Nâng tầm tạp chí khoa học trong trường đại học: Xác định đúng lộ trình

GD&TĐ - Làm sao nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam, cũng như ngày càng có nhiều tạp chí vào danh mục WoS, Scopus và ACI?

GS.TS Lê Quốc Hội chỉ ra một số khó khăn, thách thức của quá trình gia nhập quốc tế của các tạp chí khoa học Việt Nam. Ảnh: UEH
GS.TS Lê Quốc Hội chỉ ra một số khó khăn, thách thức của quá trình gia nhập quốc tế của các tạp chí khoa học Việt Nam. Ảnh: UEH

Để nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam, cũng như ngày càng có nhiều tạp chí vào danh mục WoS, Scopus và ACI, các nhà quản lý tạp chí khoa học Việt Nam cần xác định đúng lộ trình, giải pháp cụ thể theo các tiêu chí hệ thống bình duyệt quốc tế. Ngoài ra, cần có sự đầu tư mạnh về con người chuyên trách, cơ sở vật chất.

Tài trợ cho các trường đại học

Giữa tháng 6/2024, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) tổ chức Hội thảo “Xây dựng kinh nghiệm tạp chí khoa học đạt chuẩn Scopus/ACI” nhằm trao đổi kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng tạp chí của đơn vị trực thuộc Bộ theo định hướng đạt chuẩn cơ sở dữ liệu Scopus/ACI.

Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, về lâu dài, hệ thống tạp chí Việt Nam cần chiến lược quản trị theo tiếp cận VCI với một nền tảng công nghệ quản trị tạp chí được đầu tư và xây dựng bài bản từ một tổ chức mà Bộ GĐ&ĐT có vai trò quản lý Nhà nước; trong khi VCI đóng vai trò trung lập về học thuật, tập hợp các tạp chí khoa học Việt Nam cả hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh. Điều này cần nỗ lực tuân thủ các thông lệ quốc tế theo hướng tiếp cận minh bạch nhất.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài – Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á - JABES (thuộc Đại học Kinh tế TPHCM) chia sẻ một số kinh nghiệm gia nhập Web of Science và Scopus đồng thời đưa ra một số gợi ý chính sách. JABES chính thức được công nhận nằm trong cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín của Web of Science (WoS) từ tháng 5/2021. Quan trọng hơn, ngày 6/3/2022, sau quá trình nỗ lực bền bỉ, lâu dài, cùng quy trình đăng ký, thẩm định, đánh giá và xét duyệt hồ sơ nghiêm ngặt, JABES chính thức ghi tên vào danh mục Scopus.

Dựa vào tình huống cụ thể của JABES, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài trình bày kinh nghiệm quan trọng cần chuẩn bị để được chỉ mục chính thức vào WoS và Scopus.

Trong đó, các trường đại học có tạp chí phiên bản tiếng Anh nên tham gia vào đối tác uy tín (nhà xuất bản lớn), ví dụ như Emerald và việc chọn hình thức Open - Access (truy cập mở) để tăng cường khả năng tìm kiếm, trích dẫn, và đảm bảo uy tín học thuật. Đồng thời, các tạp chí cần chú trọng việc tìm hiểu tiêu chí từ chỉ mục ACI/ WoS/ Scopus/ ABDC và quy trình gia nhập chỉ mục để từ đó từng bước chuẩn bị hoàn thiện phiên bản tiếng Anh với sự tư vấn của nhà xuất bản quốc tế.

GS Hoài cho rằng, cần xây dựng và tạo các kênh giới thiệu truyền thông học thuật (Media Coverage) hoặc đối tác với các cơ quan truyền thông đại chúng để truyền tải kết quả nghiên cứu, phụng sự cho cộng đồng và sự phát triển của Việt Nam cũng như khu vực từ các hàm ý chính sách của bài viết.

Theo đó, các sản phẩm truyền thông tóm tắt hoạt động được gửi Newsletters định kỳ sẽ giới thiệu những bài viết tốt. Việc truyền tải kết quả nghiên cứu dưới dạng số hoá (Video clip) hoặc các hình ảnh tóm tắt sẽ tăng cường độ phủ sóng nội dung để được học giả biết đến nhiều hơn và trích dẫn.

