Năng lượng tái tạo - Tiềm năng còn bỏ ngỏ

GD&TĐ - Hiện nhiều nước trên thế giới đã đưa việc sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT) trở thành yêu cầu bắt buộc trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, thì Việt Nam đang hoàn toàn ngược lại, khi tiềm năng này rất lớn nhưng vẫn chưa được đầu tư tương xứng…

Do thiếu nền tảng thị trường cạnh tranh nên Việt Nam khó thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo
Do thiếu nền tảng thị trường cạnh tranh nên Việt Nam khó thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo

Doanh nghiệp vẫn thờ ơ

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi nhất trong khu vực để phát triển nguồn NLTT, từ sức gió, năng lượng mặt trời, rác thải... Cụ thể, với gần 3.400km bờ biển, tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam ước tính khoảng 500 - 1.000 kWh/m2 mỗi năm. Bên cạnh đó là nguồn năng lượng mặt trời với lượng bức xạ nắng trung bình 5 kWh/m2/ngày trên khắp cả nước. Tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ cũng dao động ở mức hơn 4.000MW mỗi năm.

Tổng tiềm năng lượng sinh khối của Việt Nam khoảng 73 triệu tấn/năm, trong đó sinh khối từ nông - lâm - ngư nghiệp là 60 triệu tấn/năm và từ rác thải khoảng 13 triệu tấn/năm. Nếu tận dụng các nguồn sinh khối này để phát điện thì công suất điện ước tính có thể lên tới 5.000MW.

Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng các doanh nghiệp (DN) còn khá e dè khi đầu tư vào lĩnh vực NLTT. Đến nay, cả nước có 77 dự án điện gió, quy mô công nghiệp được đăng ký ở 18 tỉnh, thành phố với tổng công suất trên 7.000MW. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 dự án được triển khai và có điện bán vào hệ thống điện quốc gia với 48,2MW.

Xung quanh việc đầu tư cho NLTT, đại diện Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, do chi phí đầu tư cho dự án NLTT tương đối cao, là thách thức để phát triển lĩnh vực này. Trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn thì giá bán điện thấp khiến các nhà đầu tư không mặn mà.

Đồng tình với quan điểm trên, các chuyên gia cho rằng, rào cản lớn nhất khiến các DN còn e dè khi đầu tư vào NLTT chính là cơ chế chính sách. Bởi hiện khung thể chế, pháp lý mới chỉ hình thành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì các chính sách về NLTT lại chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến việc thiếu đồng bộ trong điều chỉnh các hoạt động năng lượng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của nước ta.

Cần chính sách hỗ trợ

Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2015. Theo đó, điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT, kể cả thủy điện lớn, dự kiến tăng từ 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh vào năm 2020 và 186 tỷ kWh vào năm 2030 và 452 tỷ kWh vào năm 2050 đưa tỷ trọng điện sản xuất từ các nguồn NLTT tăng từ 35% năm 2015 lên 38% năm 2020.

Đây có thể coi là nền tảng cho sự phát triển NLTT tại Việt Nam. Chiến lược nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực từ xã hội, phát triển NLTT với giá hợp lý để tăng dần thị phần NLTT trong tổng sản lượng và tiêu dùng năng lượng quốc gia.

Để thu hút nhiều DN tham gia phát triển NLTT, các chuyên gia cho rằng, trước hết Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách hình thành thị trường NLTT, chính sách giá điện và bảo đảm đầu tư. Theo đó, cần khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thị trường, áp dụng biểu giá điện hỗ trợ (FIT), ưu tiên được đấu nối với hệ thống điện quốc gia, đảm bảo bán được toàn bộ điện năng sản xuất ra.

Đồng thời, cần hỗ trợ nhà đầu tư thu hồi chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý, được hưởng các ưu đãi về đất đai, hỗ trợ về tín dụng, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập DN. Để góp phần vào việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh, các đơn vị phát triển cần thực hiện yêu cầu: Đến năm 2020 tỷ lệ điện sản xuất từ các nguồn NLTT không thấp hơn 3% và năm 2030 không thấp hơn 10% và năm 2050 không thấp hơn 20%.

Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như bảo đảm đủ nguồn cung năng lượng trong thời gian tới, chúng ta cần quy hoạch và hoạch định chiến lược năng lượng; Trong đó hướng tới mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và tăng việc sử dụng NLTT để chúng trở thành nguồn cung cấp năng lượng chính trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.