Nâng chất nguồn nhân lực xuất khẩu lao động

GD&TĐ - Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là động lực nâng cao năng suất, giá trị gia tăng nền kinh tế...

Sinh viên ngành Nông học của Trường Đại học Đồng Tháp trong giờ học trải nghiệm ươm trồng và chăm sóc nấm vân chi đỏ. Ảnh: NTCC
Sinh viên ngành Nông học của Trường Đại học Đồng Tháp trong giờ học trải nghiệm ươm trồng và chăm sóc nấm vân chi đỏ. Ảnh: NTCC

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao còn là chìa khóa để thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch chuyển lao động và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong tiến trình này, các trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò trung tâm.

Nguồn lao động tiềm năng

Theo báo cáo từ các doanh nghiệp, trong 3 tháng đầu năm 2025, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 37.027 người, đạt 28,4% kế hoạch năm. Trong đó, thị trường Nhật Bản tiếp nhận 18.931 lao động; Đài Loan (Trung Quốc) 11.076 lao động và Hàn Quốc là 4.141 lao động. Các thị trường lao động nước ngoài đánh giá lực lượng thanh niên Đồng bằng sông Cửu Long trong độ tuổi lao động rất dồi dào, có khát vọng vươn lên thông qua chương trình xuất khẩu lao động. Người lao động tại khu vực này được nhận xét thật thà, hòa đồng, thân thiện.

Năm 2025, tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu đưa ít nhất 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với kế hoạch mỗi xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều có lao động tham gia chương trình. UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương sẽ tập trung giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động năm nay, trong đó có ít nhất 2.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động; đồng thời triển khai chính sách cho vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo thêm việc làm.

Cùng đó, tỉnh Đồng Tháp tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt thị trường lao động quốc tế. Công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người lao động được chú trọng, nhất là ngoại ngữ, văn hóa, ý thức chấp hành pháp luật, nhằm tạo nguồn lao động chất lượng cao trước khi xuất cảnh.

Các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Tam Nông (Đồng Tháp) có số lượng lớn người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Chị Võ Thúy Ngân trú tại xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi học cao đẳng chuyên ngành du lịch, ra trường đi làm gần 2 năm thì thất nghiệp. Lúc đó, tỉnh Đồng Tháp có chương trình đưa lao động đi làm việc ở Nhật Bản, tôi liền đăng ký tham gia”.

Cùng xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Nguyễn Thị Kim Ngân học cao đẳng chuyên ngành du lịch. Ra trường, tỉnh có chương trình đưa lao động đi làm việc ở Nhật Bản nên chị đăng ký đi. Chị Ngân sang Nhật làm việc cho một công ty chuyên sản xuất thùng giấy, bao bì, với mức lương khoảng 25 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền tăng ca.

Trong thời gian làm việc tại Nhật Bản, chị được công ty tạo điều kiện về chỗ ăn ở, sinh hoạt và học thêm văn hóa, tiếng Nhật Bản. Sau 3 năm hết hạn hợp đồng, chị trở về nước với khoản tích lũy khoảng 700 triệu đồng. Một năm sau, chị lập gia đình và dùng số vốn này mở cơ sở kinh doanh nước ngọt, bia, ga tại quê nhà, kết hợp trồng vài công rau, cuộc sống dần ổn định.

nang-chat-nguon-nhan-luc-xuat-khau-lao-dong-1.jpg
Trường Đại học Cửu Long làm việc với Hội nhịp cầu Việt - Đức (VDB) về tuyển dụng lao động, giáo dục đào tạo và chuyển giao công nghệ. Ảnh: MKU

Nâng chất lượng từ trường học

Hiện, Trường Đại học Đồng Tháp có 143 sinh viên theo học các ngành thuộc khối nông nghiệp - tài nguyên - môi trường, với quy mô tuyển sinh mỗi năm khoảng 105 sinh viên. Đáng chú ý, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt 95% và hơn 90% có việc làm trong vòng 6 tháng sau tốt nghiệp.

Đại diện Trường Đại học Đồng Tháp cho biết, nhà trường đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và thực hành, như 4 phòng thí nghiệm chuyên sâu, nhà lưới, nhà màng, khu trồng rau, nuôi thủy sản và trồng nấm công nghệ cao. Bên cạnh đó, mạng lưới hợp tác với các viện, trường, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã mở ra nhiều cơ hội thực tập, việc làm cho sinh viên, tạo nền tảng vững chắc cho nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng trong tương lai.

“Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao, Trường Đại học Đồng Tháp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào chương trình giảng dạy, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và các kỹ thuật canh tác thông minh. Đặc biệt, nhà trường đào tạo song song môn Tiếng Anh để giúp sinh viên có chuyên môn tốt, kỹ năng giao tiếp cơ bản khi làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài”, PGS.TS Hồ Văn Thống - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp nhấn mạnh.

Từ nhiều năm nay, Trường Đại học Cửu Long liên kết với nhiều tổ chức giáo dục quốc tế để đào tạo các ngành thế mạnh của trường, đặc biệt các ngành về nông nghiệp. Theo PGS.TS Lương Minh Cừ - Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long, hợp tác quốc tế mở ra cơ hội học tập chuẩn quốc tế, giúp sinh viên tiếp cận với các nguồn tài nguyên giảng dạy tiên tiến trên thế giới. Sinh viên còn có cơ hội thực tập, nghiên cứu tại nước ngoài với thiết bị hiện đại gắn thực tiễn lao động.

Vài năm trở lại đây, hợp tác quốc tế là chiến lược quan trọng hàng đầu của Trường Đại học Cửu Long. Hiện, trường đào tạo 32 ngành bậc đại học với 80 chuyên ngành thuộc 4 lĩnh vực: Khoa học sức khỏe, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật - công nghệ, kinh tế -tài chính. Quy mô đào tạo vào khoảng 28.000 sinh viên. Dự kiến thời gian tới, trường mở thêm một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe như răng - hàm - mặt, y học cổ truyền, kỹ thuật phục hồi chức năng. Về hợp tác quốc tế, nhà trường đã và đang thiết lập quan hệ với hơn 100 viện, trường đại học, hiệp hội, doanh nghiệp… đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhà trường có nhiều sinh viên tham gia chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản, đồng thời hợp tác cùng nhiều tổ chức, trường đại học quốc tế khác, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Chủ động nắm bắt xu hướng và đẩy mạnh đưa sinh viên đi thực tập, làm việc tại các thị trường lao động nước ngoài, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long chia sẻ kinh nghiệm triển khai: Nhà trường linh hoạt điều chỉnh chương trình đào tạo nhằm trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ cho sinh viên; đồng thời tăng cường liên kết với các doanh nghiệp và tổ chức đào tạo uy tín như Đại học Tongmyong (Hàn Quốc), Trường Cao đẳng Seneca (Canada), Công ty Esuhai… Nhà trường đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 40 đối tác có yếu tố nước ngoài, thuộc các quốc gia như Đức, Canada, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải sau 50 năm đất nước thống nhất. Ảnh: Đăng Đức

Chuyện kể bên dòng Hiền Lương

GD&TĐ - 50 năm sau ngày thống nhất, đất nước đã phát triển không ngừng, giàu mạnh và đang tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.