Tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), ĐHQG-HCM, Khoa Thư viện – Thông tin học là đơn vị đào tạo chất lượng cao ngành Thông tin – Thư viện, đóng vai trò nòng cốt trong giáo dục đại học và cao học ngành này của Việt Nam; từng bước mở rộng hoạt động nghiên cứu hướng đến đại học nghiên cứu theo tầm nhìn của nhà trường.
Để tìm hiểu rõ hơn về ngành Thông tin – Thư viện, Báo Giáo dục & Thời đại có buổi trò chuyện cùng với PGS.TS. Nguyễn Hồng Sinh – Trưởng khoa Thư viện – Thông tin học.
Ngành học đa lĩnh vực trong bối cảnh chuyển đổi số
PV: Xin cô cho biết về lịch sử hình thành của ngành Thông tin - Thư viện tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sinh: Nghiên cứu và thực hiện các hoạt động quản lý thư viện và phục vụ nhu cầu đọc là ngành khoa học đã xuất hiện từ sớm trên thế giới. Đến thập niên 80 của thế kỷ XX, các thành tựu của công nghệ thông tin (CNTT) dần được ứng dụng mạnh mẽ vào nhiều lĩnh vực thì xu thế vận hành mọi hoạt động của thư viện trên nền tảng CNTT, đã trở nên phổ biến. Từ đây, các hình thức thư viện điện tử, thư viện số dần được phát triển. Trước xu thế này, ngành học Thông tin – Thư viện được giảng dạy tại Khoa Thư viện – Thông tin học của nhà trường vào năm 1984 (lúc đó là Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh). Đến nay, nhà trường đã đào tạo được 37 khóa; hiện có khoảng 200 sinh viên đang theo học.
Sinh viên Khoa Thư viện – Thông tin họctham gia sinh hoạt chuyên đề “Blockchain trong nền kinh tế số”. |
PV: Thưa cô, sinh viên sẽ học những khối lượng kiến thức nào khi theo học ngành Thông tin – Thư viện?
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sinh: Ngày nay, các loại sách báo và cách con người đọc không chỉ theo kiểu truyền thống mà còn theo kiểu “số”. Hơn nữa, để thu thập, tổ chức, quản lý và phục vụ người dùng tin đòi hỏi sự tích hợp nhiều loại kiến thức, kỹ năng và công cụ; vì vậy, Thông tin – Thư viện là ngành mang tính đa lĩnh vực. Để quản lý tài nguyên thông tin bao gồm việc tìm kiếm, thu thập, tổ chức, sắp xếp, lưu trữ, bảo quản và phục vụ người dùng tin, đòi hỏi sự tích hợp nhiều loại kiến thức, kỹ năng và công cụ. Do đó, ngành học này trang bị cho sinh viên nhiều khối kiến thức.
Khối kiến thức đại cương giúp sinh viên có hiểu biết nền tảng về xã hội, như văn hoá, chính trị, triết học, kinh tế, tâm lý để sống, làm việc và ứng xử phù hợp với con người và xã hội hiện nay. Khối kiến thức chuyên môn giúp sinh viên có năng lực quản lý tài nguyên thông tin ở cả định dạng truyền thống và định dạng số.
Song song đó, khối kiến thức nền tảng về CNTT giúp sinh viên ứng dụng được các tiện ích của CNTT và truyền thông vào quá trình quản lý tài nguyên thông tin và phục vụ người dùng tin. Ngoài ra, ngoại ngữ cũng là một năng lực sinh viên cần đạt được. Như vậy, đây là ngành học tích hợp nhiều loại kiến thức rất cần thiết đối với công dân trong bối cảnh chuyển đổi số.
PV: Đào tạo gắn với thực hành sẽ được thực hiện như thế nào, thưa cô?
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sinh: Các môn học có trọng tâm rèn luyện kỹ năng sẽ có thời lượng cho phần thực hành dưới nhiều hình thức, như sinh viên sẽ thực hành dưới sự hướng dẫn của giảng viên tại lớp học để sử dụng các công cụ chuyên môn, tại phòng máy tính để sử dụng các phần mềm và ứng dụng công nghệ trong thu thập, tìm kiếm, trình bày, phổ biến và cung cấp sản phẩm và dịch vụ thông tin, tham quan và trải nghiệm thực tiễn tại các cơ quan thông tin – thư viện, tham dự các tọa đàm với khách mời là các chuyên gia trong lĩnh vực thông tin – thư viện. Bên cạnh đó, khóa học có 2 đợt thực tập thực tế, mỗi đợt kéo dài từ 4 đến 6 tuần.
Cơ hội làm việc liên quan đến thông tin tri thức rộng mở, đa dạng
PV: Được biết, ngành Thông tin - Thư viện đang được ứng dụng tốt trong các lĩnh vực nghề nghiệp. Vậy, cử nhân ngành có thể làm tốt những công việc như thế nào?
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sinh: Với năng lực được tích hợp từ nhiều khối kiến thức, Cử nhân Thông tin – Thư viện có thể đảm nhận nhiều vị trí công tác có liên quan đến việc quản lý và cung cấp các loại thông tin tri thức, và có thể làm việc ở nhiều loại cơ quan khác nhau.