Về phương diện xuất bản, Bộ GD&ĐT và Bộ Thông tin - Truyền Thông nên có chiến lược hình thành Nhà xuất bản Việt Nam theo thông lệ quốc tế để có thể tập hợp các Tạp chí khoa học Việt Nam dưới nền tảng công nghệ có tiếp cận như Nhà xuất bản quốc tế. “Việc này nhằm tạo điều kiện tiết kiệm chi phí đầu tư từ các trường và đồng thời có thể tập hợp nhiều tạp chí khoa học Việt Nam vào một nhà xuất bản đạt tiêu chuẩn quốc tế”, theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài.

Sau cùng, Bộ GD&ĐT tiếp tục có những dự án tài trợ cho các trường đại học Việt Nam; đơn vị tham gia dự án được bộ cấp kinh phí phải cam kết gia nhập WoS/Scopus, hoặc cam kết gia nhập các chỉ mục quốc tế khác như ABDC (khối Úc và Newzealand nhưng có tầm ảnh hưởng quốc tế), ABS (khối châu Âu nhưng có tầm ảnh hưởng quốc tế).

“Cơ quan quản lý Nhà nước cũng có thể cho các tạp chí đã gia nhập SCOPUS cam kết duy trì phân hạng cao hay nâng hạng trong hệ thống. Đặc biệt, cần có chính sách tài trợ cho các trường có ý định đưa tạp chí khoa học phiên bản tiếng Việt gia nhập ACI/Scopus. Bởi trước đó, có nhiều tạp chí khoa học của Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc phiên bản phương ngữ (không phải tiếng Anh) đã gia nhập được Scopus”, theo GS Hoài.

xac dinh dung lo trinh (1).jpg
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo “Xây dựng kinh nghiệm tạp chí khoa học đạt chuẩn Scopus/ACI”. Ảnh: UEH

Quy hoạch phát triển tạp chí khoa học

Với góc nhìn của Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), GS.TS Lê Quốc Hội cho rằng, nâng cao chất lượng tạp chí khoa học để gia nhập các cơ sở dữ liệu quốc tế đã thành đòi hỏi bức thiết hiện nay. GS Lê Quốc Hội chỉ ra một số khó khăn, thách thức của quá trình này. Theo đó, hầu hết tạp chí khoa học Việt Nam được xuất bản bởi cơ quan chủ quản như các bộ, viện nghiên cứu, trường đại học...

Điều này dẫn đến thực tế, nhiều tạp chí chủ yếu xuất bản công trình nghiên cứu của cán bộ, giảng viên các cơ quan chủ quản hoặc phải hoạt động để đảm bảo yêu cầu của cơ quan chủ quản chứ chưa hướng nhiều đến nâng cao chất lượng theo yêu cầu quốc tế. Nhiều tạp chí không có quy định trích dẫn đúng theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc có quy định nhưng quá trình thực hiện không tuân thủ tốt.

Ngoài ra, nhiều tạp chí chưa thực hiện phản biện kín hoặc quy trình phản biện chưa đảm bảo khách quan. Ví dụ bài báo chỉ được phản biện từ đồng nghiệp trong cùng cơ quan hoặc chỉ do tổng biên tập xét duyệt. Đồng thời, có tạp chí không thể xuất bản đúng thời hạn do lượng bài gửi đến hạn chế hoặc quy trình biên tập chưa chuyên nghiệp, khó khăn trong việc thu hút được các bài báo có chất lượng, đặc biệt đối với tạp chí chưa được gia nhập các cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín.

xac dinh dung lo trinh (3).jpg
Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á (JABES) của Đại học Kinh tế TPHCM. Ảnh: UEH.

Hoạt động của hội đồng biên tập ở nhiều tạp chí còn mang tính hình thức. Đa phần tạp chí khoa học của Việt Nam chỉ xuất bản bằng tiếng Việt, trong khi đó tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng thông dụng trong các tạp chí quốc tế. Do vậy, công trình xuất bản trên tạp chí của Việt Nam chủ yếu phục vụ cho cộng đồng khoa học trong nước và ít được trích dẫn hoặc thừa nhận trên bình diện quốc tế.

“Một số tạp chí còn thiếu thông tin, không nhất quán thông tin. Nhiều tạp chí chưa có trang web, trang mục riêng, hoặc có nhưng thông tin hạn chế dẫn tới không đảm bảo tính minh bạch. Xuất bản trực tuyến còn ít và chưa đúng quy cách, còn khó khăn trong việc truy cập bài báo công bố”, ông Lê Quốc Hội chỉ ra bất cập.

