Nâng cao năng lực quản trị cho cấp quản lý

GD&TĐ - Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE) đã và đang triển khai khóa bồi dưỡng Mô-đun 2: Quản trị nhân sự trong trường tiểu học/THCS/THPT.

Ban Quản lý chương trình ETEP Trường ĐH Sư phạm TPHCM tập huấn nội bộ phát triển tài liệu Mô-đun 2. Ảnh: NTCC
Ban Quản lý chương trình ETEP Trường ĐH Sư phạm TPHCM tập huấn nội bộ phát triển tài liệu Mô-đun 2. Ảnh: NTCC

Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc phỏng vấn GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng phụ trách HCMUE.

Bồi dưỡng 4.000 cán bộ quản lý cốt cán

- Thưa GS, HCMUE thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng quản trị nhân sự (cấp quản lý) cho các cơ sở GD phổ thông như thế nào?

- Thực hiện Công văn 3953/BGDĐT-GDTrH ngày 5/10/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán năm 2020 thuộc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (hay còn gọi là chương trình ETEP), chúng tôi cùng với các trường sư phạm và Học viện Quản lý GD được giao bồi dưỡng 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và hơn 70.000 cán bộ đại trà của 63 tỉnh, thành toàn quốc.

Mục tiêu chính của khóa bồi dưỡng Mô-đun 2: “Quản trị nhân sự trong trường tiểu học/THCS/THPT” là trang bị cho hiệu trưởng các kiến thức, kỹ năng liên quan đến quản lý nhân sự vận dụng trong thực tiễn, trước hết đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018.

- Đổi mới GD đòi hỏi hiệu trưởng chuyển từ quản lý sang quản trị trường học, mô-đun này cung cấp cho người học những gì?

- Đây là một trong những mô-đun quan trọng. Đặc biệt với cán bộ lãnh đạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục. Bởi, một điều dễ nhận thấy, trong quá khứ chúng ta quan tâm nhiều đến công tác quản lý, tuy nhiên, hiện nay về mặt thực tiễn, quan tâm nhiều đến công tác quản trị là phù hợp. Để vấn đề quản trị đi vào thực chất hơn, đòi hỏi phải có sự điều hành, điều động và đặc biệt là hướng dẫn tổ chức vận hành sao cho hiệu quả và khoa học.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh đổi mới giáo dục, đặc biệt là thực hiện CTGDPT 2018, sự thay đổi về quản trị cũng như phát triển năng lực quản trị của cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý ở trường tiểu học, trường trung học sẽ tạo ra những cú hích rất quan trọng. Hoạt động này bắt nhịp với sự thay đổi về mặt đổi mới công tác giảng dạy, phương pháp, đổi mới về kỹ thuật dạy học và công tác đánh giá.

Vì vậy, mô-đun này sẽ tác động tới chất lượng làm việc của cán bộ quản lý, đặc biệt là cán bộ quản lý ở trường phổ thông. Lực lượng cán bộ chủ chốt, cốt cán sau này sẽ tập huấn lại cho đội ngũ cán bộ quản lý đại trà.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: TG
GS.TS Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: TG

Làm quen phương thức lớp học đảo ngược

- Chương trình bồi dưỡng này được xây dựng dựa trên các tiêu chí chất lượng nào?

- Chương trình bồi dưỡng này được kiểm soát theo quy trình bảo đảm chất lượng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ban Quản lý chương trình ETEP, Bộ GD&ĐT. Quy mô 50 học viên/lớp học, mỗi lớp có 2 giảng viên, thực hiện các phương pháp dạy học tích cực.

Việc tạo điều kiện cho các học viên làm việc bài bản bằng phương pháp tiếp cận với kịch bản sư phạm trực tuyến trước rồi sau đó mới tiếp cận với kịch bản sư phạm trực tiếp là phương thức lớp học đảo ngược. Nghĩa là, bản thân học viên là cán bộ quản lý phải nghiên cứu trước về lý thuyết và nắm được những khái niệm, đặc điểm cơ bản, rồi sau đó sẽ trao đổi trực tiếp cùng chuyên gia, giảng viên sư phạm có kinh nghiệm giảng dạy. Quá trình triển khai, phương thức này tỏ ra khá phù hợp. Việc tham gia theo mô hình lớp học đảo ngược này giúp nhà quản lý tự so sánh kinh nghiệm của mình đã có với những kiến thức mang tính bài bản, đặc biệt là định hướng dưới dạng kịch bản sư phạm trực tuyến trong 5 ngày mà cán bộ quản lý cần phải học tập.

- Quá trình triển khai công tác bồi dưỡng quản trị nhân sự cho các cơ sở GD, ông nhận thấy việc chuyển biến chất lượng từ các lớp học này ra sao?

- Ngoài các bài giảng được chuẩn bị kỹ lưỡng của giảng viên, học viên tham gia lớp học được chia sẻ kinh nghiệm và học tập lẫn nhau. Sau đó, họ còn có trách nhiệm hỗ trợ các lớp bồi dưỡng đại trà. Vì vậy, họ học được rất nhiều từ khóa học và áp dụng thực tế tại đơn vị đang công tác.

Ở phần kịch bản sư phạm trực tiếp, việc tiếp cận những tình huống cụ thể, là một trong những yêu cầu quan trọng của mô-đun này. Do đó, có thể khẳng định với những tình huống thực tiễn bản thân học viên sẽ cảm thấy mình cần phản biện, đóng góp, phân tích, chia sẻ thông tin… Đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng để làm cho lớp học tránh đi sự nhàm chán.

Có một điểm mà chúng tôi muốn phân tích thêm, cán bộ quản lý khi tham gia học tập được bộc lộ những kỹ năng của bản thân mình, đặc biệt là kinh nghiệm.

- Đứng lớp với những học viên ít nhiều có kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành trường học, các giảng viên có khó khăn, lúng túng?

- Khuynh hướng của lớp học là phải tôn trọng kinh nghiệm. Chúng tôi khai thác sự hiểu biết và kinh nghiệm của học viên. Song song đó, giảng viên sẽ điều chỉnh hoặc cung cấp một số lý thuyết mới, dựa trên nền tảng khám phá, kết quả quản lý và tư duy của người học. Hơn thế nữa, với những ngữ liệu được chuẩn bị theo hình thức sư phạm trực tiếp và trực tuyến, giảng viên có thể tổ chức các hoạt động giúp người học có cái nhìn khái quát hơn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để người học được bộc bạch những cảm xúc, tâm tư tình cảm của mình.

Với phương thức này, tôi cho rằng giảng viên vừa có thể chủ động nhưng mặt khác vẫn có thể tương tác tích cực đối với học viên. Họ không phải lo lắng hay căng thẳng trong quá trình làm việc.

- Xin cám ơn GS!

Quản trị nhân sự trong trường tiểu học/THCS/THPT là một trong những mô-đun quan trọng với cán bộ quản lý. Một mặt cán bộ quản lý có thể tiếp nhận, ứng dụng trong thực tiễn. Mặt khác, có thể hỗ trợ đồng nghiệp để cùng thúc đẩy hoạt động quản trị trường sao cho hiệu quả… - GS.TS Huỳnh Văn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.