Nâng “chuẩn” để tạo động lực cho nhà giáo

GD&TĐ - Góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), một số giáo viên (GV) và cán bộ ở Quảng Ninh đã thể hiện mối quan tâm đến chính sách cử tuyển, hoạt động hướng nghiệp, phân luồng, chuẩn trình độ được đào tạo của nhà giáo.

Nâng chuẩn đội ngũ giáo viên là yêu cầu căn bản để nâng cao vị thế nghề nghiệp
Nâng chuẩn đội ngũ giáo viên là yêu cầu căn bản để nâng cao vị thế nghề nghiệp

Xóa bỏ tình trạng cử tuyển không đúng đối tượng

Nhận xét về chính sách cử tuyển, thầy giáo Hoàng Minh Ngọc – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Từ thực tế triển khai ở địa phương chúng tôi thấy chế độ cử tuyển được quy định trong Luật Giáo dục 2005, tuy đã đáp ứng phần nào việc tạo điều kiện cho con em người dân tộc được học lên cao hơn, nhưng thực tế chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Vẫn còn tình trạng cử tuyển không đúng đối tượng dẫn đến việc không được bố trí công việc, gây lãng phí kinh phí đào tạo. Trong khi đó ở những vùng dân tộc ít người, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, thì lại luôn thiếu cán bộ, đặc biệt là cán bộ dân tộc ít người”.

Dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) đưa ra quy định cụ thể đối tượng cử tuyển là HS dân tộc rất ít người được cử tuyển vào ĐH, CĐ, trung cấp và HS DTTS được cử tuyển vào học các trường PT DTTS và tăng thời gian học dự bị ĐH. Giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu của địa phương đề xuất chỉ tiêu cử tuyển, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề phù họp trên cơ sở quy hoạch đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của địa phương...

Còn trách nhiệm của cơ sở GD là hỗ trợ cho người đi học theo chế độ cử tuyển và bảo đảm chất lượng đầu ra. Người học theo chế độ cử tuyển được ưu tiên trong xét tuyển hoặc thi tuyển công chức, viên chức. Những điều này chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn tuyển, động viên người học và tạo nguồn cán bộ người dân tộc trực tiếp tại các địa phương.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Nên luật hóa hoạt động hướng nghiệp, phân luồng

Đồng tình với quy định về hướng nghiệp, phân luồng, ông Lê Minh Nghĩa - cán bộ Trung tâm Truyền thông và Văn hóa, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), cho rằng: Nếu hướng nghiệp và phân luồng tốt thì sẽ tạo được dòng chảy hợp lý về việc học nghề, hay CĐ, ĐH. Thực tế hiện nay, công tác hướng nghiệp, phân luồng tuy đã được nhiều trường phổ thông thực hiện tốt nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Việc phân luồng, hướng nghiệp các nhà trường thực hiện theo quy định của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 19/9/2013 và Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2015”. Những quy định này đã được thực hiện ổn định, việc cần là cần được luật hóa để có giá trị pháp lý cao trong việc triển khai thực hiện.

Thực tế cho thấy, nếu hoạt động phân luồn và hướng nghiệp hiệu quả, sẽ giúp HS có kiến thức về nghề nghiệp, có khả năng lựa chọn nghề nghiệp, từ đó sẽ góp phần phân luồng hiệu quả hơn. HS tốt nghiệp THCS, THPT sẽ tự nhận biết mình sẽ tiếp tục học ở cấp học cao hơn hay chuyển sang trung cấp, học nghề hoặc lao động phù hợp với năng lực và điều kiện cụ thể của cá nhần và nhu cầu xã hội. Điều này sẽ góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với nhu cầu phát triến của đất nước.

Thế nên, luật hóa các điều khoản này là cần thiết, đó là việc bổ sung các định nghĩa về “hướng nghiệp” và “phân luồng” để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng trong việc thực thi Luật. Thêm nữa, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về chương trình giáo dục phổ thông của Dự thảo cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hướng nghiệp và phân luồng được triển khai ở các cơ sở thuận lợi hơn.

Nâng chuẩn trình độ được đào tạo là cần thiết

Về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, cô giáo Nguyễn Thị Lý - giáo viên Trường THCS Thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ, từ thực tế là một giáo viên đứng lớp cô đưa ra phân tích: Luật Giáo dục 2005 có đưa ra quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo, nhưng các quy định này chưa phù hợp, nhất là trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới; cần có những thay đổi để đáp ứng thực tiễn theo yêu cầu mà Nghị quyết 29 đặt ra.

Cụ thể, theo cô Nguyễn Thị Lý, Luật Giáo dục hiện hành chỉ quy định chuẩn trình độ được đào tạo mà không quy định chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo, trong khi đó chuẩn trình độ được đào tạo chỉ là một yếu tố cấu thành chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo. Các quy định về chuẩn trình độ đào tạo và bậc lương đã không tạo động lực để giáo viên tự học, tự nâng cao trình độ.

“Chính vì thế, dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đã khắc phục hạn chế này, đó là việc quy định nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên mầm non lên cao đẳng sư phạm: Đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm. Tôi cho rằng Luật đã rất gần với thực tế khi đánh giá giai đoạn từ nay đến năm 2026 với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ đại học sư phạm thì phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành tương ứng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Việc đặt ra lộ trình hoàn thành nâng chuẩn đến năm 2026 và có giải pháp hữu hiệu để đảm bảo tính khả thi của việc nâng chuẩn giáo viên”, cô Nguyễn Thị Lý nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...