Nâng cao vai trò của Hiệu trưởng khi triển khai giáo dục STEM

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 'Đổi mới và tiềm năng: Hội thảo giáo dục STEM dành cho các nhà quản lý giáo dục' được tổ chức online với sự tham gia của nhiều chuyên gia.

Hội thảo online về giáo dục STEM do Mạng lưới Quản lí giáo dục không biên giới tổ chức tối 25/2 thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục.
Hội thảo online về giáo dục STEM do Mạng lưới Quản lí giáo dục không biên giới tổ chức tối 25/2 thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục.

Tại đây, TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng STEM (Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh) đã chia sẻ cho các đại biểu những thông tin liên quan đến giáo dục STEM trên thế giới cũng như các hình thức tổ chức giáo dục STEM mà Bộ GD&ĐT đã triển khai trong thời gian qua.

Trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những khó khăn về nhận thức, nhân sự, ý tưởng, thời gian, kinh phí… Tuy nhiên, để đạt được những kết quả bước đầu thì không thể bỏ qua vai trò của cấp trường, đơn vị hạt nhân của cả hệ thống cũng như vai trò quan trọng của Hiệu trưởng – người sẽ đồng hành với giáo dục STEM.

Một số mốc phát triển của giáo dục STEM tại Việt Nam.

Một số mốc phát triển của giáo dục STEM tại Việt Nam.

Trao đổi tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Thu Anh - Thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã chia sẻ một số kinh nghiệm về việc triển khai giáo dục STEM trong nhà trường. Đầu tiên là giúp cho giáo viên hết “mơ hồ” về giáo dục STEM, hiểu rõ ý nghĩa của việc dạy học STEM.

Từ đó xây dựng lộ trình triển khai và huy động các nguồn lực thúc đẩy giáo dục STEM trong nhà trường, đặc biệt là truyền động lực cho học sinh và giáo viên. Cô Thu Anh cũng nhấn mạnh, để tạo nên thành công của giáo dục STEM thì người Hiệu trưởng phải là người tâm huyết và yêu thích giáo dục STEM.

Thầy Phan Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã trao đổi kinh nghiệm triển khai giáo dục STEM tại chính ngôi trường của mình trong bối cảnh có nhiều thách thức cả về cơ sở vật chất lẫn tâm tư đội ngũ.

Hình ảnh về giáo dục STEM dành cho học sinh Tiểu học.

Hình ảnh về giáo dục STEM dành cho học sinh Tiểu học.

Theo thầy Vinh, người hiệu trưởng là nhân tố quyết định để tạo nên thành công của việc triển khai hoạt động STEM tại trường. Vì vậy, bản thân thầy đã thay đổi nhận thức và miệt mài trong hành trình đổi mới. Bắt đầu từ công tác bồi dưỡng đội ngũ, truyền động lực cho giáo viên và học sinh. Và rồi kết quả đạt được đã chứng minh cho thấy vai trò của người lãnh đạo thực sự rất quan trọng.

Cũng trong chương trình, các đại biểu đã được nghe chia sẻ, thảo luận đến từ rất nhiều thầy cô: PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Đánh giá giáo dục, Viện KHGD Việt Nam; cô Đoàn Thu Hà, Hiệu trưởng Trường PTLC Phenikaa School; thầy Phạm Việt Dũng - chủ nhiệm phòng Make Space trường PTLC Phenikaa School; thầy Đỗ Đức - thầy giáo đam mê STEM đến từ Hệ thống giáo dục Maya...

Giáo dục STEM đề cao phong cách học tập sáng tạo, đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh. Người học sẽ phải hiểu thực chất của các kiến thức được trang bị; phải biết cách mở rộng kiến thức; phải biết cách ứng dụng, chế biến lại cho phù hợp với tình huống có vấn đề mà người học đang phải giải quyết. Sự thẩm thấu kiến thức theo cách như vậy chính là một trong những định hướng mà giáo dục tiên tiến cần tiếp cận.

Tuy vậy, có thể thấy phương thức dạy học như trên là không hề dễ dàng ngay cả đối với thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Để triển khai thành công giáo dục STEM không thể thiếu tâm huyết của những người thầy, của những nhà quản lý giáo dục. Hội thảo lần này là một chương trình mang ý nghĩa thiết thực, góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong các nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