Năng lượng viết khơi nguồn từ chuyến đi

GD&TĐ - Đoàn nhà văn nữ (Hội Nhà văn Việt Nam) gồm 27 chị em đã tổ chức một chuyến đi thực tế bổ ích tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội) vào hai ngày 30 - 31/3.

Đoàn nữ nhà văn, nhà thơ Hội Nhà văn Việt Nam giao lưu với UBND thị xã Sơn Tây và văn sĩ Sơn Tây.
Đoàn nữ nhà văn, nhà thơ Hội Nhà văn Việt Nam giao lưu với UBND thị xã Sơn Tây và văn sĩ Sơn Tây.

Đoàn đã có cuộc giao lưu với cán bộ UBND thị xã Sơn Tây, các văn sĩ Sơn Tây, nữ doanh nhân Tạ Ngọc Mỹ, đi thực tế khu vực Hồ Suối Hai cùng nhà thơ Nguyễn Ngọc Đấu…

Thay mặt lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây, ông Hà Việt Phong – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban tuyên giáo Thị ủy đã tiếp đoàn và chia sẻ những thông tin thú vị, hữu ích để các nhà văn nữ có thể khai thác, thể hiện trong những trang viết của mình sau chuyến đi.

Đáng chú ý ở miền “Nắng Sơn Tây, Mây Ba Vì” này là sự chuyển đổi mô hình kinh tế địa phương, khi chỉ còn 3 phường thuần nông nghiệp, còn lại đều đã đan xen nông nghiệp với công nghiệp và các cách làm kinh tế - dịch vụ khác. 

Thị xã Sơn Tây cũng rất tiềm năng trong khai thác du lịch khi có tới 244 di tích, trong đó có 15 di tích quốc gia, 56 di tích cấp thành phố, mà nổi bật là làng cổ Đường Lâm, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.

Ngoài ra còn có Chùa Mía, Đền Và, Thành cổ Sơn Tây, Hồ Suối Hai, làng Văn hóa các dân tộc… Thị xã Sơn Tây đang phấn đấu thành đô thị vệ tinh của Hà Nội, tập trung phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng.

Cũng trong buổi giao lưu, nhà thơ Nguyễn Thị Mai – đại diện cho đoàn các nhà văn, nhà thơ nữ đã trao tặng UBND thị xã Sơn Tây, các văn sĩ Sơn Tây nhiều cuốn sách là tác phẩm của các nữ sĩ trong đoàn. Các chị cũng ngâm thơ, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác với văn sĩ Sơn Tây. 

Đoàn đã được thưởng thức trong giao lưu thêm nhiều tác phẩm về Sơn Tây của chính các văn sĩ sinh ra ở vùng đất này. Nữ sĩ Bùi Kim Anh khiến mọi người rưng rưng xúc động khi đọc bài thơ “Chiều Sơn Tây” do bà sáng tác.

Những cảm hứng về đất Sơn Tây đã trở thành nguồn năng lượng mới mẻ để các nữ sĩ tiếp tục viết nên những bài thơ mới, những bút ký hoặc truyện ngắn sau này. Thậm chí, ngay lập tức, nhà văn, nhà thơ Phan Mai Hương đã tức cảnh viết bài thơ về Thành cổ Sơn Tây ngay trong buổi sáng 30/3 khi chị đặt chân tới Thành cổ.

Khi đi thực tế tại Khu du lịch Tản Đà nổi tiếng của đất Sơn Tây, đoàn nữ sĩ đã vô cùng thán phục trước một “khu bảo tàng sống” những kiến trúc cổ truyền đặc sắc Việt Nam với nhà địa chủ, nhà phú ông, nhà ông đồ, nhà trung nông…

Toàn bộ kiến trúc, nội thất, vật dụng, cảnh quan trong khu xóm nhà cổ này là sự trân trọng yêu thương những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc Việt, được bảo tồn và lưu giữ cho hiện tại cũng như tương lai. 

Đặc biệt, chủ nhân của Khu du lịch Tản Đà, bà Tạ Ngọc Mĩ – cũng là một phụ nữ với tâm hồn thi ca lãng mạn.

