Nâng cao sức khoẻ tinh thần cho học sinh cuối cấp: Tạo 'sức đề kháng'

GD&TĐ - Những năm gần đây, các trường học có nhiều giải pháp quan tâm đến vấn đề sức khoẻ tinh thần của học sinh.

Để các em tự quản lý một số giờ học như sinh hoạt lớp, học trải nghiệm và hướng nghiệp giúp tạo tính tự lập. Ảnh: ITN
Để các em tự quản lý một số giờ học như sinh hoạt lớp, học trải nghiệm và hướng nghiệp giúp tạo tính tự lập. Ảnh: ITN

Tuy nhiên, vào thời điểm trước các kỳ thi cuối cấp vẫn còn hiện tượng nhiều học sinh rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi.

Thực trạng đáng lo ngại

Khảo sát, được tiến hành với 5.996 trẻ, năm 2022 của một nhóm các tổ chức quốc tế về sức khoẻ tinh thần của trẻ vị thành niên 10 - 17 tuổi tại Việt Nam cho thấy: 21,7% trẻ được khảo sát có vấn đề sức khoẻ tinh thần, trong đó, 3,3% được xác định là có rối loạn tâm thần; 10,3% có triệu chứng chưa đủ như khảo sát đánh giá nhưng có dấu hiệu suy giảm chức năng học tập, quan hệ xã hội… Ngoài ra, một con số thống kê gây sửng sốt nữa là tỷ lệ tự tử ở nhóm 10 - 17 tuổi chiếm 2,3% tổng số ca tử vong. Những con số trên thực sự đáng báo động đối với toàn xã hội.

Mới đây, một đồng nghiệp dạy tại trường THCS gọi điện trao đổi với tôi. Cô muốn tìm sự giúp đỡ bởi từ đầu năm tới giờ khi nhận công tác chủ nhiệm lớp 9, có mấy em trong lớp cô phụ trách tìm cách kết thúc cuộc sống. Và thật đau lòng khi một trường hợp tự tử khi mà gia đình và nhà trường đã không kịp có giải pháp. Sự việc khiến giáo viên, ban giám hiệu, phụ huynh đều bàng hoàng và lo lắng.

Chính vì vậy, nhà trường muốn mời chuyên gia tâm lý về nói chuyện với trẻ. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó chỉ là giải pháp ngắn hạn. Gốc rễ là tất cả chúng ta gồm cả người lớn lẫn trẻ em cần được nâng cao nhận thức về vấn đề sức khoẻ tinh thần và cách thức phòng ngừa để không rơi vào các tình trạng “bệnh lý” rất khó chữa lành này.

Như vậy, có thể thấy hiện nay, tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh tại các trường học ở Việt Nam trở thành một vấn đề đáng lo ngại, với tỷ lệ trẻ em và vị thành niên gặp các vấn đề tâm lý ngày càng gia tăng.

tao-suc-de-khang-3.jpg
Học nhóm cùng bạn giúp học sinh thêm cảm hứng, say mê học tập. Ảnh: ITN

Xây dựng nội lực cho trẻ

Việc xây dựng nội lực là quá trình quan trọng giúp trẻ phát triển một nền tảng vững chắc về tâm lý, cảm xúc và tinh thần để đối diện với những thử thách trong học tập và cuộc sống. Trước hết, cha mẹ và thầy cô cần dạy cho trẻ ở lứa tuổi tiểu học, thậm chí là từ bậc mầm non cách quản lý cảm xúc. Bởi lẽ, việc quản lý tốt cảm xúc sẽ giúp trẻ sau này lớn lên hình thành được những phẩm chất tốt như điềm tĩnh, tự tin…

Trước hết, giáo viên, phụ huynh cần hiểu rõ rằng cảm xúc không “xấu”. Bởi vậy, cần giúp trẻ nhận biết điều này một cách tỏ tường. Dạy trẻ mọi cảm xúc đều là trạng thái tự nhiên: Vui - buồn, giận hờn - yêu thương, ghen tị hay lo lắng… đều là phản ứng tự nhiên của mỗi con người đối với môi trường sống.

Trẻ có thể trao đổi với bạn bè, người lớn về những cảm xúc tự nhiên của mình. Bởi nếu kìm nén thì lâu ngày, đặc biệt là những tâm lý tiêu cực sẽ bị nén lại như chiếc lò xo và đến một thời điểm nào đó nó sẽ bung ra, rất nguy hiểm. Do đó, giáo viên cần khuyến khích trẻ chia sẻ để được người lớn tư vấn nếu gặp phải rắc rối về tâm lý.

