82% giáo viên biết tiếng dân tộc thiểu số (DTTS)
Những năm qua, công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng giáo dục luôn được ngành Giáo dục huyện Đăk Tô (Kon Tum) đặc biệt quan tâm. Thực hiện Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính và Nghị quyết 02-NQ/TU tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS, Phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp
Theo đó, đơn vị tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, đơn vị trường học tham mưu tích cực cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện. Qua đó, nhiều địa phương xây dựng mô hình hiệu quả, như: Mô hình “Tiếng kẻng học tập”, “Tiếp bước đến trường”, thí điểm mô hình “Bán trú dân nuôi”...
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức như: đăng tải trên các phương tiện thông tin của huyện, Website, nhóm zalo của ngành GD&ĐT, thông qua hội nghị… Nhờ vậy, nội dung của Nghị quyết được phổ biến rộng rãi, tác động tích cực đến nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và cộng đồng DTTS.
Phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô luôn coi việc huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) cho các trường học, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) đáp ứng yêu cầu dạy học. Đến nay 93,6% GV mầm non, phổ thông có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên và 19,7% trên chuẩn đào tạo, 82,6% GV đã qua bồi dưỡng và biết tiếng DTTS tại chỗ.
Đổi mới phương pháp dạy học
Phong trào "Đôi bạn cùng tiến" tại trường Tiểu học xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô). |
Để học sinh DTTS dễ tiếp thu kiến thức, ngành Giáo dục huyện chỉ đạo các trường đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phù hợp. Theo đó, bậc mầm non thực hiện có hiệu quả đổi mới chương trình giáo dục phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, hài hòa giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tập nói tiếng Việt cho học sinh DTTS ở lớp mẫu giáo 5 tuổi.
Còn bậc tiểu học, thực hiện tốt điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng, tránh quá tải đối với học sinh DTTS. Đồng thời, linh hoạt, đổi mới phương pháp dạy học đảm bảo phù hợp với sự phát triển tư duy, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Cấp THCS thì đẩy mạnh việc dạy theo phương pháp thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Cùng với đó, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh DTTS. Công tác dạy phụ đạo học sinh yếu kém, hỏng kiến thức căn bản... cũng được chú trọng.
Cùng với những giải pháp về công tác dạy và học, các cấp, ngành, chính quyền địa phương đã quan tâm, huy động nhiều nguồn lực để xây dựng nâng cấp CSVC, trang thiết dạy học. Từ năm 2021 đến nay, kinh phí đầu tư xây dựng mới CSVC hơn 32 tỷ đồng. Nhờ vậy, tỉ lệ duy trì sĩ số học sinh được đảm bảo, chất lượng và ý thức học tập của các em đã được nâng lên.
Năm học 2022-2023, chất lượng giáo dục học sinh DTTS đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, huy động trẻ em DTTS dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt tỉ lệ 10,7%, trẻ em DTTS 3-5 tuổi đi học mẫu giáo đạt tỉ lệ 98,3%. Trong đó tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi DTTS đạt tỉ lệ 100%, có 100% trẻ DTTS 3-5 tuổi được tăng cường tiếng Việt vào lớp 1. Học sinh DTTS cấp tiểu học hoàn thành chương trình lớp học đạt tỉ lệ 97,7%.
Bên cạnh đó, các em DTTS từ lớp 3 trở lên học ngoại ngữ đạt tỉ lệ 100% và Tin học là 65,13%. Đồng thời, học sinh DTTS cấp THCS có hạnh kiểm tốt, khá đạt tỉ lệ 96,7%. Cùng với đó, các em DTTS có học lực khá, giỏi đạt tỉ lệ 32,85% và học sinh DTTS tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề có tỉ lệ 25%.
Bên cạnh kết quả đạt được, giáo dục vùng DTTS vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: Công tác lãnh - chỉ đạo đối với việc huy động học sinh ra lớp, duy trì tỉ lệ chuyên cần, tỉ lệ huy động học sinh DTTS dưới 3 tuổi bậc mầm non đến nhà trẻ. CSVC phục vụ dạy học còn thiếu và việc thiếu, thừa cục bộ GV mầm non, tiểu học, dạy các môn đặc thù, như: Tin học, Nghệ thuật, Tiếng Anh vẫn chưa được khắc phục.
Trong năm học 2023-2024, ngành Giáo dục huyện tiếp tục chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội và GD&ĐT. Thực hiện có hiệu quả việc ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng dạy học. Ngoài ra, đầu tư CSVC và nâng cao năng lực cho đội ngũ để tiếp cận, thực hiện có hiệu quả việc đổi mới Chương trình GDPT 2018, các giải pháp khắc phục thiếu GV.