Ngay ngày “nhị hỉ”, mẹ chồng đã gọi vợ chồng chúng tôi ngồi lại và bảo:
- Vợ thằng Tâm à, cho mẹ xin lại sợi dây chuyền nhé! Hôm qua mẹ cho con bông, dây là để cho con nở mặt nở mày thôi, chứ mẹ bốn thằng con trai, cưới vợ chỉ cho một đôi bông thôi à.
Tôi chưa hết ngỡ ngàng thì chồng e dè:
- Mẹ ơi… đó là với các anh, còn con là trai út, mai này vợ con chăm sóc cha mẹ già, thờ phụng ông bà, cho vợ con hơn các chị cũng được mà mẹ?
- Ô hay! Thằng bé này mới cưới vợ một ngày mà bắt đầu cãi mẹ xoen xoét rồi sao?
- Con không có cãi. Con chỉ nói ý kiến con thôi.
- Ý kiến con hơn lời mẹ dạy à?
Tôi đã hiểu lầm mẹ chồng suốt thời gian dài. |
Thấy vụ việc sẽ to ra nên tôi dịu giọng:
- Dạ, mẹ bảo sao con nghe vậy ạ. Tình vợ chồng còn dài chứ đâu phải có sợi dây chuyền là lạt phai tình cảm ạ?
- Ờ, con bé Vân nó ngoan đó!
Mẹ chồng cười mãn nguyện.
Tôi trở vào phòng lấy sợ dây chuyền ra trả mẹ mà ấm ức trong lòng. Rồi tôi sẽ ăn nói với cha mẹ tôi thế nào về món trang sức cưới vừa trao tay hôm qua, hôm nay đã trả lại này?
Thấy tôi không vui, chồng cứ theo an ủi và chọc ghẹo cho tôi cười. Nhưng tôi vẫn không nuốt trôi cục tức này. Cha chồng mất từ lâu, mẹ một mình nuôi dạy bốn con trai. Gian nan vất vả biết bao nhiêu nên con của mẹ mới nên người. Dù công việc không cao sang nhưng các anh chồng tôi đều có việc làm ổn định, có một mái nhà riêng dù nhỏ nhưng ấm áp. Đó là sự kỳ công của mẹ. Nhưng sao có thể vì sự kỳ công đó mà đòi lại trang sức cưới đã cho chứ?
Vì việc đòi lại vàng cưới mà tình cảm của tôi dành cho mẹ đã có vết nứt. |
Trước cưới, chồng bảo là chúng tôi sẽ không bao giờ có chuyện ra riêng, vì mẹ chỉ còn một mình. Tôi biết thân dâu út cực đến mức nào. Một năm mấy cái giỗ, bao cái tiệc, mấy khi mẹ ốm đau… đều một tay dâu út lo liệu. Nhưng vì yêu anh, tôi chấp nhận tất cả, chỉ là vụ cho vàng cưới rồi… đòi lại thì thật ngoài sức tưởng tượng.
Một thời gian dài, tôi “né” về thăm cha mẹ ruột, vì sợ cha mẹ không thấy tôi đeo dây chuyền sẽ hỏi. Mãi sau này hơn cả năm, vợ chồng làm lụng sắm lại được sợ dây, tôi mới dám về nhà cha mẹ thường hơn.
Thế nhưng tình cảm giữa tôi và mẹ chồng đã có một vết nứt, dù khi tôi bầu bì, mẹ hết lòng chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ nhưng sự oán hờn trong lòng tôi về sợi dây chuyền cưới vẫn không nguôi. Tôi chỉ nói chuyện với mẹ chồng những câu cần thiết, những lúc cần thiết chứ không thể tâm sự cho tình mẹ con gần gũi được.
Mấy tháng cuối thai kỳ của tôi “có biến”, bao tiền bạc, vàng vòng vợ chồng dành dụm đều mang ra để dưỡng bầu. Ngay cả đôi bông tai ngày cưới cũng bán đi để lấy tiền cho những chuyến thăm khám hàng tuần.
Ngày tôi trở dạ, trong túi chồng không còn đồng nào, bạn bè toàn công nhân cả, có mượn nợ cũng chẳng được là bao. Vậy rồi mẹ chồng vào viện, lặng lẽ đóng hết các khoản viện phí, mua sắm thêm ít vật dụng sản phụ, mua cả lon sữa non dành cho bé khi mẹ chưa kịp có “sữa về”.
Mẹ vuốt tóc tôi mà những giọt lệ già nua rưng rưng. |
May mắn tôi mẹ tròn con vuông. Mẹ cầm tay tôi run run chúc mừng:
- Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình. Mừng con đã an toàn, đừng giận mẹ nữa nhé, cầm số tiền này lo mà ăn ngon ngủ kĩ cho cháu nội của mẹ đủ sữa bú nha!
- Dạ thôi ạ… nhiều quá, con không dám nhận…
- Của con chứ của ai mà không dám nhận? Mẹ biết con hiểu lầm mẹ suốt hai năm nay. Sợi dây chuyền ba chỉ vàng đó, mẹ “mượn” lại là vì sợ tụi con trẻ người non dạ nên xài hết. Bây giờ mẹ bán ra, lấy tiền cho con sinh nở, là của con chứ có phải của mẹ đâu?
Sản phụ không được khóc, nhưng không hiểu sao nước mắt ở đâu cứ tràn về trên mi tôi. Tôi nghiêng người định vòng tay qua ôm mẹ thay lời xin lỗi, nhưng vết mổ đau nhói nên phải nằm yên mà nghe hối hận dâng trào.
Mẹ chồng vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên mặt tôi, giọt lệ già nua của mẹ cũng vừa chực rưng rưng.