Trang bị những kỹ năng cần thiết
Sáng 10/10, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Hoài Đức phối hợp cùng BGH Trường THPT Hoài Đức C (Hà Nội) tổ chức chuyên đề "Tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ" tới toàn thể cán bộ, giáo viên và hơn 1.400 học sinh của trường.
Tại đây, Thiếu tá Đỗ Minh Dương đã giới thiệu tới các em học sinh một số điểm đáng chú ý trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 29/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Với lứa tuổi học sinh trung học, các em cần nhận thức rõ ràng về các loại vũ khí, vật liệu nổ cơ bản, khái niệm về các công cụ hỗ trợ; những tổ chức, cá nhân nào được phép sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ này theo quy định.
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định nhiều điểm mới. Trong đó, bổ sung khái niệm vũ khí quân dụng gồm:
Các loại súng bắn đạn ghém, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng; các loại vũ khí thể thao, súng săn, vũ khí thô sơ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành và dao có tính sát thương cao được sử dụng với mục đích để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật…
Là học sinh, chúng ta cần nhận thức dao có tính sát thương cao là phương tiện có tính chất lưỡng dụng. Nó sẽ bị coi là vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ; hoặc sẽ bị coi là vũ khí quân dụng nếu sử dụng vào mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật.
"Nếu chỉ sử dụng dao vào mục đích sinh hoạt, lao động thì không bị coi là vũ khí. Do đó, các em cần chấp hành nghiêm quy định này, không được mang theo các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là không mang các loại dao sắc nhọn đến trường để đảm bảo an toàn", Thiếu tá Đỗ Minh Dương nhấn mạnh.
Học sinh trở thành tuyên truyền viên pháp luật
Các hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm. Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm, tàng trữ, sử dụng trái phép phải tuyên truyền, vận động giao nộp các loại vũ khí này cho cơ quan Công an theo quy định.
Thiếu tá Đỗ Minh Dương đề nghị, các em học sinh có thể là những tuyên truyền viên pháp luật tới gia đình, người thân, thôn xóm nơi sinh sống để vận động họ tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Cô Nguyễn Thị Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức C cho biết, đây là hoạt động nằm trong kế hoạch giáo dục của nhà trường nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Từ những phân tích của chuyên gia, các em biết chủ động tuyên truyền tới người thân, bạn bè chấp hành pháp luật và tự giác giao nộp các vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nếu có.
Thiếu tá Sái Văn Thành - Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Hoài Đức cho hay, thời gian qua đơn vị đã tổ chức tuyên truyền về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho 29 trường THCS, THPT với hơn 28.000 học sinh, 1.300 cán bộ giáo viên trên địa bàn huyện. Điều này góp phần phòng ngừa các vi phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
"Ở độ tuổi này, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước; trong đó có Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Từ đó, giúp các em hiểu biết sâu hơn về những vật dụng nguy hiểm cần tránh xa để giữ an toàn cho bản thân, kiến tạo môi trường học đường lành mạnh", Thiếu tá Sái Văn Thành khẳng định.