Nâng chất lượng dạy học chương trình mới trong điều kiện dịch bệnh

GD&TĐ - Trong năm học 2021-2022, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 cho học sinh lớp 1, 2, 6 phải thực hiện song hành với công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cô giáo Lương Thị Ngọc hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm đo nhiệt độ.
Cô giáo Lương Thị Ngọc hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm đo nhiệt độ.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, các nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học, sáng tạo vượt khó và sẵn sàng tâm thế chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến khi cần thiết.

Linh hoạt giảng dạy

Tiết học Khoa học Tự nhiên (gồm liên môn Vật lý, Hoá học và Sinh học) của học sinh lớp 6 Trường THCS Đồng Bục, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, diễn ra với nhiều hoạt động trải nghiệm, hoạt động nhóm. Học sinh được tham gia làm thí nghiệm, tự tìm câu trả lời cho những kết quả thu được.

Ví dụ, trong tiết học Đo nhiệt độ, cô giáo Lương Thị Ngọc, giáo viên môn Khoa học Tự nhiên, đã hướng dẫn học sinh lớp 6A sử dụng nhiệt kế đo nhiệt độ cơ thể, nhiệt kế rượu. Chia thành 4 nhóm, học sinh thực hành đo thân nhiệt cho bạn bè, đo nhiệt độ lớp học.

Em Nguyễn Thị Hoa, học sinh nhà trường, cho biết: Qua bài học Đo nhiệt độ, em biết cách đo thân nhiệt cơ thể, biết khi nào cần mặc thêm áo ấm. Cô giáo hay cho chúng em làm những thực hành rất vui và dễ hiểu.

Theo cô giáo Lương Thị Ngọc, khi dạy CT GDPT 2018 cho học sinh lớp 6, giáo viên được chủ động, linh hoạt và sáng tạo cách thức tổ chức bài giảng. Trước mỗi bài học, giáo viên không chỉ nghiên cứu sách giáo khoa, mà còn lựa chọn các ngữ liệu gần gũi với học sinh để giờ học thêm sinh động, học sinh thêm cơ hội thực hành.

Sau khoảng 10 tuần thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022, cô Ngọc đánh giá học sinh chủ động, tích cực hơn trong học tập, đặc biệt trong các hoạt động thực hành, làm thí nghiệm. Học sinh cũng hứng thú hơn với nội dung bài học.

Tiết học môn Khoa học Tự nhiên của học sinh lớp 6A Trường THCS Đồng Bục, tỉnh Lạng Sơn.
Tiết học môn Khoa học Tự nhiên của học sinh lớp 6A Trường THCS Đồng Bục, tỉnh Lạng Sơn.

Cô Nông Thị Ngoại, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Bục, cho biết, đội ngũ giáo viên dạy lớp 6 của trường có trình độ đào tạo chuẩn, chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm lâu năm. Các thầy cô đều được tập huấn đầy đủ nội dung chương trình sách giáo khoa, kĩ thuật, phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường có đủ giáo viên bộ môn lên lớp, không có giáo viên dạy trái môn, trừ môn Công nghệ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp hiện nay, nhà trường đã cho học sinh lớp 6 và học sinh toàn trường làm quen với dạy học trực tuyến qua việc tổ chức 1-3 buổi/tuần để hỗ trợ dạy học trực tiếp.

Theo cô Ngoại, tổ Khoa học Tự nhiên đã dạy hơn 102 tiết học trực tuyến. Mỗi giáo viên được yêu cầu xây dựng ít nhất 2 bài giảng điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong bài dạy. Giáo viên cũng tích cực tham gia chương trình tập huấn dạy trực tuyến do Phòng, Sở tổ chức.

Cô Lê Thị Kim Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình cho biết: Từ đầu năm học, thông qua các cuộc họp của thị trấn, nhà trường đã lồng ghép tuyên truyền đến phụ huynh cách tiếp cận CT GDPT 2018. Vào năm học, giáo viên bộ môn chia thành các nhóm, dự giờ đồng nghiệp để trao đổi phương pháp giảng dạy.

