Năng lực tự học là chìa khóa vạn năng mở mọi cánh cửa trong cuộc sống

GD&TĐ - Theo PGS.TS Cao Cự Giác, đã đến lúc thầy cô và học sinh phải coi năng lực tự học là chìa khóa vạn năng mở tung mọi cánh cửa trong cuộc sống. 

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế để phát huy phẩm chất, năng lực toàn diện học sinh. Ảnh: Hồ Lài
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế để phát huy phẩm chất, năng lực toàn diện học sinh. Ảnh: Hồ Lài

Dạy thêm trong nhà trường đã tồn tại từ lâu, đặc biệt trong các Trường Tiểu học, THCS và THPT ở Việt Nam. Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2 thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, phụ huynh, học sinh và đặc biệt là giáo viên. PGS.TS.NGƯT Cao Cự Giác có nhiều năm giảng dạy sư phạm tại Trường Đại học Vinh, Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên SGK Khoa học tự nhiên và SGK Hoá học của NXB Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi về vấn đề này.

Quy định kịp thời phá "tảng băng ngầm" vấn nạn dạy thêm học thêm

Theo PGS.TS Cao Cự Giác, Thông tư 29 là một quy định rất kịp thời của Bộ GD&ĐT để chấn chỉnh việc dạy và học thêm tràn lan ở các địa phương, gây bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dân vào công cuộc “đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”. Văn bản của Thủ tướng Chính phủ kèm theo Quy định của Bộ GD&ĐT làm gia tăng sức nóng để phá tan “tảng băng ngầm” về “vấn nạn dạy thêm” trong nhà trường mà lâu này chưa có chế tài nào đủ sức mạnh kiểm soát.

Thực tế không phải mọi hoạt động dạy thêm, học thêm là vấn nạn. Thông tư 29 chỉ cấm những hoạt động dạy học thêm dẫn đến tiêu cực, lãng phí, gây bức xúc trong xã hội. Ví dụ, dạy thêm cho học sinh tiểu học, dạy thêm cho chính học sinh đang học trên lớp của mình, dạy thêm không đăng ký, dạy thêm không đảm bảo các yếu tố cấu thành chất lượng giáo dục (giáo viên yếu về năng lực chuyên môn đặc biệt là phương pháp sư phạm, cắt xén chương trình để ép buộc học sinh học thêm, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập thiếu công bằng, dạy thêm chủ yếu thu tiền mà thiếu mục tiêu giáo dục, cơ sở vật chất không đảm bảo tối thiểu, …). Tất cả những hoạt động đó được xem là “vấn nạn dạy thêm” cần dẹp bỏ.

thay-cao-cu-giac-3.jpg
PGS.TS.NGƯT Cao Cự Giác – Giảng viên cao cấp Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh. Ảnh: Hồ Lài

Còn những hoạt động dạy thêm lành mạnh khác vẫn được phép thực hiện với điều kiện học sinh không học trực tiếp trên lớp thầy cô (do phụ huynh, học sinh tự nguyện đóng phí) và giáo viên đã đăng ký dạy thêm với cơ quan quản lí nhà nước được cấp phép. Ngược lại, nếu học sinh trong trường của giáo viên dạy trên lớp thì không được thu phí học thêm để đảm bảo thầy cô không cắt xén chương trình theo quy định, không tạo “quyền lực điểm số” cho học sinh và phụ huynh.

Một thực tế cho thấy đại đa số các lớp do giáo viên dạy thêm trong trường hay ở nhà chủ yếu là dạy học sinh đang học trực tiếp với thầy cô trên lớp. Điều này không chắc chắn đảm bảo cho mục tiêu đúng đắn của việc dạy thêm đạt được (bổ trợ, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng, phát triển phẩm chất và năng lực người học). Hệ luỵ là đã xẩy ra nhiều trường hợp, giáo viên ép học sinh trong lớp phải học thêm với thầy cô, nhà trường và giáo viên yêu cầu phụ huynh ký đơn “xin học tự nguyện”, … nếu không sẽ dùng “quyền lực điểm số” của thầy cô để gây áp lực cho học sinh và phụ huynh.

