Điều này có lợi cho giảng viên trong việc công bố khoa học, đồng thời là bước đệm để phát triển khoa học công nghệ trong nước.
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, hiện có 32 tạp chí khoa học trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT quản lý (không tính trường thành viên của đại học vùng). Các cơ sở giáo dục đại học đang quyết tâm hội nhập quốc tế về khoa học, tăng cường nội lực về nghiên cứu khoa học.
Ngày 15/7/2024, Tạp chí Khoa học Trường ĐH Trà Vinh chính thức được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu Hệ thống trích dẫn khoa học Đông Nam Á (ACI - ASEAN Citation Index). Tính đến năm 2024, Việt Nam có 30 tạp chí được chỉ mục vào ACI (bao gồm 19 tạp chí được chỉ mục từ năm 2023 trở về trước và 11 tạp chí được chỉ mục năm 2024).
ACI hiện có khoảng 217.404 bài báo của hơn 309.331 tác giả thuộc 10 quốc gia khu vực ASEAN được đưa vào cơ sở dữ liệu. ACI tập hợp công bố khoa học của các quốc gia ASEAN để chia sẻ kết quả nghiên cứu ra phạm vi thế giới. Đồng thời, đây là cầu nối để đưa các công trình khoa học của cộng đồng nhà nghiên cứu ASEAN vào hệ thống cơ sở dữ liệu của ISI và Scopus.
Năm học 2022 - 2023, Trường ĐH Đồng Tháp công bố hơn 300 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Nhà trường đã triển khai mới 117 đề tài khoa học và công nghệ. Trong đó, có 6 đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ, 38 đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở của giảng viên và 73 đề tài khoa học và công nghệ của sinh viên. Trong hơn 300 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước và quốc tế có 62 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học thuộc chỉ mục WoS, Scopus.
Hiện, Trường ĐH Đồng Tháp thực hiện Dự án nâng cao chất lượng nhằm đưa Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp được vào chỉ mục trích dẫn Đông Nam Á - ACI. Bên cạnh đó, tạp chí đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống website xuất bản tạp chí trực tuyến. Các bài báo của tạp chí đều được gắn mã định danh tài liệu số DOI và chỉ mục vào các hệ thống thư viện trong nước và thế giới như: Crossref; Google Scholar; Base; ResearchGate; Tạp chí khoa học Việt Nam Trực tuyến - VJOL…
Theo TS Trương Tấn Đạt - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học ĐH Đồng Tháp, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của tạp chí theo chuẩn quốc tế được xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược của trường. Qua đó đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đời sống, góp phần phục vụ cộng đồng.
Tạp chí tiếp tục nâng cao chất lượng của ấn phẩm phát hành, chất lượng các công trình công bố đảm bảo giá trị lý luận và thực tiễn. Bài báo công bố vừa bám sát tôn chỉ, mục đích của tạp chí và đồng thời phản ánh những vấn đề được giới học thuật, nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Đồng thời nhà trường tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ cộng tác viên, phản biện và tham vấn là những nhà khoa học uy tín, trách nhiệm và nhiệt tình; hướng đến các chuẩn mực quốc tế...
Phát triển nhóm nghiên cứu
Mỗi năm Trường ĐH Kiên Giang có khoảng 110 bài báo khoa học, trong đó xấp xỉ 30 bài báo quốc tế. Để khuyến khích, tăng cường công bố bài báo khoa học quốc tế, trường hỗ trợ kinh phí cho viên chức, giảng viên với các mức khác nhau, tùy thuộc xếp hạng của tạp chí; mức hỗ trợ từ 15 đến tối đa 35 triệu đồng/bài. Viên chức, giảng viên có thể tham gia nghiên cứu khoa học thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, hoặc viết báo khoa học…
Theo ThS Võ Xuân Huyên - Phó Trưởng phòng phụ trách Hợp tác và Khoa học công nghệ (Trường ĐH Kiên Giang), bên cạnh chính sách về hỗ trợ kinh phí công bố, khen thưởng như trên, viên chức, giảng viên tham gia viết báo còn được tính điểm thưởng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ khi đánh giá xếp loại cuối năm. Từ đó tăng thêm thu nhập nếu có kết quả xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
“Để nâng cao năng lực và khơi gợi đam mê nghiên cứu, cũng như phát triển các ý tưởng nghiên cứu, trường đã mời chuyên gia để tập huấn nghiên cứu khoa học. Trường cũng quan tâm xây dựng quy định về thành lập nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh. Tiến tới thành lập nhóm nghiên cứu bao gồm các thành viên trong và ngoài trường nhằm kết nối, tạo cơ hội cho viên chức, giảng viên của trường được tiếp xúc, học hỏi từ chuyên gia, nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước…”, ThS Võ Xuân Huyên cho biết thêm.
Tại buổi sẻ kinh nghiệm “Xây dựng, phát triển nhóm nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín” do Trường ĐH Trà Vinh vừa tổ chức, PGS.TS Phan Hoàng Nam - Phó Trưởng khoa Xây dựng cầu đường (Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng) cho biết:
Việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu rất cần thiết, hoạt động không chỉ tạo ra nhiều giá trị khoa học, nâng cao độ uy tín của nhà trường mà còn giúp các nhà nghiên cứu khai thác tối đa năng lực bản thân. Trong đó cần tập trung vào các vấn đề thực trạng của nhóm nghiên cứu, công bố khoa học, quy trình lập nhóm nghiên cứu và kinh nghiệm phát triển, những mục tiêu và phương thức hoạt động giúp nhóm nghiên cứu phát triển bền vững…
Đối với Kỹ năng công bố công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín, cần nắm rõ thông tin về phân loại tạp chí và nhà xuất bản; phân hạng tạp chí trong danh mục WoS; các dạng bài báo khoa học; kỹ năng tìm kiếm tài liệu khoa học; quy trình gửi và đăng bài báo khoa học; công trình đã xuất bản bị thu hồi và một số tiện ích phục vụ nghiên cứu… - PGS.TS Huỳnh Trọng Phước - Trưởng phòng Thí nghiệm kết cấu công trường, Khoa Kỹ thuật xây dựng (Trường ĐH Cần Thơ)