Một trong những lưu ý quan trọng khi dạy trẻ chia sẻ cảm xúc là cha mẹ hay thầy cô không nói “con đừng giận” hay “con không được khóc”. Bỡi lẽ, điều đó dễ khiến trẻ kìm nén hoặc xấu hổ với cảm xúc của mình. Thay vì nói “con đừng buồn!”, hãy nói: “Mẹ thấy con đang buồn, con muốn kể cho mẹ nghe không?”. Thay vì nói “em đừng giận”, thầy cô hãy nói: “Thầy thấy em đang buồn, em muốn chia sẻ với thầy không?”.

Một điểm nữa trong việc dạy trẻ cách quản lý cảm xúc là phải biết hướng dẫn cách “giải tỏa” cảm xúc ngay ở bậc mầm non. Thầy cô và cha mẹ cần cho trẻ nhiều lựa chọn an toàn để bày tỏ cảm xúc: Vẽ, viết, chơi, tâm sự, đi bộ, ôm gấu bông... Cần nhấn mạnh để các em biết rằng: Cảm xúc không thể “đè nén”, mà cần được “chuyển hóa”. Giáo viên và cha mẹ cần dạy trẻ kỹ thuật đơn giản: Hít vào 3 giây - giữ 3 giây - thở ra 3 giây. Điều này sẽ giúp trẻ bình tĩnh lại.

Người lớn cũng cần dạy việc quản lý cảm xúc với tình huống thực tế của trẻ. Cụ thể không nên giảng dạy chung chung, trừu tượng. Hãy dẫn dắt từ tình huống cụ thể, ví dụ như khi trẻ bị điểm thấp, bị bạn bắt nạt, bị từ chối… cần dạy theo hướng “nếu lần sau gặp lại, con có thể làm gì?”.

Cuối cùng, sẽ là không hiệu quả nếu người lớn dạy trẻ mà lại không làm gương. Trẻ học từ hành vi nhiều hơn lời nói. Nếu người lớn hay la hét, tức giận vô cớ thì trẻ cũng học điều đó. Hãy thể hiện cách người lớn quản lý cảm xúc tốt để nêu gương. Ví dụ: “Mẹ đang tức giận, mẹ cần vài phút để thở sâu rồi mình sẽ nói chuyện tiếp.” hay “Cô đang mất bình tĩnh một chút, hôm sau chúng ta trao đổi về vấn đề này tiếp em nhé!”….

tao-suc-de-khang-2.jpg
Học sinh lớp 12 thi khảo sát chất lượng năm học 2024 - 2025 tại Trường THPT Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Ảnh: Đinh Chiến

Dạy tính tự lập, tư duy tích cực

Dạy khả năng tự lập cho trẻ là “món quà” quý báu mà cha mẹ, thầy cô có thể trao tặng, giúp trẻ tự tin, kiên cường và biết chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình.

Trước hết, ở gia đình, cha mẹ cần bắt đầu giáo dục trẻ từ những việc nhỏ phù hợp với độ tuổi. Ở độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi, dạy trẻ tự mặc quần áo, dọn đồ chơi, đánh răng, chọn món ăn… Lớn lên khi học tiểu học thì dạy các em biết chuẩn bị cặp sách, gấp quần áo, làm việc nhà đơn giản. Trẻ lớn hơn thì phải biết quản lý thời gian học, tiền tiêu vặt, chuẩn bị bữa sáng nhẹ, tự đi học (nếu an toàn)…

Trong quá trình dạy con em tự làm được các việc trên, cha mẹ cần kiên trì và có thể vận dụng các câu hỏi như “Con muốn chọn quần áo nào hôm nay?”. Từ đó, sẽ khuyến khích trẻ đưa ra quyết định.

Ở trường, thầy cô, nhất là giáo viên chủ nhiệm cũng cần chủ động, kiên trì giáo dục các em tính tự lập. Đó là việc cung cấp kỹ năng tự học, tự chịu trách nhiệm. Ví dụ, thầy cô sử dụng phương pháp “lớp học đảo ngược” - cung cấp bài giảng cho các em tự học ở nhà, đến lớp có nhiều thời gian trao đổi sâu hơn về các vấn đề liên quan đến bài học.

Ngoài ra, thầy cô cũng cần cho các em tự quản lý một số giờ học như giờ sinh hoạt lớp, giờ học trải nghiệm và hướng nghiệp. Bên cạnh đó, tham gia các câu lạc bộ cũng là một cách để bồi dưỡng khả năng tự học cho học sinh.

