Hiệu ứng từ một kỳ thi chất lượng
Được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức Kỳ thi Olympic Toán và Khoa học cho học sinh tiểu học dưới 13 tuổi lần thứ 16 năm 2019.
IMSO (International Mathematics and Science Olympiad for Primary School) là kỳ thi Olympic Toán học và Khoa học quốc tế thường niên bằng tiếng Anh dành cho HS tiểu học trên toàn thế giới, với mục tiêu giúp các em phát triển khả năng cao nhất về Toán và Khoa học.
Kỳ thi IMSO năm 2019 hội tụ hơn 1,7 nghìn người tham dự, gồm 719 thí sinh, 293 chuyên gia, cán bộ, giáo viên, quan sát viên quốc tế đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới như: Bulgaria, Trung Quốc, Campuchia, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Philippines, Singapore, Nam Phi, Sri Lanka, Đài Loan, Tajikistan, Thái Lan, Hoa Kỳ, Việt Nam…
Với chủ đề “Tư duy - Sáng tạo - Kỹ năng vượt trội”, IMSO 2019 diễn ra an toàn, chất lượng cùng nhiều hoạt động phong phú đã góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội, Việt Nam. Đúng như khẳng định của TS Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: “Thông qua các kỳ thi, BTC mong muốn được góp phần khích lệ, thúc đẩy phong trào học tập nói chung và phong trào học Toán học và Khoa học của HS tiểu học đến từ nhiều quốc gia nói riêng, xây dựng một môi trường học thuật, khuyến khích đổi mới, phát triển nghiên cứu trong quá trình học tập cũng như thiết lập một mạng lưới hợp tác trong phát triển dạy và học Toán học và Khoa học với các tổ chức giáo dục quốc tế. Kỳ thi còn là “điếm đến” để các sứ giả nhỏ đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có những tình bạn đẹp, lưu giữ những hình ảnh đẹp về đất nước, con người và nền văn hóa truyền thống của Thủ đô Hà Nội và đất nước Việt Nam”.
Tiến sĩ Elvira, Chủ tịch Ủy ban điều hành quốc tế IMSO cho rằng: Kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế không đơn thuần là kiểm tra kiến thức lý thuyết mà còn thử thách khả năng sáng tạo của HS thông qua bài kiểm tra thực tế “Thử nghiệm và Khám phá”. Vì lý do đó, phương châm của Kỳ thi IMSO là đề cao giá trị của sự thông minh, sáng tạo và kích thích sự hứng thú của HS với các bộ môn này. Thông qua cuộc thi, tạo ra một sự kết nối tích cực với bộ môn Toán và Khoa học, từ đó thúc đẩy sự đam mê sáng tạo của HS.
Kỳ thi không chỉ giới hạn trong việc thử thách tư duy, kiểm tra sự chú ý chi tiết của HS hay thách thức sự kiên nhẫn của HS trong việc trả lời các câu hỏi, mà cuộc thi còn giúp tạo dựng những tình bạn mới, trên cơ sở tìm hiểu sự đa dạng về văn hóa giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ.
NGƯT.TS Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ghi nhận: Năm 2019, Hà Nội đăng cai tổ chức thành công Kỳ thi IMSO 2019. Sự kiện này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố với chiến lược phát triển và bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố. Việc đăng cai tổ chức Kỳ thi IMSO 2019 cùng thành tích nổi bật của đoàn học sinh Việt Nam đã khẳng định được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…
Thích ứng trong môi trường quốc tế
Bước đột phá trong công tác hội nhập quốc tế của ngành GD-ĐT Thủ đô là triển khai thực hiện tốt Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level của Cambridge tại Trường THPT Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; chương trình song bằng cấp THCS (cấp chứng chỉ IGCSE của Anh quốc) tại 7 trường THCS trên địa bàn thành phố…
Chương trình hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, công dân toàn cầu cho Thủ đô và đất nước trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế. Chứng chỉ A Level được công nhận và đánh giá cao bởi rất nhiều trường đại học trên thế giới như: Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Harvard, Đại học Cambridge…
Là đơn vị thực hiện thí điểm chương trình đào tạo song bằng, cô giáo Lê Mai Anh – Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết: Học chương trình song bằng, quyền lợi lớn nhất thuộc về HS, các em được học theo chương trình tiên tiến, có ngôn ngữ tốt, được rèn phương pháp tư duy, điều đó sẽ giúp ích cho các em rất nhiều trong tương lai dù học tập ở môi trường nào, đồng thời tăng khả năng hội nhập khi chọn lựa nghề nghiệp.
Chị Nguyễn Minh Huyền, PHHS Nguyễn Công Minh – THPT Chu Văn An cho biết: Qua nghiên cứu, tôi thấy chương trình song bằng rất ưu việt vì nó vừa kết hợp được chương trình THPT của Việt Nam với những truyền thống văn hóa bản sắc dân tộc vừa có phần quốc tế tiên tiến giúp các con về sau đi bất kỳ nơi nào đều có đủ năng lực để hội nhập quốc tế. Về chương trình học, các thầy cô giáo đã rà soát chương trình của Việt Nam và A Level để tích hợp một số môn học giúp HS không quá vất vả khi học tập.
Trước xu hướng mở rộng hợp tác quốc tế, ngành GD-ĐT Hà Nội đã phát triển học ngoại ngữ 2 ở các trường có điều kiện, Tiếng Nhật, Đức, Hàn… Thí điểm Tiếng Hàn cho học sinh cấp THCS, THPT (4 trường): THCS Thăng Long, quận Ba Đình; THCS Ngô Gia Tự, quận Hai Bà Trưng; THPT Nguyễn Gia Thiều, THPT Việt Đức.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai rà soát, tổ chức kiểm tra cho toàn bộ giáo viên Tiếng Anh các cấp học phổ thông và trung tâm GDNN-GDTX theo chuẩn IELTS. Căn cứ vào kết quả rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo theo chuẩn IELTS quốc tế cho GV theo cấp độ GV đạt được theo lộ trình từ năm 2020 đến năm 2025.
Theo cô Bạch Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đây là chủ trương thiết thực và cần thiết, bởi giáo viên được đào tạo theo chuẩn IELTS sẽ nâng cao kỹ năng nghe, nói, đặc biệt là cách phát âm chuẩn, từ đó dạy HS chuẩn hơn.