Đoàn giao lưu với doanh nhân – thi sĩ Tạ Ngọc Mĩ.
Đoàn giao lưu với doanh nhân – thi sĩ Tạ Ngọc Mĩ.

Xúc động trước vẻ đẹp của đất và người Sơn Tây, bà đã không chỉ nuôi nguồn năng lượng ấy để xây dựng nên một khu du lịch lớn, bảo tồn thiên nhiên và văn hóa kiến trúc cổ, phát triển bền vững và tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương, mà còn chắt chiu thành những dòng thơ, tập hợp lại và xuất bản sách thơ “Gánh cúc vàng” xuất bản năm 2006 bởi NXB Hội Nhà văn.

Đêm 30/3, doanh nhân – thi sĩ Tạ Ngọc Mĩ đã giao lưu vui vẻ cùng đoàn nữ sĩ, chia sẻ những trải nghiệm quý của bà trong việc góp phần dựng xây đất Sơn Tây và trong đời sống tinh thần, với những dòng thơ lãng mạn, chất chứa nhiều nỗi niềm người phụ nữ, người vợ, người mẹ, và người yêu…

Phụ nữ Sơn Tây và phụ nữ Việt nói chung, đặc biệt là giới cầm bút và doanh nhân, đều có một điểm chung, đó là sự lãng mạn, khả năng tưởng tượng mãnh liệt. Càng khó khăn, càng phải chịu đựng nhiều ngang trái và gánh nặng, thì các chị em càng phát triển năng lực tưởng tượng.

Những tưởng tượng lãng mạn ấy không chỉ giúp chị em tự giải thoát khỏi những gánh nặng tâm lý, trong áp lực công việc và các mối quan hệ, mà còn đưa chị em tới những nơi xa, khám phá những điều mới mẻ, có được tầm nhìn mới, để sau đó trở về, tích lũy được nguồn năng lượng xây dựng gia đình, những công trình hoặc những tác phẩm phục vụ cho xã hội.

Tuy sống và làm việc tại Hà Nội, nhưng không phải nữ sĩ nào trong đoàn nhà văn nữ Hội Nhà văn Việt Nam đều đã từng đặt chân tới Hồ Suối Hai. Cuộc gặp gỡ và giao lưu với nhà thơ Nguyễn Ngọc Đấu ngay tại bờ Hồ Suối Hai đã mang lại cho chị em những trải nghiệm mới mẻ.

Lịch sử đáng nhớ của Hồ Suối Hai, vẻ đẹp hào phóng của thiên nhiên nơi đây đã làm các nữ sĩ xúc động. Mặt hồ mênh mang, những ngọn đồi xanh mát, sóng óng ánh bạc vui vây cá, đàn trâu thong thả gặm cỏ bên bờ Hồ… sức sống sinh sôi ấy mang lại nguồn năng lượng tươi trẻ cho những cây viết từ U50 tới U90 trong đoàn nữ sĩ.

Sóng và gió Hồ Suối Hai khiến ánh mắt các chị các bà long lanh không tuổi. Và sóng thi ca lại được dịp trào dâng theo con nước Hồ Suối Hai. Nữ sĩ Phi Tuyết Ba, Nguyễn Thành Tâm, Nguyệt Vũ và nhà thơ Nguyễn Ngọc Đấu đã ngâm những vần thơ vừa trong trẻo mà man mác cùng gió Hồ.

Để rồi ai cũng thầm nhận ra rằng, dù có đi khắp thế giới, thì chúng ta vẫn trở về và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Nam, sẽ thầm nguyện rằng nguồn năng lượng này cần được gìn giữ là làm giàu thêm mãi, trong thi ca, trong xây dựng và trong tình yêu.

Sơn Tây rất gần đây, mà đã rất khác rồi. Chia tay với nhà thơ Nguyễn Ngọc Đấu, đoàn nữ sĩ trở về Hà Nội trong nỗi bồi hồi. Trên tay là những trái ổi thơm đất Sơn Tây trao tặng. Rồi đây, được tiếp nguồn năng lượng từ chuyến đi này, các nữ sĩ chắc chắn sẽ có những dòng thơ mới, tràn đầy sức trẻ và tình yêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