Đã xảy ra tình trạng không ít giáo viên ra đề kiểm tra lắt léo, thách đố, vượt quá chương trình, cóp nhặt trên mạng thiếu kiểm soát, xa rời thực tế, buộc học sinh “không học thêm” thì “không thể làm bài kiểm tra”. Trong khi những học sinh học thêm với thầy cô thì chỉ việc “viết lại bài hôm qua” là đạt điểm cao, thậm chí viết nhầm vẫn có điểm.

Điều này đẩy phụ huynh và học sinh vào thế “cực chẳng đã” khi phải cho con em đi học thêm và hệ luỵ là mất niềm tin vào giáo dục. Vì vậy, việc cấm hoàn toàn giáo viên dạy thêm (ở trường, ở nhà hay ở trung tâm) với chính học sinh đang học trên lớp của thầy cô là hoàn toàn đúng đắn, đảm bảo công bằng trong dạy học, giảm thiểu đáng kể những nguy cơ tiềm ẩn việc “lạm quyền” của nhà giáo ảnh hưởng đến những thầy cô dạy học chân chính.

Nếu học sinh trong trường mà tổ chức thu phí sẽ dẫn đến hàng loạt tiêu cực, trong đó không thể tránh khỏi ép buộc học sinh học thêm và sẽ trở thành “vấn nạn”.

Nếu học sinh khác ngoài trường học với thầy cô chủ yếu là do nhu cầu thật sự của phụ huynh và học sinh nên có thể thu phí trên tinh thần tự nguyện, nếu nhiều học sinh tìm đến thầy cô thì thầy cô thật sự trở thành "hữu xạ tự nhiên hương". Và nếu hoạt động dạy học đó đạt được các mục tiêu giáo dục mà học sinh và phụ huynh mong muốn thì “tiếng lành đồn xa” và thầy cô càng có nhiều học sinh theo học, đó là một xã hội học tập.

Chương trình mới không nhất thiết phải dạy học thêm

Theo PGS.TS Cao Cự Giác, Chương trình GDPT 2018 là cụ thể hoá mục tiêu của Nghị quyết 29 TW Đảng về “đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”. Trong đó với giáo dục phổ thông, mục tiêu chuyển dạy học tiếp cận nội dung (chú trọng đầu vào) sang dạy học phát triển phẩm chất và năng lực (chú trọng đầu ra) nhằm thích ứng với đào tạo con người phát triển toàn diện.

Vì vậy, chương trình thiết kế cho học sinh đạt được các phẩm chất và năng lực đặc thù mỗi môn học cũng như các kỹ năng tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Sách giáo khoa theo Chương trình 2018 đã được biên soạn theo hướng chủ động học tập, tăng cường làm việc nhóm, thúc đẩy giao tiếp và hợp tác trong các hoạt động dạy học. Cụ thể như thảo luận các câu hỏi và nhiệm vụ học tập, thực hành thí nghiệm, quan sát hiện tượng tự nhiên và trong đời sống, trải nghiệm thực tế, tham gia hoạt động STEM, … qua đó hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực cần thiết.

Tất cả những hoạt động giáo dục này đều được giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện trên lớp học cũng như chuẩn bị trước ở nhà, trong phòng thí nghiệm hay các không gian trải nghiệm thực tế khác chứ không phải ở các buổi học thêm kiến thức có thu phí. Như vậy, việc dạy thêm kiến thức là không cần thiết nếu học sinh không có nhu cầu, nhưng giáo viên phải đảm bảo tổ chức đầy đủ các hoạt động, không cắt xén chương trình nhằm đạt được mục tiêu bài học (các yêu cầu cần đạt theo chương trình quy định).