“Ở môn Khoa học Tự nhiên, các thầy cô dạy theo đúng trình tự trong sách giáo khoa để học sinh tiếp cận bài học dễ dàng. Sách giáo khoa theo CT GDPT mới đã giúp giáo viên linh hoạt trong giảng dạy, chủ động trong bồi dưỡng kiến thức. Các em học sinh tự tin hơn, tự chủ hơn trong tiếp cận chương trình học”, cô Huệ cho hay.

Sáng tạo vượt khó

Là địa phương tổ chức học trực tuyến cho học sinh phổ thông, trừ học sinh lớp 1, từ đầu năm học 2021-2022, thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên linh hoạt nhiều giải pháp để học sinh “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học”.

Thầy Nguyễn Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Tài, huyện Văn Lâm, cho biết: Trong quá trình dạy online, giáo viên lồng ghép các trò chơi, video thí nghiệm khoa học, video lịch sử, địa lý… tránh tình trạng học thụ động.

Trong năm học 2020-2021, các thầy cô đã triển khai dạy học và bồi dưỡng CT GDPT mới theo hình thức trực tuyến nên việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy bộ môn tích hợp không gặp nhiều khó khăn.

Giáo viên linh hoạt giảng dạy theo CT GDPT mới. Ảnh minh hoạ.
Giáo viên linh hoạt giảng dạy theo CT GDPT mới. Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, thầy Thanh bộc bạch, ở địa phương, nhiều phụ huynh làm ăn xa, ít quan tâm, thậm chí giao khoán con cái cho nhà trường. Nhưng khi dịch Covid-19 khiến học sinh không thể đến trường, giáo viên bị hạn chế phương thức trao đổi với học sinh, đặc biệt với học sinh lớp 6 mới nhập học, nên không ít em thiếu động cơ học tập, chưa chủ động, tự giác học tập.

“Một số gia đình không có điều kiện vật chất như máy tính, đường truyền Internet, điện thoại thông minh nên học sinh gặp ít nhiều khó khăn khi học trực tuyến. Nhiều em phải sang học nhờ nhà bạn. Chúng tôi tiếp tục vận động các nguồn xã hội hoá, đăng ký hỗ trợ qua chương trình Sóng và máy tính cho em với mong muốn học sinh có đủ điều kiện để học tập trong giai đoạn khó khăn này”, thầy Thanh bày tỏ.

Còn cô Trần Thị Châm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Vân, huyện Ân Thi, chia sẻ: Học sinh lớp 2 đã qua một năm học theo CT GDPT 2018 nên ít nhiều đã mạnh dạn, tự tin và chủ động trong học tập.

Hầu hết các gia đình bố mẹ làm ăn xa, các em ở với ông bà. Nhưng ông bà đã già yếu, mắt kém nên khó dạy cháu cách cầm bút hoặc hướng dẫn cháu học trực tuyến. Do đó, nhà trường tổ chức dạy online cho học sinh lớp 2 linh hoạt vào thời gian phụ huynh có mặt tại nhà như buổi tối. Từ đó, gia đình có thể phối hợp với nhà trường dạy trẻ trực tuyến.

Trong khi đó, ông Đỗ Công Trung, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), chia sẻ việc triển khai CT GDPT 2018 trên địa bàn còn gặp một số khó khăn. Các thiết bị dạy học phục vụ giảng dạy cho lớp 2, lớp 6 chưa được cung cấp kịp thời, ảnh hưởng đến hiệu quả dạy học theo CT GDPT 2018. Một số giáo viên do tuổi cao, chưa đáp ứng kỹ năng, trình độ sử dụng CNTT trong dạy học theo CT GDPT mới.

“Khó khăn là vậy song các nhà trường quan tâm đầu tư trang thiết bị, làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục và tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương để khắc phục. Các thầy cô giáo cũng tích cực sáng tạo vượt khó, học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau trau dồi kỹ năng CNTT và phương pháp giảng dạy theo chương trình mới giúp phát triển năng lực học sinh”, ông Trung cho hay.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