Chú trọng khâu soạn bài
Theo đó, một trong những yêu cầu đầu tiên đó là, giáo viên cần hoạch định chất lượng trong giờ lên lớp trong khâu soạn bài. PGS.TS Đỗ Thị Thúy Hằng – phân tích: Về bản chất, đây là khâu thiết kế đầu tiên của quá trình dạy học, với yêu cầu đảm bảo 4 nội dung sau: Xác định một cách cụ thể những mục tiêu cần đạt đến sau giờ học.
Mục tiêu dạy học thực chất là dự kiến về kết quả cuối cùng cần đạt được, là hướng đích cho quá trình thực hiện. Có mục tiêu tổng quát của cả bài, bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ;
Mục tiêu này đã được pháp lý hóa, mức thước hóa một cách khái quát trong tài liệu. Lại có thể chia nhỏ mục tiêu tổng quát đó thành những mục tiêu bộ phận để dễ thực hiện. Những mục tiêu này thường tương ứng với các phần đơn vị nội dung dạy học trong bài, rất quan trọng trong chỉ đạo hoạt động tác nghiệp của người giáo viên.
Cũng theo PGS.TS Đỗ Thị Thúy Hằng, giáo viên cần xác định những mức chất lượng cho quá trình thực hiện. Có thể coi mức chất lượng là những yêu cầu, những mong muốn đạt được phù hợp với trình độ và điều kiện của giáo viên, của lớp học, của nhà trường đối với các yếu tố tham gia vào quá trình như nội dung kiến thức, phương pháp tổ chức, việc hướng dẫn của người dạy về cách thức hoạt động để chiếm lĩnh tri thức cho người học.
Ngoài ra cần dự kiến một cạch rõ ràng quy trình tiến hành các hoạt động dạy học. Nội dung này đòi hỏi giáo viên trả lời một cách rõ ràng các hoạt động dạy học trong tiến trình sẽ diễn biến như thế nào? Được tổ chức theo trình tự nào, theo một quy trình tổng thể nào thì tối ưu; trong quy trình lớn ấy bao gồm bao nhiêu hoạt động là đủ, hoạt động nào là trọng yếu.
Để thực hiện những hoạt động ấy, người dạy, người học cần tuân thủ tuần tự những bước đi nào, giáo viên cần làm cho người học biết phương pháp, cách thức tiến hành công việc có chất lượng trong mỗi giờ học.
“Chẳng hạn, ngoài hình thức dùng một bài kiểm tra ngắn, có thể hỏi ý kiến người học (trong tư cách là khách hàng) về việc hiểu hay chưa hiểu một đơn vị kiến thức trọng tâm; đã làm được, có hứng thú khi làm hay chưa làm được, chưa biết được cách thức tiến hành một hoạt động thực hành để rèn kĩ năng.
Làm được như vậy là thực hiện bước thiết kế đầu vào cho chất lượng giờ học mà ISO 9000 đã đúc kết thành một quy tắc quản lý, đó là: “ hoạch định và viết ra những gì sẽ làm”. Như vậy cũng có nghĩa là khâu thiết kế đầu vào đã được kiểm soát theo đúng nguyên lý của Khoa học quản lý chất lượng: kiểm soát từng khâu của quá trình” - PGS.TS Đỗ Thị Thúy Hằng dẫn giải.
Giáo viên: Nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục của nhà trường. Ảnh minh họa/internet |
Làm đúng những gì đã hoạch định
Đề cập đến vấn đề tổ chức và quản lý việc thực hiện chất lượng trong khâu dạy học trên lớp, PGS.TS Đỗ Thị Thúy Hằng – nhấn mạnh: Đây là khâu quản lý diễn biến của quá trình, cần tuân thủ nguyên tắc: “Làm đúng những gì đã hoạch định”.
Điều đó có nghĩa là, trong diễn biến của quá trình dạy học trên lớp, giáo viên cần tuân thủ một cách linh hoạt quy trình và kế hoạch dạy học đã được dự tính, hoạch định trong thiết kế (bài soạn). Vận dụng tinh thần các nguyên tắc quản lý chất lượng, nhất là nguyên tắc quản lý theo quá trình, giáo viên cần đảm bảo 3 vấn đề cốt yếu của việc quản lý chất lượng quá trình dạy học trên lớp, đó là:
Thứ nhất, giáo viên thực hiện những quy trình dạy học tối ưu đã được hoạch định trong khâu thiết kế. Sự thực hiện này một mặt vừa mang tính tuân thủ, đảm bảo cho tiến trình tổ chức quá trình dạy học trên lớp trở nên có tính toán, chủ động, có định hướng rõ ràng, có sự kiểm soát để các hoạt động dạy và hoạt động học được “làm đúng ngay từ đầu” để có chất lượng, tránh được sự tùy tiện, thụ động, thiếu kế hoạch.
Thứ hai, giáo viên thường xuyên hướng dẫn học sinh cách thức, phương pháp tiến hành các hoạt động học tập sao cho đạt hiệu quả cao, thông qua việc sử dụng các phiếu hướng dẫn học tập nhằm làm cho người học hiểu được cách thức thực hiện công việc học tập, từ đó có kỹ năng học tập đạt chất lượng cao. Điều này một mặt đảm bảo cho người dạy thực hiện tốt vai trò hướng dẫn và cố vấn của mình, mặt khác nhằm trả lại đúng ý nghĩa của việc dạy học.
Thứ ba, giáo viên tổ chức có chất lượng các hoạt động học tập của người học và có cách thức, biện pháp theo dõi chất lượng tham gia các hoạt động trong quá trình học tập.
Điều này đòi hỏi người giáo viên không phải chỉ hài lòng với một vài em thường xuyên tích cực trả lời các câu hỏi của giáo viên trong giờ mà thông qua việc tổ chức thực hiện các phiếu học tập, phiếu giao việc, làm cho người học với khả năng của mình đều thực hiện các nhiệm vụ học tập bằng nhiều kỹ năng: nghĩ, nói, viết... dưới sự điều khiển của người dạy;
Cũng thông qua hệ thống các câu hỏi, bài tập, phiếu học tập mà giáo viên kiểm soát mức độ và chất lượng của quá trình học tập.