Bên cạnh đó, thầy cô, cha mẹ cần tạo cơ hội cho trẻ được lựa chọn và chịu trách nhiệm. Người lớn đừng làm thay mọi việc, hãy đưa ra 2 - 3 lựa chọn đơn giản, để trẻ bắt đầu biết ra quyết định và chịu trách nhiệm. Chẳng hạn hãy đặt ra câu hỏi: “Con muốn làm bài tập toán trước hay tiếng Việt trước?”. Và, trẻ tự chọn, tự thực hiện. Đây cũng là cách dạy tính tự lập rất tốt cho trẻ.

Mặt khác, cha mẹ và đặc biệt là thầy cô cần chú trọng dạy tư duy tích cực cho trẻ. Không phải ngẫu nhiên mà người ta luôn đề cao giá trị của người thầy trong việc truyền cảm hứng học tập cho học trò. Trong giáo dục, có một nhận xét về vai trò của người thầy được nhiều người tâm đắc là “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”.

Người thầy không chỉ là truyền dạy tri thức mà còn phải là tấm gương truyền cảm hứng, khơi gợi đam mê học tập cho học trò. Dạy tư duy tích cực, lạc quan là khởi đầu từ vai trò lớn lao ấy.

Dạy tư duy tích cực cần bắt đầu từ những việc nhỏ, những việc bình thường như dạy học sinh nhận diện suy nghĩ tiêu cực. Học sinh nhiều khi không nhận ra rằng mình đang suy nghĩ theo hướng tiêu cực: “Em dốt quá”, “Mình không bao giờ làm được”… Thầy cô cần giúp các em gọi tên được “giọng nói tiêu cực” trong đầu để biết cách thay thế bằng suy nghĩ tích cực hơn.

Ví dụ: Thay vì nghĩ “Tớ luôn trượt môn Toán” thì hãy nghĩ “Tớ chưa giỏi môn Toán, nhưng tớ đang cố gắng mỗi ngày”. Tiếp đến, dạy các em thực hành lòng biết ơn bằng cách viết “Nhật ký biết ơn”. Mỗi ngày, học sinh viết ra 3 điều tích cực xảy ra trong ngày (dù rất nhỏ): “Hôm nay tớ được cô khen viết đẹp”, “Tớ giúp bạn nhặt bút rơi”... Việc này giúp trẻ chuyển sự chú ý khỏi điều tiêu cực, học cách trân trọng và vui với điều nhỏ bé, bình thường trong cuộc sống.

Đúng như Osho từng viết “Mọi người đều khao khát trở nên khác biệt. Nhưng họ quên rằng, sống bình thường với những gì mình có đã là điều khác biệt nhất thế giới”. Cả giáo viên và phụ huynh nên dùng lời khen, ghi nhận nỗ lực, thay vì chỉ đánh giá kết quả. “Cô thấy em đã rất cố gắng hoàn thành bài - điều đó đáng khen lắm!”. Thay vì: “Sao em làm sai câu này nữa vậy?”

Một đứa trẻ trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi… đều rất khó khăn để vượt qua. Khi đã rơi xuống hố thì đòi hỏi “nội lực” để vượt qua là chuyện quá khó cho trẻ. Trẻ gặp vấn đề, kéo theo cha mẹ cũng gặp vấn đề sức khoẻ tinh thần, nhất là những người mẹ. Bởi vậy, phòng ngừa mới là giải pháp hiệu quả chứ không phải chờ tới khi có vấn đề mới can thiệp.

Xây dựng tốt nội lực cho trẻ bằng các giải pháp để đồng hành, tạo nền tảng vững chắc: Từ năng lực giải quyết vấn đề, giao tiếp, hợp tác, tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác khi cần thiết, tự quản lý cảm xúc cá nhân, sàng lọc thông tin, rèn luyện sự kiên trì, phát triển năng lực tự phục hồi… sẽ là con đường đúng đắn để giải quyết được “gốc rễ” của căn bệnh trầm cảm của trẻ, nhất là những học sinh cuối cấp - vốn chịu nhiều áp lực học tập cũng như đang trong giai đoạn “chuyển giao” tâm lý lứa tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Anh được tăng lương thêm 4%.

Giáo viên Anh được tăng lương

GD&TĐ - Bộ Giáo dục Anh mới đây thông báo sẽ tăng 4% lương cho giáo viên phổ thông. Mức tăng được áp dụng từ năm 2025.