Từ thực trạng trên, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển đề xuất một số kiến nghị để thúc đẩy quốc tế hóa tạp chí khoa học Việt Nam. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển tạp chí khoa học Việt Nam; xác định quy hoạch phát triển tạp chí khoa học đến năm 2030.

Ngoài ra, cần xây dựng Trung tâm Cơ sở dữ liệu trích dẫn quốc gia Việt Nam (Vietnam Ciation Index - VCI) để đánh giá và xếp hạng tạp chí khoa học của Việt Nam. Các bộ, ban ngành, cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu cần kết hợp với VCI để tiến hành đánh giá, cấp kinh phí nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, cần tiếp tục đầu tư cho các tạp chí khoa học uy tín trong nước nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế để đến năm 2030 có ít nhất 50 tạp chí được gia nhập ACI và 30 tạp chí gia nhập Scopus và Web of Science.

xac dinh dung lo trinh (1).png
Số lượng tạp chí thuộc hệ thống ACI tại các thời điểm của Việt Nam và một số nước trong khu vực. Ảnh: PGS.TS Đinh Văn Thuật

Đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất

PGS.TS Đinh Văn Thuật - Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học công nghệ xây dựng (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, Việt Nam cần có nhiều tạp chí Scopus/WoS để đăng các bài trong nước và của nước khác.

Muốn vậy, cần có sự đầu tư mạnh ban đầu về con người chuyên trách, cơ sở vật chất; đặc biệt là tài chính để duy trì các hoạt động bao gồm cả dịch vụ sử dụng hệ thống biên tập, xuất bản quốc tế mà một số tổ chức quốc tế đang độc quyền trong nhiều năm nay. Hoạt động của tạp chí trong nước hiện nay không thể có đủ nguồn thu cho các chi phí cần thiết.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Tổng Biên tập Tạp chí JABES cũng cho rằng, cần nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập và nhân sự để phát triển tạp chí từ bên trong. Đây là một kế hoạch hành động rất khó khăn và tùy vào bối cảnh thực tiễn của từng tạp chí. Theo đó, tạp chí thuộc từng trường đại học khác nhau và sẽ có cách làm và nỗ lực đạt mục đích này với con đường khác nhau theo mạng lưới học thuật trong nước và quốc tế mà các trường hiện có.

Đầu tư cơ sở vật chất cho tạp chí khoa học cũng là vấn đề GS.TS Lê Quốc Hội nhắc đến. Ông cho rằng, cần thành lập hoặc tách tạp chí là một đơn vị độc lập trong cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu để có điều kiện đầu tư và đảm bảo tính chuyên nghiệp trong hoạt động. Các đơn vị cũng cần đầu tư nhân lực và vật chất để nâng cấp tạp chí khoa học của đơn vị.

Cụ thể, cơ quan quản lý tạp chí cần tăng kinh phí hoạt động để mỗi tạp chí có phòng làm việc riêng với trang bị kỹ thuật tốt, xây dựng trang thông tin điện tử cho tạp chí, đào tạo đội ngũ biên tập viên, mở rộng việc quảng bá cho các tạp chí. “Cần kêu gọi sự hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp để nâng cấp tạp chí và nhanh chóng cải tiến tạp chí khoa học của cơ quan mình theo yêu cầu về tiêu chuẩn của VCI, ACI, Scopus và WoS”, GS Hội nói.

PGS.TS Đinh Văn Thuật đề xuất Việt Nam cần sớm xây dựng được hệ thống chỉ mục trích dẫn tạp chí Việt Nam (Vietnam Citation Index) để phân loại, xếp hạng được các tạp chí trong nước theo mức độ khác nhau của các tiêu chí đánh giá, từ đó tạo được cơ sở tin cậy, khách quan hơn để tính điểm cho các tạp chí trong nước. Bên cạnh đó, mức tính điểm tối đa cho mỗi bài báo có thể được xem xét sử dụng thang điểm chênh lệch lớn hơn khi phân loại tạp chí trong nước.

Ví dụ, ngay cả những tạp chí thuộc ACI cũng cần có mức điểm dao động trong một khoảng đáng kể nào đó, thay vì được đánh giá 1,25 hoặc 1,0 điểm. Trong trường hợp này có thể sử dụng thang điểm lớn hơn, ví dụ thang điểm 10 hoặc thậm chí 100 (thay vì sử dụng 5 mức điểm là 0,25; 0,5; 0,75; 1,0 và 1,25 điểm).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