Sơ kết thực hiện Luật GD Đại học giai đoạn 2019-2023:

Nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học và hội nhập quốc tế

GD&TĐ - Ngày 17/12, tại ĐH Duy Tân, Bộ GD&ĐT tổ chức Tọa đàm đánh giá sơ kết thực hiện Luật GD Đại học giai đoạn 2019-2023.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì tọa đàm Đánh giá sơ kết thực hiện Luật GDĐH giai đoạn 2019-2023.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì tọa đàm Đánh giá sơ kết thực hiện Luật GDĐH giai đoạn 2019-2023.

Bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập

Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, trong hơn 5 năm thực hiện Luật Giáo dục đại học, dù số lượng trường đại học không thay đổi đáng kể nhưng quy mô, chất lượng đào tạo có sự gia tăng rõ rệt, đặc biệt là năng lực quản trị đại học, sự cạnh tranh, tự chủ của cơ sở giáo dục đại học đã được nâng cao.

thu-truong-bo-gddt-hoang-minh-son.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu đề dẫn.

Thế nhưng, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, quá trình thực hiện cũng có những bất cập nảy sinh. Có những bất cập sinh ra khi áp dụng Luật vào thực tiễn, có thể do nội dung còn mới, có thể do nhận thức, có thể do năng lực trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học còn bị chi phối bởi những quy định pháp luật khác như tài chính, tài sản, công tác tổ chức bộ máy… gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền tự chủ toàn diện.

"Luật Giáo dục Đại học 2018 đã tạo ra sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục, thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học tư thục. Sự bình đẳng này thể hiện trong các khía cạnh như: tiếp cận ngân sách; chính sách cho giảng viên; không phân biệt về cơ hội phát triển, địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn, tên gọi,…" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Trước những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật Giáo dục Đại học đã bộc lộ bất cập nhất định so với yêu cầu thực tiễn phát triển của đại học Việt Nam. Vì vậy, Thường trực Chính phủ thống nhất giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát và sơ kết 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và văn bản pháp luật liên quan, báo cáo Chính phủ năm 2024.

Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cao với dự thảo đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục Đại học giai đoạn 2019-2023. Trong phần thảo luận, các ý kiến của các đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đại học tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: Quy định về hệ thống cơ sở giáo dục đại học, Quy định về tổ chức cơ sở giáo dục đại học, Quy định về hoạt động đào tạo, Quy định về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, Quy định về tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường…

Gỡ vướng chính sách

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho biết: “Đối với những trường đại học địa phương có cơ quan chủ quản là UBND tỉnh thì mức độ tự chủ ít nhiều bị hạn chế, còn ràng buộc theo các quy định của địa phương. Ví dụ như muốn bổ nhiệm quản lý cấp trưởng phòng cũng buộc phải có đầy đủ các chứng chỉ, bằng cấp theo yêu cầu như các trưởng phòng cấp Sở khác”. Trong khi đó, đại diện Trường Đại học Hồng Đức cho biết, có nhiều trường đại học đã tự chủ được 60 – 70% kinh phí hoạt động rồi nhưng phần còn lại thu được do nguồn thu sự nghiệp lại không được chi theo ý mình. Muốn đầu tư gì cho nhà trường thì lại phải làm tờ trình đến các cơ quan liên quan, được phê duyệt thì mới triển khai được.

quang-canh.jpg
Quang cảnh tọa đàm Đánh giá sơ kết thực hiện Luật GDĐH giai đoạn 2019-2023.

Đại diện Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế và Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng nêu băn khoăn về văn bằng giáo dục đại học chưa xác định rõ trình độ tương đương ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù như kỹ sư, bác sỹ, giáo viên giáo dục thể chất… “Dù muốn dù không, các hình thức đào tạo bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2 vẫn khẳng định vị trí của họ trong lĩnh vực đào tạo ngành sức khỏe và rất có giá trị trong đào tạo đội ngũ nhân lực bậc cao của hệ thống y tế” - PGS.TS Hoàng Bùi Bảo, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế phân tích.

Ngoài ra, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế kiến nghị bổ sung trình độ cao đẳng vào hệ thống trình độ đào tạo đại học. Điều này phù hợp với mô hình phát triển giáo dục của các nước tiên tiến cũng như chủ trương sáp nhập hệ thống đào tạo nghề trong thời gian sắp tới.

PGS.TS Hoàng Bùi Bảo nhận xét, Hội đồng trường của các trường đại học công lập có một số chức năng, nhiệm vụ trùng lắp hoặc gần giống với chức năng nhiệm vụ của Đảng ủy. Nếu không rạch ròi quy định của Đảng ủy và của Hội đồng trường thì đâu đó sẽ có sự khó khăn trong hoạt động của Hội đồng trường.

so-ket-luat-gd-dai-hoc.jpg
Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất từ thực tế triển khai Luật Giáo dục đại học 2018.

TS Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo – Đảm bảo chất lượng Đại học Đà Nẵng cho biết: Hiện nay, trong quy định của Luật Giáo dục Đại học chỉ cho phép liên kết đào tạo trình độ đại học. Trước đây, Bộ GD&ĐT cho phép các trường đào tạo trình độ thạc sĩ cung cấp nguồn nhân lực cho một số vùng đặc biệt như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, các vùng kinh tế trọng điểm. Các quy định đó của Bộ GD&ĐT trong một thời gian dài đã giúp đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho các địa phương.

"Nhưng với quy định hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học chỉ được đào tạo trình độ đại học thôi. Với đào tạo sau đại học thì không được đào tạo liên kết. Vì vậy, người học muốn học nâng cao trình độ sau đại học tại địa phương sẽ không có chỗ học vì số ngành đào tạo của các đại học địa phương không đa dạng các ngành nghề để lựa chọn. Điều này buộc người học phải gián đoạn công việc để theo học – nghiên cứu ở các trường đại học ở các thành phố lớn nếu muốn nâng cao trình độ" - TS Trần Đình Khôi Quốc phân tích. Trong khi đó, quy định đào tạo thạc sĩ đã có 2 loại hình chính quy và vừa học vừa làm. Nên chăng cần có độ mở trong liên kết đào tạo sau đại học như trước đây.

Về đảm bảo chất lượng và kiểm định, hiện nay, trong Luật Giáo dục Đại học quy định tất cả các chương trình đào tạo phải được kiểm định và sau 2 năm có sinh viên tốt nghiệp hoặc hết hạn 2 năm mà không kiểm định thì không được tuyển sinh. Thực tế công tác kiểm định thời gian qua mất nhiều thời gian, công sức và cả tài chính của các trường đại học. Năng lực kiểm định của các trung tâm kiểm định trên cả nước cũng không thể nào đảm bảo tiến độ cho tất cả các trường đại học trên toàn quốc vì số lượng chương trình đào tạo cần kiểm định là quá nhiều.

Ngoài ra, TS Trần Đình Khôi Quốc kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan để gỡ khó cho các cơ sở giáo dục đại học trong đấu thầu kiểm định chất lượng giáo dục. Theo quy định, muốn tổ chức kiểm định thì phải đấu thầu. Nhưng với tổ chức kiểm định quốc tế thì hiện nay các trường đại học mong muốn được lựa chọn tổ chức kiểm định quốc tế phù hợp với chương trình đào tạo của đơn vị mình. Trong năm vừa qua, Đại học Đà Nẵng rất lúng túng khi lựa chọn kiểm định của các tổ chức quốc tế vì không thể tổ chức đấu thầu. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của đơn vị trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, quá trình đánh giá, sơ kết thực hiện Luật Giáo dục Đại học giai đoạn 2019-2023 có 2 mục tiêu: phân tích những khó khăn, thuận lợi, mặt được, những tồn tại hạn chế để từ đó đề xuất sửa Luật, xây dựng luật mới. Mặt khác, đây cũng là sự đóng góp trí tuệ, chia sẻ khó khăn từ các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Có những vấn đề chưa thể giải quyết ngay nhưng phải cùng nhau làm rõ những gì còn vướng mắc trong Luật, trong các văn bản hướng dẫn hay là ở khâu tổ chức thực hiện, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện… Những ý kiến này đều được Bộ ghi nhận, bổ sung vào báo cáo để trình Chính phủ vào năm 2024 này để có đề xuất Luật sửa đổi hoặc thay thế luật đảm bảo sự đồng bộ với các Luật khác như Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo, Luật Khoa học công nghệ... để có một hành lang pháp lý ngắn gọn, rõ ràng, triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt hiệu quả như mong muốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