Thanh tra 3 cấp: Điểm nhấn của kỳ thi
Tán thành với quyết định của Chính phủ về việc chuyển từ Kỳ thi THPT quốc gia sang Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng: Đây là phương án tối ưu trong bối cảnh hiện nay. Quyết định vừa phù hợp với thực tiễn khách quan (dạy – học trong bối cảnh dịch Covid-19), vừa đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục 2019.
“Tôi ghi nhận sự chủ động của ngành Giáo dục khi báo cáo, đề xuất với Chính phủ để có phương án thi hợp tình, hợp lý trong bối cảnh hiện nay” – đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh đồng thời cho biết: Kỳ thi đã giải tỏa nhiều băn khoăn, lo lắng của phụ huynh và thí sinh khi việc dạy – học của thầy, trò bị tác động bởi dịch Covid–19. Kết quả của kỳ thi vẫn được nhiều cơ sở giáo dục đại học tin cậy, sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh.
Đại biểu Lê Tuấn Tứ - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa nêu lên 3 ưu điểm chính của kỳ thi: Hợp lòng dân, giảm áp lực và phù hợp thực tiễn. “Với sự chuẩn bị tích cực, chủ động của ngành Giáo dục và tinh thần trách nhiệm của địa phương, tôi tin kỳ thi sẽ diễn ra suôn sẻ” – đại biểu Lê Tuấn Tứ chia sẻ, đồng thời tán thành với phương án huy động giảng viên tham gia các đoàn thanh tra và thanh tra 3 cấp ở các khâu trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Theo đại biểu, đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn, giúp địa phương từ công tác coi thi, chấm thi cho đến cách in sao và bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh. Qua đó, giúp kỳ thi minh bạch, khách quan hơn. “Tôi tin, đoàn thanh tra của Bộ và địa phương sẽ là sự kết hợp hoàn hảo, để kỳ thi thành công trên mọi phương diện, đáp ứng lòng tin của cử tri trên cả nước” - đại biểu Lê Tuấn Tứ bộc bạch.
Vững tin ở chặng đường mới
Theo ĐBQH Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: 5 năm qua, chúng ta tiến hành đổi mới Kỳ thi THPT quốc gia. Các trường đại học, cao đẳng đã dùng kết quả của kỳ thi này làm căn cứ để tuyển sinh. Những đổi mới trong thời gian qua đã được đánh giá, rút kinh nghiệm.
Năm nay, Kỳ thi THPT quốc gia được chuyển thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT để phù hợp với điều kiện thực tiễn và Luật Giáo dục 2019. Đây là một chặng đường mới. Các trường đại học sẽ thực hiện tuyển sinh theo cơ chế tự chủ đại học được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT để đánh giá chất lượng trên diện rộng sau 12 năm học của học sinh trên cả nước. Nếu em nào đáp ứng chuẩn tối thiểu thì được công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định, đề thi vẫn có độ phân hóa nhất định để các trường đại học, cao đẳng có căn cứ để tuyển sinh. “Tuyển sinh thuộc thẩm quyền tự chủ của trường đại học. Các trường có thể áp dụng phương thức tuyển sinh khác nhau và phải công khai trong đề án tuyển sinh của nhà trường” – đại biểu Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
Để kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc, chất lượng, đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng: Bộ GD&ĐT nên phối hợp chặt chẽ với các địa phương. Cùng với đó, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau kỳ thi. Địa phương có thể huy động đội ngũ thanh tra trong và ngoài ngành Giáo dục.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần thực hiện những khâu thanh tra theo thẩm quyền. Bộ hoàn toàn có thể sử dụng đội ngũ giảng viên của các trường đại học tham gia vào đoàn thanh tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Tôi tán thành và hoan nghênh tinh thần chủ động của Bộ GD&ĐT trong công tác này. Công tác thanh tra, kiểm tra cần được phân vai rõ ràng: Thanh tra của Bộ GD&ĐT làm gì? Thanh tra của tỉnh và thanh tra của sở GD&ĐT hoạt động như thế nào, để tránh chồng chéo” – đại biểu Ngô Thị Minh đặt vấn đề.
Đại biểu đề nghị, cán bộ thanh tra phải được lựa chọn theo các tiêu chí cụ thể, trên hết phải là người có năng lực, trách nhiệm và có phẩm chất, đạo đức tốt. Việc thanh tra kiểm tra phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả và khả thi.
Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch tập huấn cho đội ngũ này, để công tác thanh tra, kiểm tra thực sự phát huy hiệu quả, tạo được lòng tin của nhân dân. - Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh