Vẫn còn những khó khăn, thách thức
Theo thầy Hoàng Văn Dương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, Lào Cai hiện đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức trong việc dạy - học Tiếng Anh như: Đội ngũ giáo viên còn thiếu và còn yếu; nhiều trường trung học chỉ có 1 giáo viên.
Năng lực của giáo viên ngoại ngữ theo chuẩn năng lực ngoại ngữ Việt Nam không đồng đều do được đào tạo từ nhiều nguồn với nhiều loại hình đào tạo khác nhau.
Nhiều giáo viên ngoại ngữ có thói quen dùng tiếng Việt trong giờ dạy với thời lượng lớn (khoảng trên 50% thời gian tiết học). Hiện tượng giáo viên hạ thấp yêu cầu, giảm nội dung với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số, vùng cao.
Còn tại Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Long), theo thầy Phó Hiệu trưởng Lê Quang Tuấn, chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh không đồng đều đặc biệt là khoảng cách giữa các trường thuộc KV1 so với các trường ở khu vực thành thị và KV2 NT là rất lớn.
Mặt khác, đội ngũ giáo viên ở khu vực này cũng bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới cũng như chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trong khi đó, học sinh vẫn còn thiếu động lực, hứng thú trong việc học tập và không có môi trường học tập phù hợp.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Phạm Thị Hương Thảo - Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lao Chải (Mù Cang Chải, Yên Bái), nhận xét:
Với đặc trưng là trường vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn: 100% học sinh là con em dân tộc Mông, khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn khó khăn, kiến thức xã hội còn rất hạn chế, các em lại chưa được làm quen với bộ môn Tiếng Anh ở cấp tiểu học, nên giáo viên gặp nhiều khó khăn trong quá trình truyền tải kiến thức.
Bên cạnh đó, trong các giờ học, học sinh bắt buộc phải học tập, nghiên cứu bằng thứ ngôn ngữ mới nên đã nảy sinh tâm lý e ngại, rụt rè, sợ mắc lỗi khi nói, sợ bị bạn bè chê, xấu hổ khi phải trình bày hay trả lời câu hỏi trước lớp.
Một trở ngại nữa là số học sinh trong lớp rất đông (44 - 46 HS/lớp) nên giáo viên cũng gặp khó khăn trong việc bao quát và hướng dẫn chi tiết cho học sinh, gần như học sinh không có cơ hội thực hành nhiều trên lớp.
“Ngoài ra, do học sinh không tự tin nên sẵn sàng giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ (tiếng Mông) ngay trong lớp, nhiều khi giáo viên phải nói lại bằng tiếng địa phương hay nhờ các học sinh khác dịch sang tiếng địa phương thì các em mới hiểu được hết ý.
Như vậy, phải thông qua 2 - 3 lần giao tiếp học sinh mới có thể hiểu được nội dung truyền đạt của giáo viên và ngược lại. Đây là hạn chế không thể khắc phục một sớm, một chiều ở trường tôi cũng như các trường có cùng đặc thù” - Cô Thảo chia sẻ.
Biến khó khăn thành lợi thế
Trước những khó khăn và thách thức nêu trên, nhiều địa phương đã có cách làm hay sáng tạo. Nhờ đó mà những khó khăn đã trở thành lợi thế.
Đơn cử như Lào Cai, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hoàng Văn Dương, với lợi thế là địa phương phát triển du lịch ở huyện Sa Pa, Bắc Hà.
Do đó, Sở chủ trương tiếp tục phát triển mô hình trường học - du lịch tại thành phố và hai huyện nêu trên nhằm tăng cường giao lưu tiếng Anh giữa học sinh Lào Cai với học sinh các vùng khác và người nước ngoài. “Đây là điều kiện tốt nhất để học sinh của tỉnh có môi trường phát triển kỹ năng nghe và nói” - Thầy Dương nhấn mạnh.
Còn theo cô Phạm Ngọc Phụng - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Diệu (Sóc Trăng), trong điều kiện còn nhiều khó khăn, một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng dạy - học Tiếng Anh là:
Nhà trường đã tổ chức tốt nội dung sinh hoạt chuyên môn và các hoạt động chuyên môn (hội thảo, thao giảng rút kinh nghiệm dạy học, hội giảng giáo viên giỏi) giữa các trường THPT trong tỉnh.
Quan tâm tổ chức các hình thức hoạt động ngoại khóa như: Câu lạc bộ ngoại ngữ, đố vui, kể chuyện bằng tiếng Anh, làm báo tường bằng tiếng Anh… Qua đó, vừa tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội giao tiếp vừa gây hứng thú học tiếng Anh cho học sinh.
Cải thiện môi trường dạy - học
Liên quan đến vấn đề này, TS Hà Văn Sinh - Giảng viên chính, Khoa Ngoại ngữ (Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu) thẳng thắn trao đổi: Thực tế có nhiều người vẫn có những quan điểm chưa đúng về khó khăn đối với vùng khó.
Chẳng hạn như: Học sinh dân tộc thiểu số và học sinh người Kinh vùng khó học tiếng Việt chưa tốt sao có thể học tiếng Anh; học sinh vùng khó không có động lực và nhu cầu học ngoại ngữ và đầu tư vào “phòng chức năng phục vụ giảng dạy môn Tiếng Anh” để cải thiện môi trường giao tiếp, động cơ học tập của học sinh...
“Không thể phủ nhận thực tế khó khăn mà việc dạy – học Tiếng Anh ở các vùng khó đang gặp phải. Tuy nhiên, trong phạm vi lớp học, một nhận thức đúng về yếu tố người học giáo viên tiếng Anh cũng có thể góp phần thúc đẩy hiệu quả dạy – học môn này tại các vùng khó.
Không để khó khăn càng lớn hơn khi bắt học sinh vùng khó phải dùng tiếng Việt như một ngoại ngữ làm trung gian cho việc học Tiếng Anh; phải hỗ trợ và kích thích động cơ học Tiếng Anh bằng sự đam mê, tận tâm và sinh động của giáo viên tiếng Anh” - TS Sinh trao đổi.
Còn theo thạc sỹ Nguyễn Hạnh Đào (Viện Ngoại ngữ - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), nhân tố quan trọng nhất để thực hiện việc dạy - học Tiếng Anh vùng khó khăn có kết quả là đội ngũ giáo viên tiếng Anh THCS.
Để hoàn thành công việc trong điều kiện hạn chế về nguồn lực, họ cần được trang bị nhiều yếu tố, chẳng hạn về năng lực ngôn ngữ: Bậc 3 thay vì bậc 4, nghĩa là thấp hơn 1 bậc so với các đồng nghiệp ở vùng thuận lợi hơn, tương đương trình độ B1 do điều kiện để nâng cao năng lực và cơ hội sử dụng ngôn ngữ, cũng như đối tượng người học của họ không giống như các khu vực thuận lợi khác.
“Họ cần được trang bị đầy đủ hệ thống kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ cơ bản như: Phát âm và phiên âm chuẩn các nguyên âm và phụ âm đơn lẻ, âm tiết và trọng âm, trọng âm của câu và ngữ điệu; nắm vững hệ thống chữ cái và cách đánh vần các chữ cái trong tiếng Anh và có thể ghép giữa cách viết và cách phát âm của từ vựng trong tiếng Anh; nắm chắc các loại cụm, câu cơ bản, cách cấu tạo đoạn văn và bài luận cơ bản trong tiếng Anh; có vốn từ vựng về các chủ điểm quen thuộc và liên quan của bậc 2 trong Khung 6 bậc Khung năng lực Ngoại ngữ Việt Nam” - Thạc sỹ Đào nhấn mạnh.