- Nhân viên thư viện làm việc tại các trường đại học, các trường phổ thông, các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các trung tâm tri thức; thực hiện các công việc như xử lý, phát triển tài nguyên thông tin, tra cứu thông tin và cung cấp dịch vụ cho người dùng tin, quản trị việc ứng dụng CNTT và truyền thông vào hoạt động của cơ quan thông tin - thư viện.
- Nhân viên xuất bản làm công việc biên tập nội dung tại các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, bộ phận marketing.
- Nhân viên trong các cơ quan văn hóa-nghệ thuật, bưu điện với các công việc như lựa chọn, thu thập, tổ chức, xử lý, quản lý, phân phối thông tin và các sản phẩm và dịch vụ thông tin.
- Nhân viên văn phòng bao gồm Nhân viên xử lý hồ sơ, Thư ký tổng hợp, Nhân viên hành chính làm các công việc như phân loại, sắp xếp, quản lý dữ liệu và thông tin, hồ sơ, giấy tờ; tổ chức, cập nhật và lưu trữ dữ liệu, thông tin; quản lý nội dung thông tin bao gồm tìm kiếm và tổ chức hệ thống thông tin cho cơ quan.
- Nhân viên trong các tổ chức giáo dục làm công việc hỗ trợ giáo viên phát triển tài nguyên giáo dục số...
PGS. TS. Nguyễn Hồng Sinh (áo dài vàng) với SV khóa 2017-2021. |
PV: Để theo học ngànhThông tin - Thư viện, các bạn trẻ cần có những tố chất nào, thưa cô?
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sinh: Để học tốt ngành nghề chuyên thực hiện việc tổ chức, quản lý và phục vụ thông tin trí thức cho mọi người, các bạn trẻ cần một số tố chất như: Có khả năng tổ chức, thích làm việc theo trình tự, thích sắp xếp mọi thứ theo đúng quy tắc vì quá trình quản lý thông tin cần tố chất này; Thích sử dụng tiện ích công nghệ và truyền thông vì ngày nay tài liệu, hồ sơ, thông tin phải được quản lý trên nền tảng CNTT, và thông tin cần được phổ biến và phục vụ qua các kênh truyền thông; Thích tìm kiếm thông tin từ nhiều kênh bao gồm cả từ internet, vì đây là một kỹ năng quan trọng khi phục vụ thông tin cho mọi người.
Sự kết hợp giữa hướng nội và hướng ngoại là tố chất phù hợp vì có lúc công việc tổ chức và quản lý thông tin đòi hỏi sự tập trung và tuân thủ đúng quy tắc, nhưng khi phục vụ thông tin cho mọi người thì khả năng giao tiếp, sự năng động và tinh thần sẵn sàng phục vụ khách hàng là rất quan trọng.
PV: Để thành công trong công việc, chuyên môn là một phần quan trọng nhưng cũng sẽ cần những kỹ năng khác để có thể phát huy tốt chuyên môn. Theo cô, sinh viên cần phải trau dồi những kiến thức và kỹ năng nào nữa khi học ngành này?
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sinh: Các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết và nói trước công chúng, kỹ năng tin học và ngoại ngữ là những kỹ năng giúp bổ trợ cho rất nhiều trong công việc này. Đối với ngành Thông tin – Thư viện đây không chỉ là những kỹ năng bổ trợ, mà còn là những kỹ năng mang đặc tính ngành. Vì vậy, trau dồi những kỹ năng này là rất cần thiết. Đây cũng là những kỹ năng giúp sinh viên khi tốt nghiệp có khả năng tự phát triển bản thân và tìm được những công việc có thu nhập cao.
PV: Lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đã tìm hiểu và yêu thích ngành Thông tin - Thư viện để thực hiện đam mê và thành công?
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sinh: Nếu các bạn đã tìm hiểu ngành học Thông tin – Thư viện, hoặc nhận thấy mình phù hợp với những công việc có thể làm sau khi học ngành này, hoặc bạn thích ngành học có hướng mở để sau này dễ dàng thích ứng với những cơ hội khác nhau trong tương lai, bạn hãy mạnh dạn chọn học và kiên định với lựa chọn của mình. Vì tính chất đa lĩnh vực, ngành học đòi hỏi bạn tiếp cận nhiều loại kiến thức và kỹ năng, cho đến khi bạn tích hợp được chúng để tạo cho mình một năng lực đa dạng bạn sẽ có khả năng làm việc với nhiều vị trí và tại nhiều cơ quan.
Trân trọng cảm ơn cô!
“Để học tốt ngànhThông tin - Thư viện - mộtngành nghề chuyên thực hiện việc tổ chức, quản lý và phục vụ thông tin trí thức cho mọi người, các bạn trẻ cần một số tố chất như: Có khả năng tổ chức, thích làm việc theo trình tự, thích sắp xếp mọi thứ theo đúng quy tắc vì quá trình quản lý thông tin cần tố chất này; Thích sử dụng tiện ích công nghệ và truyền thông; Thích tìm kiếm thông tin từ nhiều kênh bao gồm cả từ internet...” - PGS.TS. Nguyễn Hồng Sinh.