Chương trình 2018 cũng yêu cầu tăng cường năng lực tự chủ và tự học, SGK đã biên soạn theo hướng đó. Bằng cách cung cấp các hoạt động khởi động bài học, hình thành kiến thức mới, luyện tập và vận dụng một cách rõ ràng, chi tiết và dưới sự hướng dẫn của giáo viên về phương pháp tự học, học sinh hoàn toàn có thể quản lí thời gian và tự học tốt, sau đó báo cáo kết quả trên lớp. Nếu học thêm nhiều, học sinh sẽ không có thời gian tự học, không có thời gian chuẩn bị cho các hoạt động trên lớp cũng như tham gia các hoạt động trải nghiệm và dẫn đến không đạt được mục tiêu của chương trình.

Để thông tư đi vào cuộc sống hiệu quả

Một số ý cho rằng nếu không được học thêm với thầy cô trong trường là mất công bằng trong giáo dục, một thiệt thòi cho học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, PGS.TS Cao Cự Giác cho rằng điều này không chính xác. Thứ nhất về “đảm bảo công bằng” trong giáo dục, như đã phân tích ở trên, nếu thầy cô dạy thêm cho học sinh của mình thì sẽ làm mất công bằng trong kiểm tra đánh giá giữa học sinh phải học thêm và không muốn học thêm.

Thứ hai, học sinh có nhiều lựa chọn học với những thầy cô giỏi khác trong vùng thậm chí trên cả nước (học online) để học thêm nếu có nhu cầu. Còn các thầy cô là những giáo viên giỏi đích thực thì cũng sẽ có nhiều học sinh nơi khác tìm đến học. Khi học thêm, nếu không hiệu quả, các em có quyền nghỉ học và tìm đến giáo viên khác mà không lo lắng ảnh hưởng đến việc học trên lớp. Như vậy, không thể nói việc cấm này là mất công bằng trong giáo dục, học sinh và phụ huynh thiệt thòi.

Tuy nhiên, để Thông tư đi vào cuộc sống, giáo viên tập trung dạy học trên lớp hiệu quả, chế độ chính sách cho nhà giáo cũng cần phải đảm bảo. Một số ý kiến cho rằng, giáo viên phải thực hiện giờ lao động 8 tiếng/ngày như những ngành nghề khác cho công bằng. Đó là cách hiểu chưa đúng vì để thực hiện một tiết dạy trên lớp (45 phút), giáo viên phải chuẩn bị hàng loạt hoạt động. Bao gồm soạn kế hoạch dạy học, chuẩn bị bài lên lớp, nghiên cứu SGK và tài liệu tham khảo, dự giờ đồng nghiệp, thiết kế hoạt động dạy học, dạy thử để bộ môn góp ý, chuẩn bị đồ dùng dạy học, chuẩn bị hoá chất, dụng cụ thí nghiệm, soạn kế hoạch trải nghiệm, … và các hoạt động giáo dục khác.

Hy vọng sắp tới với sự đầu tư mạnh mẽ, luật nhà giáo ra đời nhằm mang lại những ưu đãi cho giáo viên để họ yên tâm công tác, tránh phải lén lút dạy thêm bất hợp pháp. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lí giáo dục cần cấu trúc lại hệ thống trường lớp, xác định đúng vị trí việc làm, thanh lọc những giáo viên yếu năng lực giảng dạy, không trau dồi và bồi dưỡng chuyên môn, sa sút phẩm chất đạo đức nhà giáo. Đồng thời dành vị trí thu hút sinh viên sư phạm giỏi đang có nhu cầu cống hiến cho giáo dục nước nhà. Nếu làm được như vậy, thì Thông tư 29 sẽ đi vào cuộc sống, nền giáo dục sẽ được chấn hưng và khai phóng.

Trong thời đại bùng nổ thông tin và khoa học công nghệ phát triển cực kỳ nhanh chóng như ngày nay thì năng lực tự học lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của người học trong lúc quỹ thời gian học tập ngày càng eo hẹp do ảnh hưởng cuộc sống hiện đại. Do đó quá trình dạy học cần phải hướng đến dạy cách tự học. Biết cách tự học là đồng nghĩa với mọi thứ đều biết. Người học chủ động, có năng lực tự học sẽ là chìa khoá vạn năng mở tung mọi cánh cửa trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