Linh động hình thức dạy
Để nâng cao chất lượng học Tiếng Anh cho học sinh, ngành Giáo dục TPHCM đã triển khai rất đa dạng các loại hình học môn Tiếng Anh ngay từ bậc tiểu học. Theo Chương trình GDPT 2018, đối với lớp 1, 2 Tiếng Anh là môn học tự chọn. Trong Tiếng Anh tự chọn, TPHCM cũng có nhiều loại hình như: Tiếng Anh tăng cường và Tiếng Anh tích hợp. Số tiết đối với lớp các khối lớp 1, 2 theo chương trình mới có 2 tiết tự chọn, tuy nhiên nếu trường học thực hiện dạy Tiếng Anh tăng cường có thể là 4, 6 hay 8 tiết. Các trường sẽ linh động hình thức tổ chức dạy học.
Đến nay, ở bậc tiểu học, TPHCM có trên 97% học sinh được học môn Tiếng Anh ở cả năm khối lớp. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận Tân Bình), năm học 2022 - 2023 có 6 lớp 1. Đối với môn Tiếng Anh khối 1, trường tổ chức 1 lớp Tiếng Anh tích hợp, 5 lớp còn lại sẽ học Tiếng Anh tự chọn nâng cao 4 tiết, 8 tiết tùy theo đăng ký của phụ huynh.
Cô Đặng Thị Mỹ Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền, chia sẻ: “Nhà trường phát triển môi trường ngôn ngữ thông qua việc tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận 2 tiết mỗi tuần với giáo viên bản ngữ, giúp các em mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. Đồng thời cũng giúp giáo viên dạy Tiếng Anh tăng cường trao đổi ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy.
Trong 2 tiết có giáo viên nước ngoài và Việt Nam cùng đồng giảng là một giải pháp hữu hiệu khi lớp học đông. Ngoài ra trong chương trình học ngôn ngữ, học sinh còn được tiếp cận 2 tiết Toán, Khoa học. Tiết học giúp mở rộng các thuật ngữ toán, tư duy toán thông qua Tiếng Anh và các kiến thức khoa học thực tiễn”.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, toàn TP có hơn 1.100 trung tâm ngoại ngữ. Sở luôn khuyến khích các trường phối hợp với đơn vị, trung tâm ngoại ngữ được cấp phép cung cấp giáo viên người nước ngoài, phối hợp giáo viên Tiếng Anh của trường đồng giảng dạy nhằm tăng cơ hội cho học sinh giao tiếp.
“Nhu cầu giáo viên bản ngữ của thành phố hiện rất lớn. Vì vậy, sở sẵn sàng hỗ trợ để có chính sách đưa đội ngũ này vào dạy ở trường phổ thông. Tuy nhiên, các đơn vị khi cung cấp phải đảm bảo giáo viên có bằng cấp phù hợp, giấy phép lao động. Ngoài ra, sở cũng khuyến khích một trường hợp tác với ít nhất hai công ty để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh”, ông Quốc cho hay.
Một tiết học Tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền. |
Nhiều chính sách khuyến khích
Nhiều năm nay, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn là một trong những địa phương được đánh giá cao trong việc dạy học, xây dựng lực lượng học sinh chất lượng cao, đào tạo mũi nhọn. Trong kỳ thi THPT, 4 năm liên tiếp trở lại đây, địa phương này luôn đứng trong tốp 3 tỉnh, thành có điểm bình quân môn Tiếng Anh cao nhất.
Ông Nguyễn Việt Trí, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Thường xuyên, Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ: Dạy học ngoại ngữ nói chung và Tiếng Anh nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, phong trào học tập ngoại ngữ tại địa phương rất tốt. 100% học sinh từ lớp 3 - 12 trong toàn tỉnh được học đủ và đúng chương trình Tiếng Anh theo quy định.
Việc triển khai làm quen Tiếng Anh đối với học sinh lớp 1 và lớp 2 bắt đầu từ năm học 2019 - 2020 trên tinh thần xã hội hóa và sự tự nguyện của phụ huynh. Đến nay có 4 địa phương triển khai chương trình cho học lớp 1, 2 làm quen với Tiếng Anh gồm: TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa, huyện Long Điền, Côn Đảo.
Đặc biệt, từ năm 2013, UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu có chính sách đặc biệt, khuyến tài năng cho học sinh trường phổ thông, trong đó có việc cấp học bổng cho các em đạt chứng chỉ IELTS, TOEFL... Học sinh nhận học bổng nhờ đạt kết quả tốt môn học này hằng năm ở địa phương rất lớn và tiếp tục tăng lên. Bên cạnh môn Tiếng Anh - Ngoại ngữ 1, những học sinh có chứng chỉ quốc tế các môn tiếng Pháp, Nhật, Đức, Trung cũng được khen thưởng, khuyến khích. Cụ thể, với môn Tiếng Anh, học sinh có IELTS ở mức từ 5.0, 6.0, 7.0 trở lên sẽ được thưởng từ 5 - 8 triệu đồng…
Nếu như trước đây, học sinh lên lớp 3 bậc tiểu học mới bắt đầu tiếp xúc với Tiếng Anh thì hiện tại, các bậc phụ huynh đã có nhận thức cho con em làm quen với một ngôn ngữ mới ngoài tiếng mẹ đẻ từ sớm. Với những gia đình điều kiện kinh tế khá giả, việc cho trẻ tham gia các khóa học tại trung tâm Anh ngữ, nhất là vào dịp nghỉ hè không còn là chuyện xa lạ. “Nếu nói về kết quả tốt ở môn Ngoại ngữ đó là bài toán mang tính chất xã hội hóa rất lớn, bởi trong đó không phải chỉ là thành tích của các nhà trường, mà còn có vai trò, công sức của phụ huynh, các trung tâm Tiếng Anh…”, ông Trí cho hay.
Mặc dù, con trai năm nay mới vào lớp 1 nhưng vợ chồng anh Lê Sỹ Phương (TP Thủ Đức, TPHCM) đã cho con đi học Tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn. Anh Phương chia sẻ: “Với mong muốn cho con được tiếp xúc với môn Tiếng Anh sớm nên vợ chồng tôi cho con làm quen trước khi bước vào tiểu học. Tuy học phí khá cao nhưng sau một thời gian cho theo học, tôi thấy con hoạt bát, năng động hơn rất nhiều. Ngoài việc học ở trung tâm, tôi thường xuyên cho cháu nghe nhạc, xem chương trình Tiếng Anh trên truyền hình để làm quen với các phát âm, tăng khả năng nghe, nói”.
Khi phụ huynh lựa chọn cho con môi trường để học tập môn Tiếng Anh ở các trung tâm, trường quốc tế… ngoài việc quan tâm chương trình học, phải xác định được giáo viên dạy có chuyên môn, bằng cấp, phát âm chuẩn không. Bởi, không ít phụ huynh chỉ cần thấy trung tâm này, trường quốc tế kia có nhiều người nước ngoài liền nghĩ sẽ tốt nên đóng tiền cho con học, mà chưa biết Tiếng Anh chưa hẳn là ngôn ngữ chính của họ. - Bà Tô Thị Diễm Quyên (Chuyên gia Giáo dục sáng tạo, CEO Innedu STEAM)