Mỗi chuyến đi là bài học lớn

GD&TĐ - Cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2019 - 2020 đã mở ra cơ hội để đội ngũ nhà giáo, những người đang hằng ngày làm nhiệm vụ trồng người có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi trong nghiệp vụ và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, kỹ năng.

 HS Trường Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Sa Đéc, Đồng Tháp báo cáo trên lớp sau trải nghiệp học Sử ở bảo tàng.
 HS Trường Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Sa Đéc, Đồng Tháp báo cáo trên lớp sau trải nghiệp học Sử ở bảo tàng.

Ngay khi Cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2019 - 2020 được phát động. Cô Lê Trầm Phương Thanh cùng đội ngũ nhà giáo Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp tích cực đón nhận và quyết định phải gửi tác phẩm dự thi.

Ngôi trường mang tên nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu với bề dày truyền thống dạy, học, nơi có những tiết học tập, trải nghiệm được thầy, trò tham gia tích cực. Đặc biệt, hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống là điểm sáng mà ngôi trường này có được. Cùng bàn bạc, cùng chia sẻ, cuối cùng, cô Lê Trầm Phương Thanh quyết định viết tác phẩm “Học Sử qua bài hát và những chuyến đi”. Đây là tác phẩm tâm huyết của cô Thanh, viết về hoạt động giáo dục Lịch sử do thầy Nguyễn Hữu Nhân khởi xướng. Cô Thanh là người nhiều năm cộng tác với thầy Nhân và bộ môn Lịch sử để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh.

Cô Lê Trầm Phương Thanh, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Võ Thị Sáu, đạt giải Nhất với tác phẩm “Học Sử qua bài hát và những chuyến đi”
Cô Lê Trầm Phương Thanh, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Võ Thị Sáu, đạt giải Nhất với tác phẩm “Học Sử qua bài hát và những chuyến đi”

Cô Thanh chia sẻ, là giáo viên Tổng phụ trách Đội, gắn bó với công tác Đội hơn 15 năm. Trong hoạt động Đội, cô luôn hướng cho các em học sinh phát huy sở trường, nâng cao kỹ năng hoạt động và kỹ năng xã hội. “Qua nhiêu năm công tác, tôi thường xuyên tham mưu với Hiệu trưởng nhà trường tổ chức nhiều phong trào trải nghiệm, nhiều chương trình hoạt động thu hút các em học sinh, Đội viên tham gia. Nhằm phát huy được tính tích cực, chủ động, hình thành kỹ năng sống, tạo sự thoải mái, thân thiện trong cuộc sống...”.

Với những hoạt động được thầy, trò nhà trường thiết kế, tổ chức và hành động, cô Thanh quyết định phải viết ra để cùng chia sẻ với đồng nghiệp, học sinh cả nước. Qua tìm hiểu, cô Thanh thấy Cuộc thi viết về “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học tập và làm theo lời Bác” có nhiều ý nghĩa như làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Chỉ thị số 05 và Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016 - 2020.

Nói về tác phẩm đạt giải, cô Thanh cho biết: “Tác phẩm ‘Học Sử qua bài hát và những chuyến đi’ viết về thầy giáo Nguyễn Hữu Nhân, giáo viên dạy Lịch sử, là người tôi từng hợp tác trong tổ chức hoạt động trải nghiệm trong nhiều năm. Tác phẩm nhầm hướng tới ước muốn lan tỏa văn hóa đọc trong học sinh, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh, bảo vệ, xây dựng đất nước của tiền nhân. Khơi dậy lòng yêu thích học Sử của học sinh, từng bước rèn luyện kỹ năng sống cho các em...”.

Với tác phẩm của mình, đặc biệt là sau cuộc thi, cô Thanh mong muốn sẽ có thêm nhiều giáo viên tham gia phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa trong và ngoài địa phương. Tích cực đổi mới nâng cao chất lượng môn học, đổi mới trong cách giảng dạy để tạo hứng thú, thu hút học sinh tham gia học tập…Làm được những việc như trên tôi tin rằng học sinh sẽ yêu thích môn Lịch sử, kết quả học tập môn Lịch sử sẽ đạt kết quả tốt hơn. Đó cũng là cách học tập, làm theo Bác một cách thiết thực và hiệu quả”, cô Thanh tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