Gỡ khó đào tạo nhân lực y tế tại Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Nguồn nhân lực y tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang là vấn đề “nóng”. Đến nay, tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ/vạn dân nhiều nơi còn thấp. Đặc biệt, nhân lực chuyên ngành hiếm lại càng hiếm…

Nhân lực y khoa phục vụ Chuyên ngành hiếm (Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu bệnh) cho các địa phương ĐBSCL đang thiếu trầm trọng.
Nhân lực y khoa phục vụ Chuyên ngành hiếm (Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu bệnh) cho các địa phương ĐBSCL đang thiếu trầm trọng.

Ngành hiếm, hiếm bác sĩ

Số liệu thống kê tại Hội nghị đào tạo nhân lực y tế ĐBSCL mở rộng do Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức cho thấy công tác đào tạo nhân lực y tế giai đoạn 2008 - 2020 của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đạt hiệu quả đáng kể, góp phần nâng tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ/vạn dân. Năm 2008, cả vùng có 4,81 bác sĩ/vạn dân và 0,21 dược sĩ/vạn dân. Đến năm 2020 đạt 9,52 bác sĩ/vạn dân và 2,16 dược sĩ/vạn dân. Trong đó, Cần Thơ có tỷ lệ cao nhất 15,85 bác sĩ và 4,09 dược sĩ/vạn dân.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu bác sĩ, dược sĩ còn diễn ra ở nhiều địa phương. Tỉnh Sóc Trăng hiện có tỷ lệ bác sĩ/vạn dân là 7; Long An 8; Bạc Liêu 10… So với nhu cầu, tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ vẫn còn thiếu. Theo BS.CK2 Trần Thành Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân thấp, nên rất cần nguồn nhân lực đào tạo “đặt hàng” phục vụ cho tỉnh.

Chia sẻ thực tế tại tỉnh Bạc Liêu, BS Nguyễn Minh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu cho biết: Thời gian qua, nếu không có chính sách đào tạo theo địa chỉ sử dụng, tỉnh không thể có nguồn bác sĩ đáp ứng yêu cầu chăm sóc, khám điều trị bệnh cho người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ 10 bác sĩ/vạn dân của tỉnh hiện nay vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Bởi sắp tới, tỉnh chuẩn bị có thêm 2 bệnh viện đi vào hoạt động.

Đặc biệt, nhân lực y khoa phục vụ chuyên ngành hiếm (Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu bệnh) cho các địa phương ĐBSCL rất thiếu. Nhiều tỉnh có trung bình 1 - 5 bác sĩ. Phần lớn các tỉnh không đủ nhân lực bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh để phục vụ chuyên ngành Ung bướu của bệnh viện tuyến tỉnh.

Nhu cầu đào tạo 5 chuyên ngành hiếm của 13 tỉnh trong vùng ĐBSCL trung bình khoảng 250 bác sĩ/1 năm. Trong đó, ngành có nhu cầu cao là Lao, ngành có nhu cầu thấp hơn là Giải phẫu bệnh và Pháp y. Lý do ít người chọn theo chuyên ngành hiếm vì chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, môi trường làm việc khắc nghiệt, nguy cơ lây nhiễm cao...

Theo PGS.TS Trần Viết An, Trưởng Phòng Đào tạo đại học (Trường ĐH Y Dược Cần Thơ), năm 2021, trường vẫn duy trì hình thức tuyển sinh đại trà và theo địa chỉ sử dụng - hay còn gọi là đào tạo “đặt hàng”, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực y tế, đặc biệt lĩnh vực y khoa phục vụ chuyên ngành hiếm. Tuy nhiên, điểm khác biệt năm nay là để xét vào y khoa cho chuyên ngành hiếm, thí sinh phải có nguyện vọng vào ngành này. UBND tỉnh phải có hợp đồng cử đi đào tạo, đồng thời thí sinh phải đủ điều kiện trúng tuyển theo quy định. Thí sinh đã trúng tuyển bất cứ ngành nào của trường sẽ không được xét tuyển diện đào tạo theo hình thức đặt hàng.

Có được cán bộ y tế trình độ cao làm việc tại địa phương đã khó, giữ chân cán bộ phục vụ lâu dài lại càng khó hơn.
Có được cán bộ y tế trình độ cao làm việc tại địa phương đã khó, giữ chân cán bộ phục vụ lâu dài lại càng khó hơn.   

Tăng cường đào tạo“đặt hàng”

Để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực y tế, giải pháp được các địa phương cùng Trường ĐH Y Dươc Cần Thơ triển khai là duy trì tuyển sinh, đào tạo đại trà và theo địa chỉ sử dụng - đào tạo “đặt hàng”. Theo PGS.TS Trần Viết An, thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2021 - 2030 của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, dự kiến đến năm 2025, tỷ lệ bác sĩ và dược sĩ/vạn dân của vùng là 11,75 bác sĩ và 2,24 dược sĩ. Năm 2021, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 1.920 sinh viên. Trong đó, 320 chỉ tiêu của hệ liên thông chính quy. Trường vẫn duy trì theo 2 hình thức tuyển là đại trà và nhu cầu xã hội (đặt hàng).

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế tại địa phương, BS Bùi Minh Thắng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết tỉnh mong muốn Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tiếp tục thực hiện và tăng số lượng đào tạo theo địa chỉ sử dụng để có đủ lực lượng cán bộ y tế phục vụ. Về nhu cầu, nhà trường có thể đến các địa phương để nắm rõ nhu cầu nhân lực y tế.

Công tác khảo sát này cần sự tham gia của UBND tỉnh, huyện để biết nhân lực địa phương đang cần, phối hợp đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội... Theo BS.CK2 Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, bên cạnh công tác tham mưu UBND tỉnh để đưa sinh viên đi học, ngành Y tế kiến nghị Trường ĐH Y Dược Cần Thơ xem xét về đối tượng đào tạo Chuyên khoa 2 quản lý y tế, đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo y tế. Bên cạnh đó mở thêm các ngành lâm sàng, phục vụ người dân…

Theo lãnh đạo ngành Y tế các địa phương, khó khăn hiện nay là tìm nguồn tuyển đủ tiêu chuẩn để đưa đi học. Có được cán bộ y tế trình độ cao làm việc tại địa phương đã khó, giữ chân cán bộ phục vụ lâu dài càng khó hơn nên rất cần hỗ trợ chính sách cho người học, thu hút nhân tài, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp để cán bộ y tế có điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Có như thế mới tránh được tình trạng “chảy máu chất xám” ngành Y tế, nhất là tình trạng bác sĩ bệnh viện công ra ngoài làm việc tại bệnh viện tư.

Theo Dược sĩ CKII Nguyễn Phước Tồn, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, trước năm 2018, ngân sách thành phố hỗ trợ cho người học trung bình khoảng 120 - 150 triệu/6 năm học. Từ năm 2018, người học đóng 50% và ngân sách chi 50%. Nhưng từ năm 2019, ngân sách không hỗ trợ người học. Thực tế có sinh viên được hỗ trợ, học xong và được phân công nhưng nghỉ việc, tỷ lệ sinh viên được phân công làm việc chỉ chiếm khoảng 20%... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.