, cần tiến hành tập huấn thường xuyên để chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất.