Năng lực hiệu trưởng quyết định tới xây dựng môi trường và văn hoá học tập

GD&TĐ - Hiệu trưởng nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cho các trường học. Năng lực lãnh đạo của hiệu trưởng sẽ là yếu tố quyết định đến việc xây dựng một môi trường và văn hóa học tập, đồng thời cũng thúc đẩy mạnh mẽ đến hoạt động học tập của học sinh và hoạt động dạy học của giáo viên.

Một lớp học ở Malaysia. Ảnh minh họa/internet
Một lớp học ở Malaysia. Ảnh minh họa/internet

ThS. Vũ Thị Hồng (Viện nghiên cứu sư phạm) nghiên cứu các năng lực lãnh đạo, hệ thống tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo của hiệu trưởng nhà trường ở Malaysia, qua đó so sánh với các tiêu chí đánh giá năng lực của hiệu trưởng nhà trường của Việt Nam để từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm.

Nghiên cứu này được chia sẻ trong Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm" do Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức.

Đánh giá khắt khe về năng lực lãnh đạo của người hiệu trưởng

Theo ThS. Vũ Thị Hồng, ở Malaysia, nơi hệ thống giáo dục đang được cải cách và phát triển không ngừng, người hiệu trưởng nhà trường phải gánh trên mình những trọng trách và nhiệm vụ lớn.

Người hiệu trưởng được kỳ vọng trở thành những người có tầm nhìn về giáo dục, có thể "nhìn xa trông rộng", là người lãnh đạo chương trình và hoạt động giảng dạy, là các chuyên gia về đánh giá giáo dục, là những người chấp hành kỉ luật, là người xây dựng cộng đồng giáo dục, là những chuyên gia giao tiếp và quan hệ công chúng, là những nhà phân tích tài chính và quản lý cơ sở vật chất, là những quản trị viên của các chương trình đặc biệt, cũng như là người thực thi các nhiệm vụ, chính sách, pháp luật và sáng kiến khác nhau. Kèm theo đó là những đánh giá khắt khe về năng lực lãnh đạo của người hiệu trưởng

Học viện Lãnh đạo và Quản lý giáo dục Quốc gia Aminuddin Baki thuộc Bộ Giáo dục Malaysia đã nghiên cứu và xác định, để có thể dẫn dắt và đảm bảo cho các nhà trường hoạt động xuất sắc, người hiệu trưởng phải có 26 năng lực. Các năng lực này được khu trú thành 6 lĩnh vực, cụ thể là: Chính sách và chỉ đạo; phát triển hoạt động dạy học; đổi mới và quản lý sự thay đổi; các nguồn lực và hoạt động; con người và các mối quan hệ; hiệu quả cá nhân.

Trong mỗi một nhóm lĩnh vực lại được mô tả bằng các năng lực. Đó là những gì mà một hiệu trưởng cần phải biết (kiến thức), cần phải cam kết (trách nhiệm và các giá trị chuyên môn nghề nghiệp) và cần phải thực hiện (các hành động hoặc các hoạt động) để đạt được các mục tiêu cốt lõi của việc lãnh đạo nhà trường.

So sánh với tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo của hiệu trưởng nhà trường ở Việt Nam

Ở Việt Nam, tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo của hiệu trưởng các trường phổ thông và phổ thông có nhiều cấp học được quy định ban hành kèm theo thông tư số 29/2009/TT-BGDĐT ngày 22/10/2009 của Bộ GD&ĐT bao gồm có 3 tiêu chuẩn và 23 tiêu chí. Mỗi tiêu chuẩn lại có những tiêu chí đánh giá riêng. Bộ GD&ĐT cũng đã công bố dự thảo chuẩn hiệu trưởng để thay thế quy định cũ.

Theo nghiên cứu của ThS. Vũ Thị Hồng, so sánh các tiêu chí đánh giá năng lực của hiệu trưởng Việt Nam hiện hành với tiêu chí đánh giá năng lực của hiệu trưởng Malaysia do Bộ Giáo dục Malaysia ban hành có thể thấy:

Về mặt hình thức: Malaysia gồm 26 tiêu chí được khu trú trong 6 lĩnh vực hay có thể gọi là 6 tiêu chuẩn, còn Việt Nam gồm 23 tiêu chí được khu trú trong 3 tiêu chuẩn.

Về mặt nội dung: Malaysia và Việt Nam đều có những tiêu chí đánh giá năng lực của hiệu trưởng rất rõ ràng và được phân chia thành những lĩnh vực chuyên môn rất cụ thể kèm theo đó là những yêu cầu và chỉ báo để đánh giá.

Khác nhau: Malaysia không có tiêu chí đánh giá về phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp mà nội dung các tiêu chí thiên nhiều về năng lực quản lý, lãnh đạo và năng lực chuyên môn. Trong đó có những tiêu chí về năng lực mà người hiệu trưởng ngày nay rất cần phải có như: năng lực tư duy chiến lược; năng lực chủ động giải quyết khó khăn; năng lực chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp và với học sinh; năng lực quản lý sự thay đổi; năng lực sáng tạo và đổi mới; năng lực cải tiến liên tục chấ"t lượng nhà trường, năng lực phát triển năng lực nghề nghiệp, năng lực tự quản lý.

Để đáp ứng được xu thế thời đại cũng như bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo, ThS. Vũ Thị Hồng cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực và quốc tế để có thể hội nhập và vươn ra thế giới. Một trong những quốc gia trong khu vực có sự vươn lên mạnh mẽ về giáo dục đáng để Việt Nam học hỏi đó là Malaysia.

Qua việc nghiên cứu các tiêu chí đánh giá năng lực của hiệu trưởng nhà trường ở Malaysia và so sánh với tiêu chí đánh giá năng lực của hiệu trưởng nhà trường ở Việt Nam, có thể thấy, Việt Nam cần bổ sung thêm các tiêu chí để đánh giá các năng lực sau của hiệu trưởng các nhà trường ở Việt Nam: Năng lực tư duy chiến lược; Năng lực chủ động giải quyết khó khăn; Năng lực chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp và với học sinh; Năng lực quản lý sự thay đổi; Năng lực sáng tạo và đổi mới; Năng lực cải tiến liên tục chất lượng nhà trường; Năng lực phát triển năng lực nghề nghiệp cá nhân; Năng lực tự quản lý.

“Có thể thấy, người hiệu trưởng là người phải gánh trên vai sứ mạng lớn lao trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, do đó, họ phải luôn phải "nhìn xa trông rộng", phải có tư duy chiến lược trong việc hiện thực hóa tầm nhìn cũng như phải luôn chủ động trong việc giải quyết các khó khăn, thách thức hay các xung đột và mâu thuẫn nảy sinh.

Kèm theo đó, họ phải có năng lực sáng tạo và đổi mới, phải cải tiến liên tục chất lượng nhà trường để đáp ứng được sự đòi hỏi ngày càng cao của xã hội và của ngành giáo dục. Để thực hiện được các công việc trên, người hiệu trưởng phải biết quản lý sự thay đổi không ngừng phát triển nghề nghiệp cá nhân, và biết tự quản lý bản thân,...” - ThS. Vũ Thị Hồng nêu quan điểm.

"Chất lượng của hiệu trưởng là một yếu tố quyết định thành công của nhà trường. Một hiệu trưởng giỏi có thể làm biến đổi một trường học và ngược lại, người hiệu trưởng kém sẽ là vật cản của thành tích và sự tiến bộ trong nhà trường. Vì vậy, để chọn lựa những người hiệu trưởng tốt thì cần phải có những tiêu chí lựa chọn cũng như đánh giá rõ ràng.

Việc nghiên cứu tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo của hiệu trưởng ở Malaysia sẽ giúp chúng ta học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm trong đánh giá lựa chọn những người hiệu trưởng tốt cho Việt Nam" - ThS. Vũ Thị Hồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.