Năng lượng bền vững cho ngôi làng hẻo lánh

GD&TĐ - Ẩn mình ở chân núi Himalaya phía Đông Bắc Ấn Độ, ngôi làng Hengbung đã quá quen với việc bị cắt điện kéo dài.

Dự án thủy điện tích năng ở làng Hengbung. Ảnh: Reuters
Dự án thủy điện tích năng ở làng Hengbung. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, địa hình của ngôi làng với núi cao và có nhiều suối chảy qua đã mở ra cơ hội bảo đảm nguồn điện đáng tin cậy cho cộng đồng ở đây.

Một hệ thống thủy điện tích năng được trang bị máy bơm chạy bằng năng lượng Mặt trời đã bắt đầu hoạt động tại Hengbung vào tháng 7/2022. Đây là dự án đầu tiên ở Ấn Độ tích hợp thủy điện với năng lượng Mặt trời.

Được xây dựng trên một dòng suối, hệ thống có 2 hồ chứa được kết nối với nhau và về cơ bản hoạt động như một cục pin nước khổng lồ, lưu trữ năng lượng tái tạo để có thể cung cấp điện khi mất điện lưới hoặc nhu cầu cao hơn.

Tổ chức Dịch vụ Môi trường và Phát triển Kinh tế (FEEDS) là một tổ chức phi chính phủ địa phương tham gia vào sáng kiến trên. Hiện, ít nhất 350 người ở Hengbung có hệ thống chiếu sáng ổn định trong nhà và đường phố.

Ấn Độ thúc đẩy PSP

Ấn Độ muốn tăng sản lượng điện tái tạo từ 120 lên 500 gigawatt (GW) vào năm 2030. Thủy điện đã được coi là một phần quan trọng trong nỗ lực này, vì nó có thể cung cấp năng lượng liên tục khi các nguồn năng lượng xanh khác, như Mặt trời và gió, bị hạn chế do thời tiết xấu.

Tuy nhiên, khi việc sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng phát triển, đặc biệt là từ năng lượng Mặt trời, thì việc lưu trữ năng lượng cũng cần thiết để bảo đảm lưới điện quốc gia luôn ổn định và tránh mất điện.

Các chuyên gia năng lượng nói rằng, các dự án thủy điện tích năng (PSP) có thể là một giải pháp quan trọng, và Bộ Năng lượng Ấn Độ gần đây đã công bố dự thảo hướng dẫn để thúc đẩy công nghệ này.

PSP ở Hengbung có 2 hồ chứa thông nhau với tổng sức chứa 1,9 triệu lít nước. Trong thời gian mất điện, thường do dây truyền tải bị đứt hoặc sự cố máy biến áp trong mưa bão, hồ chứa phía trên giải phóng lượng nước được lưu trữ để vận hành tuabin, cung cấp năng lượng xanh cho lưới điện.

Lượng nước được giải phóng sau đó sẽ tích tụ trong hồ chứa phía dưới, rồi lại được bơm ngược lên bằng năng lượng Mặt trời, để sẵn sàng cho việc tiếp tục phát điện. Trong các đợt gió mùa, khi có nhiều nước suối để chạy tuabin và bổ sung nước cho hồ chứa phía trên, năng lượng Mặt trời dư thừa sẽ được đưa vào lưới điện quốc gia.

Các chuyên gia năng lượng cho biết PSP có tuổi thọ cao hơn, kéo dài ít nhất 60 năm, so với pin lithium-ion hoặc pin axit chì. Hệ thống PSP có thể là một lựa chọn đáng tin cậy... đặc biệt là khi các nguồn tái tạo như Mặt trời hoặc gió không sẵn có để đáp ứng nhu cầu điện.

Các công trình thủy điện lớn được xây dựng trên khắp các khu vực và vùng Himalaya khác của Ấn Độ đã gây ra những cuộc phản đối lớn từ người dân do các tác động đến môi trường và xã hội.

Tuy nhiên, Giáo sư Arun Kumar về thủy điện và năng lượng tái tạo tại Viện Công nghệ Ấn Độ Roorkee (IITR) cho biết, các PSP cần ít không gian hơn so với các nhà máy thủy điện lớn và có xu hướng nằm cách xa các con sông, cộng đồng hoặc khu định cư.

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng các PSP phải đối mặt với những thách thức bao gồm duy trì mực nước cần thiết, giải phóng mặt bằng và thu hút đầu tư. Mặc dù vậy, chúng là giải pháp lưu trữ hiệu quả về chi phí trong thời gian dài.

Đèn đường trong dự án thủy điện tích năng ở làng Hengbung. Ảnh: Reuters

Đèn đường trong dự án thủy điện tích năng ở làng Hengbung. Ảnh: Reuters

Chuyển đổi năng lượng bền vững

Người sáng lập FEEDS là ông Haokholet Kipgen, cư dân Hengbung và là đại diện chính trị địa phương. Ông cho biết dự án đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong cuộc sống của dân làng bằng cách mang lại ánh sáng trong khi vẫn giữ cho môi trường sạch sẽ. Dự án này là một phần trong nỗ lực thúc đẩy năng lực năng lượng tái tạo của Ấn Độ, một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu toàn cầu.

Cho đến nay, dự án Hengbung đã thắp sáng những ngôi nhà của khoảng 350 - 400 người và 84 đèn đường trong làng. Giai đoạn tiếp theo, dự án nhằm mục đích cấp ánh sáng cho thêm 1.100 cư dân.

Theo người dân, nguồn cung cấp điện hiện ổn định hơn nhiều so với những năm trước khi thời tiết xấu và sạt lở đất dẫn đến cắt điện, đòi hỏi sửa chữa trong nhiều ngày.

FEEDS cho biết họ đã đào tạo thanh niên địa phương để bảo trì hệ thống và trả tiền cho dân làng để sửa chữa khi có vấn đề phát sinh. Anh Romi Rai, 32 tuổi, kiếm sống bằng nghề chăn nuôi gia cầm, cho biết: “Hệ thống này hiện nằm trong tay chúng tôi, chúng tôi có thể tự vận hành và bảo trì nó”.

Rai và vợ Jeena nói rằng, hệ thống này đã cải thiện cuộc sống gia đình họ bằng cách giúp Jeena có thêm thời gian để khâu vá và làm việc nhà. Cậu con trai 6 tuổi của họ có thể làm bài tập về nhà mà không phải lo lắng về việc thiếu ánh sáng.

Cặp đôi cho biết họ cũng tự hào rằng cộng đồng của họ đang là một tấm gương cho phần còn lại của đất nước. “Chúng tôi rất vui khi được trở thành một phần trong nỗ lực thúc đẩy năng lượng xanh của đất nước, từ ngôi làng xa xôi của chúng tôi” - anh Rai nói.

Theo Khaleejtimes

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.