Nâng chất nguồn nhân lực y tế

GD&TĐ - Từng là vùng đất thiếu nhân lực ngành y tế, đến nay, ĐBSCL đã có bước “tạo đà” tập trung ưu tiên phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Chất lượng đào tạo nhân lực ngành y tế được nâng cao góp phần nâng cao sức khỏe của người dân. Ảnh: Thúy Liễu
Chất lượng đào tạo nhân lực ngành y tế được nâng cao góp phần nâng cao sức khỏe của người dân. Ảnh: Thúy Liễu

Nhân lực y tế “chuyển mình”

Ông Hoàng Quốc Cường - Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, đội ngũ nhân lực y tế của thành phố ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng, làm chủ được chuyên môn. Số bác sĩ trên 10.000 dân năm 2023 đạt 18 bác sĩ - tăng hơn 4,5 lần so với năm 2002 (là 3,97 bác sĩ/10.000 dân), cao hơn 1,5 lần so với bình quân chung cả nước (trung bình cả nước tỷ lệ bác sĩ là 12,5 người/10.000 dân, năm 2023).

Số dược sĩ trên vạn dân năm 2023 là 6,2 tăng gần 10 lần so với năm 2002 (0,48). Tuy nhiên, do áp lực về số lượng bệnh nhân, địa phương vẫn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, một số nhân viên y tế gửi đi đào tạo đã xin nghỉ việc hoặc ra làm việc trong khối tư nhân…

Để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, UBND TP Cần Thơ vừa ký kết phối hợp với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tiếp tục triển khai đào tạo nguồn nhân lực ĐH, sau ĐH dựa trên vị trí việc làm, định hướng phát triển của ngành theo quy hoạch tích hợp của thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, hai bên phối hợp đào tạo khối ngành chăm sóc sức khỏe, bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các chuyên ngành y tế, đào tạo bác sĩ theo nguyên lý y học gia đình; hợp tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khám chữa bệnh, lĩnh vực dự phòng, lĩnh vực dược...

Với việc hợp tác này, “Sở Y tế Cần Thơ rất mong Trường ĐH Y Dược Cần Thơ hỗ trợ và tăng thêm nguồn lực phát triển ngành y tế TP, nhất là các lĩnh vực về đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, cũng như hợp tác nghiên cứu khoa học; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và y tế dự phòng”, ông Cường cho biết.

Ngành y tế An Giang cũng đã ký kết hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Theo TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, hiện tỉnh An Giang đạt 9,6 bác sĩ/10.000 dân, với nguồn nhân lực đã và đang đào tạo dự kiến đến năm 2025 đạt 11 bác sĩ/10.000 dân. Tỉnh An Giang đang thu hút khoảng 148 bác sĩ về công tác tại các trung tâm y tế tuyến huyện và trạm y tế tuyến xã.

Tương tự, tỉnh Vĩnh Long đã có những hợp tác chặt chẽ trong việc phát triển nguồn nhân lực y tế. UBND tỉnh Vĩnh Long và Trường ĐH Y Dược Cần Thơ thực hiện chương trình hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực y tế ở các bậc ĐH, sau ĐH, liên thông và đào tạo liên tục, giúp lực lượng y, bác sĩ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, nguồn nhân lực y tế trên địa bàn hiện có gần 4.560 nhân sự (trong đó hệ công lập là gần 3.700 người). Chỉ tính riêng giai đoạn 2020 - 2023, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã đào tạo cho tỉnh gần 460 sinh viên bậc ĐH. Hiện có 239 sinh viên và 178 học viên theo học sau ĐH tại trường. Riêng năm 2023 đã có trên 100 học viên đào tạo CK1, CK2 đã tốt nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế của tỉnh Vĩnh Long, đạt 10 bác sĩ/10.000 dân.

Trong số sinh viên đang được đào tạo tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ có nhiều người được đào tạo “theo địa chỉ sử dụng” của các địa phương. Ảnh: Thùy Trang

Trong số sinh viên đang được đào tạo tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ có nhiều người được đào tạo “theo địa chỉ sử dụng” của các địa phương. Ảnh: Thùy Trang

Địa phương, nhà trường cùng hợp tác

Trường ĐH Y Dược Cần Thơ là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế hàng đầu khu vực ĐBSCL. GS.TS Nguyễn Trung Kiên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tính đến nay, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã đào tạo trên 32.000 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp ra trường, góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho ngành y tế khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, tăng tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ trên vạn dân. Trường còn mở các lớp đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn, đào tạo chuyên khoa sâu, ứng dụng các phương pháp và kỹ thuật mới, hiện đại cho khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

Theo GS.TS Nguyễn Trung Kiên, hiện trường có quy mô đào tạo gần 15.000 sinh viên, học viên; đào tạo 10 mã ngành trình độ ĐH và 90 mã ngành, chuyên ngành sau ĐH. Gần 90% giảng viên nhà trường có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có gần 120 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.

Trường ĐH Y Dược Cần Thơ triển khai thành công mô hình “Tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng” cho các tỉnh trong khu vực. Đây là giải pháp hiệu quả góp phần giải quyết nhu cầu về nhân lực cho cơ sở y tế tuyến dưới. Đồng thời, trường mở rộng hợp tác đào tạo cho học viên nước ngoài theo mô hình giảng dạy bằng tiếng Anh.

Năm học 2022 - 2023, nhà trường tiếp nhận và khai giảng khóa đào tạo riêng cho gần 100 sinh viên Ấn Độ học ngành Y khoa. Thời gian tới, trường tiếp tục đa dạng hóa các loại hình, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp đánh giá kết quả học tập; đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội về số lượng, chất lượng và cơ cấu.

Mới đây, tại lễ ký kết hợp tác giữa địa phương và nhà trường, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ bày tỏ rằng, việc hợp tác với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên phát huy tiềm năng, lợi thế để xây dựng ngành y tế thành phố ngày càng hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống.

“Việc ký kết ghi nhớ cũng là cơ sở tiền đề để xúc tiến và xây dựng những thỏa thuận cụ thể tiếp theo trong thời gian tới, sẽ mở ra cơ hội chia sẻ nguồn lực, trao đổi chuyên môn và tạo điều kiện cho sinh viên giảng viên, nhà nghiên cứu tham gia vào các dự án y tế có ý nghĩa trên địa bàn”, ông Nguyễn Thực Hiện nhấn mạnh.

Qua khảo sát của các địa phương, giai đoạn từ 2008 - 2018, tỷ lệ cán bộ y tế có trình độ sau ĐH của vùng ĐBSCL tăng đáng kể. Trong đó, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ góp phần đào tạo trên 80% cho các tỉnh, thành trong vùng. Số lượng đào tạo nhân lực y tế được đào tạo sau ĐH các trình độ bác sĩ CKI là 4.326; bác sĩ CKII 944 người; thạc sĩ 415 người; dược sĩ CKI 584 người; dược sĩ CKII 26 người… Trong đó có 84,1% bác sĩ sau ĐH và 97,6% dược sĩ sau ĐH được Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đào tạo phục vụ cho vùng ĐBSCL.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.