Dấu ấn chuyển đổi số
Trong thời gian qua, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong ngành Giáo dục. Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2020 và kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GD&ĐT phiên bản 2.0. Hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu ngành và gắn mã định danh cho 53.000 trường học, hồ sơ của 24 triệu học sinh và 1,4 triệu giáo viên, đây là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Bộ GD&ĐT đồng thời ban hành quy định kỹ thuật về dữ liệu của hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục ĐH, bảo đảm việc kết nối, tích hợp dữ liệu về giáo dục ĐH giữa các hệ thông thông tin liên quan với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục ĐH. Kho học liệu số dùng chung tại địa chỉ igiaoduc.vn do Bộ GD&ĐT phối hợp Hệ tri thức Việt số hóa được khai trương, cung cấp 7.000 bài giảng điện tử, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, thí nghiệm ảo. Cổng dịch vụ công trực tuyến kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đã đưa 13/33 dịch vụ công trực tuyến của Bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ đặt ra 9%)...
Nhận định của PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng ban phụ trách, Ban Nghiên cứu đánh giá GD (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam): Ngành GD-ĐT đã có thành tựu khá cơ bản, đó là hầu hết giáo viên có kĩ năng giảng dạy với sự trợ giúp của công nghệ. Các nhà trường đã có Internet và máy tính. Trong diễn biến của dịch Covid-19, bài giảng số hóa xuất hiện ở hầu hết nhà trường. Người dạy, người học bước đầu quen với dạy học trực tuyến. Trên Internet, có nhiều nhà cung cấp dịch vụ, nội dung, chương trình dạy học. Điều đó cho thấy, chuyển đổi số đã thâm nhập, minh chứng tính cần thiết trong toàn ngành. Đây thực sự là những nền tảng quan trọng cho một quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ mà chúng ta đang chuẩn bị triển khai.
Là chuyên gia trong lĩnh vực này, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, cũng có đánh giá khả quan khi cho rằng đã nhận thấy sự sẵn sàng và khả năng chủ động đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia của ngành Giáo dục trong thời gian vừa qua. Việc gắn mã định danh cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục, xây dựng cơ sở dữ liệu và hạ tầng công nghệ, nhận thức và kĩ năng của đội ngũ… bước đầu tạo yếu tố tiền đề cho quá trình chuyển đổi số toàn diện trong ngành Giáo dục.
5 nguyên tắc, 3 cấp độ chuyển đổi
Trên cơ sở phân tích các kết quả đã thực hiện được trong thời gian qua, TS Tôn Quang Cường cho rằng: Đến lúc ngành Giáo dục cần đưa ra được Khung chuyển đổi số gắn với những chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của riêng mình. Quá trình này phải mang tính đột phá, thay đổi căn bản chứ hoàn toàn không phải là việc “tăng cường ứng dụng công nghệ” đơn thuần, càng không phải là quá trình “đổi mới bằng các định dạng số và thiết bị công nghệ” trong hoạt động giáo dục. Trên cơ sở phân tích, dự báo khả quan về xu hướng ứng dụng công nghệ trong quản lí và đào tạo, định hướng chiến lược phát triển và giải pháp cụ thể, kết nối, liên thông hoạt động giữa cơ sở giáo dục các cấp và năng lực của đội ngũ, ngành Giáo dục cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để đầu tư, khai thác, thích ứng các lợi ích do công nghệ mang lại.
Các báo cáo phân tích về sự thay đổi của thế hệ người học là công dân số (thế hệ Z, Alpha) trong bối cảnh xã hội chuyển đổi số giai đoạn tiếp theo tạo nên những thách thức lớn cho các nhà trường và ngành Giáo dục nói chung. Xu hướng giáo dục, dạy học trong giai đoạn 10 năm tới sẽ bùng nổ theo hướng cá nhân hóa, di động hóa với thiết bị cầm tay, đa phương thức/đa công cụ hóa, dạy học liền mạch và nhập vai trải nghiệm cá nhân hóa trong các không gian học tập thực - ảo… đòi hỏi phải định hình lại các mô hình, phương thức giáo dục truyền thống.
Việc xây dựng Khung chuyển đổi số trong giáo dục, theo TS Tôn Quang Cường, cần được thực hiện theo 5 nguyên tắc và 3 cấp độ chuyển đổi. 5 nguyên tắc gồm: Định rõ chiến lược và văn hóa hoạt động trên nền tảng số trong cơ sở giáo dục; tăng cường gắn kết người dùng; thực hiện liên tục đổi mới sáng tạo trong hoạt động giáo dục, dạy học; ứng dụng công nghệ mới trong mọi hoạt động; thực hiện quản lí và phân tích dữ liệu giáo dục. 3 cấp độ gồm: Thay thế, làm mới các học liệu bằng định dạng số; thực hiện số hóa quy trình tổ chức hoạt động giáo dục, dạy học; thực hiện chuyển đổi các mô hình, hình thái hoạt động giáo dục, dạy học dựa trên nền tảng số.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, TS Tôn Quang Cường khuyến nghị: Cần xây dựng hệ thống văn bản, hướng dẫn thực hiện quá trình chuyển đổi số tạo sự thống nhất chung về nhận thức và hành động trong toàn ngành; thực sự coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của ngành; áp dụng linh hoạt, khoa học một số nguyên tắc và tiếp cận số trong hoạt động giáo dục, dạy học theo lộ trình phù hợp. Nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lí giáo dục, triển khai dạy học theo tiếp cận công nghệ (IoT, Big Data, Blockchain) để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, ra quyết định và quản lí nhà trường. Xây dựng mô hình dạy học theo hướng mở, kết nối, liền mạch, hỗ trợ cá nhân hóa cao độ dựa trên nền tảng hạ tầng công nghệ dùng chung, cơ sở dữ liệu lớn.
Tạo cơ chế để các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng chương trình tích hợp công nghệ của mình trên nền tảng hệ thống công nghệ tổng thể. Nhà nước nên đứng ra xây dựng 2 - 3 nền tảng giáo dục dùng chung cho toàn hệ thống quốc gia; Đồng thời, ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng đáp ứng nhu cầu học tập cá nhân hóa; kết nối mọi chủ thể, đối tượng liên quan trong quá trình giáo dục… Tiến tới xây dựng mỗi nhà trường là một “khuôn viên thông minh”; xây dựng kho học liệu mở tài nguyên số dùng chung trong toàn ngành (có tính đến đặc thù đào tạo cho từng cấp học, bậc học). Nghiên cứu đề xuất cơ chế thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư, triển khai công nghệ giáo dục, cùng tham gia với nhà trường trong mọi mặt hoạt động giáo dục, dạy học và quản trị.