Nâng cao nhận thức pháp luật qua phiên tòa giả định

GD&TĐ - Học sinh nâng cao nhận thức pháp luật khi dự phiên tòa giả định...

Học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên tại Phiên tòa giả định.
Học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên tại Phiên tòa giả định.

Được chứng kiến, trải nghiệm tình huống chân thực một “Phiên tòa giả định” xét xử vụ án ma túy đã giúp nhiều học sinh nâng cao nhận thức pháp luật và rút ra bài học cho bản thân.

Mềm hóa tuyên truyền

Một “Phiên tòa giả định” vừa diễn ra tại Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên (Điện Biên) với sự tham gia của gần 350 học sinh. Đây là sự kiện do nhà trường phối hợp cùng Đoàn Thanh niên, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an tại huyện tổ chức.

Thầy giáo Vũ Hải Quân, Bí thư Đoàn trường, cho biết: Phiên tòa tái hiện lại tình huống có thật, quy trình, diễn biến theo đúng trình tự thủ tục của Luật Tố tụng hình sự. Đặc biệt, ngoài lực lượng chức năng theo đúng vai trò, phiên tòa còn có sự tham gia của giáo viên, học sinh nhà trường trong vai hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan…

Trong đó, một học sinh nam “nhập vai” bị cáo Quàng Văn Xuân (SN 2002) là lái xe. Đối tượng Xuân bị xét xử về hành vi sử dụng và lôi kéo người khác cùng sử dụng ma túy. Hai học sinh khác trong vai người yêu và bạn thân của Xuân.

“Tình huống giả định được đưa ra là Xuân mua ma túy rồi viện lý do tổ chức sinh nhật, mời bạn bè đến quán karaoke dự. Tại đây, Xuân lấy ma túy (mang theo sẵn trong người) mời người yêu và bạn thân dùng thử. Nghe Xuân nói: “Dùng một lần không nghiện đâu”, cả 2 vì tò mò nên nhận lời. Khi cả 3 đang sử dụng ma túy thì bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ...”, thầy Quân cho hay.

Cũng theo thầy Quân, phiên tòa có những tình tiết hết sức sát thực đó là trong lời khai, đối tượng Xuân thừa nhận có ý định rủ người yêu và bạn thân sử dụng ma túy từ lâu. Lý do bởi muốn có bạn đồng hành, còn với người yêu sợ nếu bị phát hiện sẽ bị bỏ rơi nên chủ động cho nghiện.

“Tình tiết rất gần với thực tế và tâm lý học sinh. Ở tuổi này, các em thường tò mò, muốn khám phá, tìm hiểu cái mới… nhưng lại thiếu biểu biết, bản lĩnh, thậm chí sĩ diện cao, bốc đồng nên dễ bị dụ dỗ, lôi kéo làm việc xấu. Tuy nhiên, nếu cứ đưa các điều luật, sách vở, quy định ra tuyên truyền thì khó hình dung, ghi nhớ. Còn tại phiên tòa này, qua phần tố tụng, tranh luận và phân tích, làm rõ của kiểm sát viên, các em sẽ tự đúc rút được kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân…”, thầy Quân nhận định.

Giáo viên Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên trao đổi, nắm bắt tâm tư học sinh sau Phiên tòa giả định.

Giáo viên Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên trao đổi, nắm bắt tâm tư học sinh sau Phiên tòa giả định.

Tác động mạnh đến ý thức

Trực tiếp tham gia với vai trò là bị cáo, em Quàng Ngọc Hải, lớp 12A chia sẻ đã có trải nghiệm ấn tượng. Hải tâm sự, trước khi phiên tòa diễn ra em có chút hồi hộp vì chưa hình dung sẽ như thế nào. Tuy nhiên, khi đứng giữa một “phiên tòa”, xung quanh là thẩm phán, công an, kiểm sát viên… Hải thấy sợ và hoang mang.

“Tuy giả định nhưng các hình thức tố tụng tại phiên tòa này như một phiên tòa thật sự. Có tình huống cụ thể, lột tả chân thực hành vi, cách thức phạm tội. Đặc biệt, mức án nghiêm khắc của pháp luật không chỉ giúp em nắm chắc hơn các quy định về luật, mà đây như một lời cảnh tỉnh cho tất cả học sinh…”, Hải bộc bạch.

“Với các tình tiết của vụ việc, em rút ra được bài học là trong xã hội hiện nay có nhiều cạm bẫy bao quanh, nhất là với thanh, thiếu niên bởi chúng em còn trẻ chưa có đủ kinh nghiệm, hiểu biết và bản lĩnh. Vì vậy, tốt nhất, em sẽ không nghe bạn bè lôi kéo làm bất cứ việc gì xấu, trái pháp luật, đặc biệt là sử dụng ma túy…”, Hiền tâm sự.

Theo dõi phiên tòa giả định từ khi bắt đầu đến kết thúc, Mùa Thanh Hiền, lớp 10C chia sẻ: Em đã được tham gia nhiều buổi tuyên truyền pháp luật nhưng đây là lần đầu tiên thấy hứng thú vì được chứng kiến trực tiếp một phiên tòa với các tình huống cụ thể, chi tiết. Em không bỏ lỡ bất cứ tình huống, chi tiết nào trong phiên tòa.

Sử dụng hình thức tuyên truyền khéo léo, mềm mỏng, song theo đánh giá của thầy Hiệu trưởng Trần Đăng Khoa thì hiệu quả đạt được từ “Phiên tòa giả định” rất cao, tác động mạnh vào ý thức của học sinh. Do lần đầu tiên tổ chức, với những hình ảnh trực quan, thiết thực nên thu hút sự hào hứng tham gia của toàn bộ học sinh nhà trường. Sau phiên tòa, trường đã tiến hành khảo sát, thăm dò ý kiến trong học sinh, giáo viên.

“Về cơ bản các em đều nắm chắc kiến thức cần thiết có trong điều khoản của Bộ luật Hình sự. Nhất là tội phạm ma túy hay các tình tiết giảm nhẹ nếu biết ăn năn, hối cải, nhận thức được đúng, sai. Qua đó tự ý thức xây dựng lối sống lành mạnh hơn. Đặc biệt, nhiều em khẳng định không dám mua bán hay sử dụng ma túy…”, thầy Khoa tâm sự.

Cũng theo chia sẻ của thầy Khoa, mục đích phiên tòa không chỉ dừng lại tại đây. Dựa trên những đánh giá, kết quả ghi nhân, nhà trường sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo hướng “mềm hóa”.

“Học sinh nhà trường gần 100% là con em đồng bào DTTS, sống tại các địa bàn khó khăn. Bởi vậy, việc nâng cao kiến thức pháp luật cho các em là hết sức cần thiết. Hơn hết, chúng tôi còn mong muốn, từ sự hiểu biết của mình, chính các em sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc phổ biến pháp luật ở ngay tại địa bàn dân cư sinh sống”, thầy Khoa nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.